Cô học trò có H+ và ước mơ trở thành cô giáo
Các Website khác - 18/06/2008

TP - Cho dù đến giai đoạn nguy cấp do căn bệnh thế kỷ HIV (H+) hành hạ, em Nguyễn Thị Phương Anh, học sinh lớp 5A4 trường Tiểu học I thị trấn Hữu Lũng (Lạng Sơn) vẫn tỏ ra lạc quan. Tuy gầy yếu nhưng đôi mắt em luôn ánh lên nỗi khát khao được sống và đi học.

Phương Anh và bà nội

Chúng tôi đến thăm gia đình em ở thôn Dốc Mới, xã Sơn Hà (huyện Hữu Lũng). Thấy có khách, ông Nguyễn Văn Hỷ (65 tuổi) gọi bà Lê Thị Kha (62 tuổi) pha trà và nói:

Vợ chồng tôi là ông bà nội nhưng đóng vai trò làm cha, mẹ nuôi dưỡng cháu Phương Anh. Mấy hôm nay cháu đỡ ốm, ăn được lưng bát cơm, đang tập đi xe đạp.

Tháng trước cứ tưởng cháu “đi” trước ông bà. Khổ thân, cứ khoẻ một tý là đòi đến trường. Nó nhớ thầy, nhớ bạn. Phương Anh dựa sâu vào lòng bà nội. Đôi mắt em to, tròn, đen nhánh nhưng đượm buồn.

Một hôm, trong giờ học toán, cả lớp đang chăm chú làm bài tập kiểm tra, bỗng nhiên Phương Anh ngã ra ghế. Cách ngày, cô giáo Hương lại đến thăm học trò của mình. Nhưng cô không thể ngờ sức khoẻ của Phương Anh lại sa sút nhanh chóng như vậy. Đang là một cô bé xinh tươi, da trắng hồng, môi đỏ thắm nặng trên 20 cân thì nay người gầy đét, chỉ còn da bọc xương.

Bà Kha cho biết: Mấy ngày liền em không ăn, không ngủ bởi các cơn đau tim, đau bụng  liên tục hành hạ. Ông bà thay phiên nhau xoa bóp các khớp xương đau nhức cho em. Ấy vậy mà, mấy ngày sau, lớp 5A4 lại thấy ông nội đưa Phương Anh đến trường.

Em lặng lẽ ngồi vào vị trí của mình ở bàn đầu. Chiếc gối trải xuống ghế cho mông đỡ đau. Lớp học lặng đi, tiếng cô giáo giảng bài như chùng xuống. Nửa chừng, Phương Anh lại bị cơn đau bụng ập đến.

Cô giáo chủ nhiệm đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ điểm của lớp. Phương Anh học đều các môn nhưng em học giỏi môn toán hơn cả, điểm trung bình môn đạt từ 9,3 đến 9,5 điểm. Năm nào em cũng đạt học sinh giỏi và là một trong 3 học sinh, xuất sắc của trường.

Phương Anh không chỉ là lớp trưởng gương mẫu còn là Đội trưởng đội Văn nghệ hát hay, năng động. Nhà trường chuẩn bị chọn em vào đội trống nghi thức thì Phương Anh đổ bệnh.

Cô Hương giấu niềm xúc động rồi kể tiếp: “Dù biết mình đã có H+ nhưng Phương Anh không nghỉ một buổi học nào. Học kỳ I vừa qua, sức khoẻ đã quá yếu nhưng em vẫn đòi ông bà đưa đi thi và kết quả em đạt điểm giỏi ở các môn.

Phương Anh mấy tuần này đã khoẻ vì đã có thuốc uống đặc trị kịp thời. Những tháng trước Tết Nguyên đán, nhìn đứa cháu tội nghiệp đang nằm chờ chết, bà nội quyết định cõng em lên thành phố Lạng Sơn tìm thầy, tìm thuốc. Và thần may mắn đã mỉm cười với em, Phương Anh được cấp thuốc điều trị ARV thuộc quỹ Clinton đang triển khai ở Lạng Sơn.

Trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng Phương Anh hay nhắc về bố. Bà Kha đốt lửa châm nén nhang cắm lên bàn thờ bố mẹ Phương Anh rồi tâm sự với chúng tôi:

Khi mẹ cháu sinh đứa thứ hai, chỉ trong vòng vài tuần thì mất cả mẹ lẫn con. Khi đó mọi chuyện mới vỡ lở. Bố Phương Anh đi lái xe ô tô thuê kiếm sống. Anh bị kẻ xấu rủ rê nên mắc vào con đường nghiện hút. Đã nhiều lần chỉ hai bố con với nhau, anh ôm Phương Anh vào lòng rồi khóc.

Bà Kha tâm sự: “Nó bảo, tội của nó lớn lắm. Nó thề với tôi rằng, nếu Phương Anh mà chết trước, nó sẽ tự tử”. Dường như đã đoán được suy nghĩ của bố nên Phương Anh đã gượng lên, thỉnh thoảng lại ôm cổ bố cười.

Cuối năm 2006 bố của Phương Anh đã không cưỡng lại được số phận của mình. Bố mất, lại biết mình đã bị nhiễm H+, Phương Anh bỏ ra ngoài sân. Không thấy cháu đâu, tôi vội đi tìm thì thấy Phương Anh đang quay mặt vào góc tường, đôi vai gầy rung lên.

Tôi chưa kịp nói câu gì, Phương Anh ôm choàng lấy tôi nói trong dòng nước mắt: “Bà ơi, con không muốn chết như bố mẹ con đâu. Con còn phải nuôi ông bà cơ mà!”. Bà Kha kể.

Bà Kha không nói về gia cảnh của mình nhưng chúng tôi được biết, hiện nay 3 người sinh sống nhờ vào tiền lương hưu gần 1,3 triệu/tháng của ông Hỷ.

Bà Kha thở dài tâm sự: Chúng tôi sống khổ quen rồi, nhưng với Phương Anh thì chúng tôi không thể đành lòng cho cháu đói. Ông bà thường xuyên nhịn ăn sáng, cố gắng tằn tiện chi tiêu và khi có người cho đồng quà, tấm bánh thì dành dụm mua sữa, bột dinh dưỡng để bồi dưỡng cháu nội.

Trong thời gian công tác tại nông trường Hữu Lũng bà bị lá cây độc quyệt vào sưng tấy rồi bị dị tật loang lổ khắp mặt. Đã 30 năm nay, bà không có tiền chữa trị. Hàng đêm, nằm bên bà nội, Phương Anh trằn trọc hồi lâu rồi nhỏ nhẹ nói: “Lớn lên, con cố làm thật nhiều tiền để nuôi ông bà”.

Hôm 1/6, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở LĐ-TB-XH và Tỉnh Đoàn Lạng Sơn gặp gỡ, tặng quà cho một số thanh, thiếu niên có H+ trên địa bàn, Phương Anh giữ mãi gói quà chứa nhiều bánh kẹo, chưa muốn ăn.

Những ngày không đến được trường học, Phương Anh mang sách vở ra ôn luyện. Nhiều bức vẽ đã được Phương Anh hoàn thành trong thời gian gần đây. Trò chuyện với đoàn công tác của Tỉnh Đoàn Lạng Sơn, Huyện Đoàn Hữu Lũng đến thăm, Phương Anh không giấu niềm mong ước cháy bỏng của mình là sớm được đi học, mai này sẽ đi làm cô giáo dạy toán.

Nguyễn Duy Chiến