Chuyện về bệnh nhân HIV/AIDS
Các Website khác - 19/06/2008
 
Bill Clinton và nữ bệnh nhân HIV

Nhiều lúc tôi cứ dằn vặt tự hỏi, rằng: Họ, những người không may mắn bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV có đáng bị chúng ta phân biệt đối xử tàn nhẫn đến vậy không? Có phải lòng nhân ái của chúng ta chỉ là sự giả tạo, một thứ váng mỡ lấp lánh, đắp điếm cho thói ích kỷ cố hữu của mỗi người. Và, phải chăng lòng nhân ái ấy đã “đóng băng” trước những nỗi đau của đứa con, của những người anh, người em và những người hàng xóm từng là bà con của chính chúng ta?

Tôi vẫn nghĩ rằng, đó chỉ là một kết luận vội vã và nông cạn. Thế nhưng, sự thật chua chát và cay đắng hơn: những người không may mắn bị mắc phải căn bệnh chết người là HIV/AIDS ấy, vẫn đang chờ đợi đến ngày lương tri và lòng nhân ái ở mỗi con người thức tỉnh…

Không thể biết chính xác hiện nay trên dải đất hình chữ S nhỏ bé này có bao nhiêu người bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Thế nhưng có một con số khiến nhiều người phải giật mình là con số mà Đài truyền hình Việt Nam liên tục cảnh báo trong một thời gian dài gần đây, rằng, ở nước ta, cứ 15 phút lại có thêm một người bị nhiễm HIV/AIDS. Nếu số liệu này là đúng thì cứ sau mỗi ngày, ta lại có thêm 96 người nhiễm HIV/AIDS, mỗi tuần là 672 người, mỗi tháng là 2.920 người, và sau mỗi năm là 35.040 người, bằng dân số của một huyện rồi còn gì. Nhưng có lẽ, trên thực tế, tốc độ lây lan có thể còn lớn hơn rất nhiều.

Điều đau lòng hơn nữa là những người bị HIV/AIDS luôn bị cô lập, xa lánh và bị đẩy ra ngày một xa khỏi cái quỹ đạo của cuộc sống đang diễn ra quanh họ. Sự kỳ thị này lớn đến nỗi, ngay cả những bệnh nhân HIV/AIDS là tuyên truyền viên có thâm niên nhất mà chúng tôi gặp, đều tỏ thái độ đầy ngờ hoặc. Thậm chí, ngay đến cái tên (chứ chưa nói đến địa chỉ, nơi làm việc), họ cũng rất sợ bị tiết lộ. Tại sao vậy? Câu trả lời ở đây là vì họ sợ sẽ bị kỳ thị, sợ bị mất đi một cuộc sống bình thường nhất mà họ đang có.

Tại Khoa truyền Nhiễm, Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội), trưởng nhóm đồng đẳng Cho bạn - cho tôi giới thiệu anh là một họa sỹ. Thế nhưng, ngồi nói chuyện đến gần 30 phút, rào trước đón sau chán chê, anh mới tiết lộ cho tôi biết tên là Phạm Ngọc T. Anh T kể, anh phát hiện bị nhiễm HIV/AIDS đã 12 năm rồi. Đó là hậu quả của quãng thời gian sống buông thả và tiêm trích ma túy. Ngay sau khi biết mình bị HIV/AIDS, anh đã quyết định sẽ không bao giờ xây dựng gia đình với một ai đó nữa. Anh bảo, cho đến bây giờ, những người hàng xóm trong khu phố nơi anh sống hay cả đồng nghiệp đều chưa hề biết anh đang mang mầm bệnh chết người này. Thế nhưng, chưa khi nào anh có ý định sẽ tiết lộ ra sự thật này cả. Bởi anh tin, khi sự thật này bị phơi bày cũng là lúc cuộc sống bình thường của anh sẽ bị đảo lộn bởi sự kỳ thị. Anh sẽ không thể sống ở nơi anh đang sống, không thể tiếp tục những mối quan hệ (với hàng xóm, bạn bè, trong công việc) mà anh đang có. Rồi, cuộc sống của anh cũng không biết sẽ đi đến đâu. Vì vậy, anh thấy hài lòng và quý trọng vô cùng cuộc sống hiện tại anh đang có.

Đây có lẽ là một câu chuyện nhẹ nhàng nhất về sự kỳ thị mà chúng tôi đã gặp. Câu chuyện đó lại là chuyện của một tuyên truyền viên, người đã vượt qua được sự sợ hãi, những mặc cảm bệnh tật, cái chết và đang có một cuộc sống hoàn toàn lành mạnh. Hàng ngày, anh còn tư vấn và giúp đỡ cho rất nhiều người cùng cảnh ngộ với mình vượt qua tâm lý tự ti, mặc cảm bệnh tật và sống một cuộc sống có ích. Dù vậy, anh vẫn không đủ dũng cảm để công khai tình trạng bệnh tật của mình, bởi dư luận và sự kỳ thị của cộng đồng với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn lớn lắm.

Đấy là ở thành phố, nơi trình độ dân trí và nhận thức của mỗi người đều rất cao, nhưng sự kỳ thị vẫn không bị xóa bỏ. Còn ở những vùng nông thôn, sự kỳ thị với những người nhiễm HIV/AIDS còn khủng khiếp hơn thế rất nhiều.

Mấy năm trước, khi chúng tôi về xã Tiên Lương (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) để viết về đại dịch AIDS ở nơi này. Câu chuyện kinh hoàng về HIV/AIDS ở Tiên Lương khi ấy đã gây được sự chú ý lớn của dư luận. Thế nhưng, có một câu chuyện còn đau lòng hơn, ẩn sau câu chuyện về HIV/AIDS ở Tiên Lương chính là sự kỳ thị một cách vô lý với những gia đình có người bị HIV. Ở đây, hễ gia đình nào bị phát hiện có người bị nhiễm HIV là y rằng sẽ bị cộng đồng cô lập, xa lánh như một thứ bệnh dịch.

Tại Tiên Lương, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Sâm ở xóm 3, gia đình có tới 6 người nhiễm HIV/AIDS, nay thì họ đã chết gần hết rồi. Thấy khách đến nhà, ông Sâm vẫn hai tay ngồi bó gối ngồi trên ghế đầy vẻ bất cần nhìn khách. Ông bảo: “Tôi đếch pha nước, các chú thông cảm. Cả nhà bị “ếch”, pha nước họ không uống thì pha làm gì?”. Và, trong suốt cuộc trò chuyện, ông vẫn giữ nguyên thái độ thù hằn và bất cần như thế.

Cũng tại Tiên Lương, chúng tôi còn phát hiện ra một sự thật khác là những gia đình có người bị HIV, nếu có trồng được luống rau hay nuôi được con gà, muốn bán được cũng phải mang đi thật xa, nơi người ta không biết được đó là sản phẩm của một gia đình có người bị AIDS thì may ra mới bán được. Còn khi người bị HIV chết vì bệnh tật, thì có một điều chắc chắn rằng, đám tang ấy sẽ buồn và thê lương khủng khiếp, bởi đám tang sẽ chỉ có người trong gia đình hoặc những người thân cận lắm mới dám đến tiễn đưa người quá cố…

Sự kỳ thị này không chỉ có ở Tiên Lương, mà đã là thực trạng chung ở rất nhiều vùng quê. Cũng chính sự kỳ thị này đã khiến hàng trăm bệnh nhân HIV/AIDS bị chính người thân trong gia đình hắt hủi, cô lập, đẩy ra khỏi cuộc sống gia đình. Không còn nơi bấu víu, người bệnh phải sống những ngày cuối đời trong sự cô đơn, tuyệt vọng đến cùng cực.

Tại Trung tâm điều trị bệnh nhân HIV/AIDS (huyện Thanh Trì, Hà Nội), nơi mà nhiều người vẫn gọi bằng một cái tên khác, cũng chẳng mỹ miều hơn, là Trung tâm 09, chúng tôi đã được chứng kiến những số phận cô đơn đến cùng cực như thế. Ở đây, tuần nào cũng có vài bệnh nhân qua đời, nhưng chuyện người nhà đến thăm và chăm sóc người thân, rồi tiễn đưa họ về nơi an nghỉ cuối cùng sao mà hiếm hoi đến thế! Rất nhiều bệnh nhân sống những ngày cuối đời ngắn ngủi ở đây, lúc nào cũng ra vào chỉ để ngóng chờ một khuôn mặt, một giọng nói quen thuộc của người thân. Trông họ như những kẻ tâm thần, mê sảng trong thế giới của riêng mình. Mà sự thật, tại đây, cũng không ít người trong những ngày ngắn ngủi còn lại của mình đã phát điên thật khi bị chính người thân sao nhãng, bỏ quên, coi như họ chưa từng tồn tại ở trên thế gian này. Chúng ta, ai đáng trách hơn ai. Ai nhân ái hơn ai. Và, tôi chợt giật mình khi nghe một bệnh nhân, có lẽ cũng sẽ khuất núi trong nay mai thôi, nói với tôi rằng, ở trung tâm, cứ 10 đám tang thì có tới 8,9 đám không có người thân tới dự, không tiếng khóc xót thương, cũng không một giọt nước mắt nhỏ rơi vì người quá cố.

Phương Anh (Vietimes) - Theo http://www.hoilhpn.org.vn/