Chờ đợi điều kỳ diệu
Các Website khác - 01/12/2005
Một lớp học của trẻ nhiễm HIV tại Trung tâm Tam Bình, quận Thủ Đức. Ảnh: N.Hạnh
Những người làm công tác thiện nguyện và những em nhiễm HIV đang chờ đợi một sự kỳ diệu của y học. Họ tin rằng ngày mai sẽ có thuốc chữa khỏi bệnh AIDS để không ai bị bỏ rơi, để được quay về chung sống với gia đình

Lớn lên, em muốn vừa làm bác sĩ vừa làm ca sĩ” - M. rụt rè trả lời chúng tôi. “Vì sao em thích hai nghề này?” - M. giải thích vô tư: “Làm bác sĩ để chữa lành bệnh cho mẹ, còn làm ca sĩ thì có nhiều tiền để em nuôi mẹ”. Nói xong, em lại hỏi chúng tôi: “Nhưng không có trường nào cho em vô học hết. Có cách nào để em thành bác sĩ, ca sĩ không chị?”. Đó là ước mơ của một em bé đang sống trong một mái ấm dành cho những trẻ nhiễm HIV.

Tại sao người ta ném đá vào con?

Bé M., 5 tuổi, có ba và mẹ đều nhiễm HIV nhưng em lại khỏe mạnh, hằng ngày thường bị những đứa trẻ hàng xóm ném đá và người lớn kỳ thị. Có hôm, em về nhà với đầu tươm máu nhưng không biết tại sao mình lại bị ném đá. Cả nhà ngoại cũng không cho mẹ con em đụng vô những vật dụng trong nhà. Không còn cách nào khác, hai mẹ con em đã tìm đến mái ấm Mai Tâm (Q. Phú Nhuận - TPHCM).

Còn bé Nga, chỉ mới 9 tuổi, nhưng đôi mắt của bé bao giờ cũng đượm buồn. Trao đổi với chúng tôi, một chị làm công tác tình nguyện tại đây cho biết, ngoài HIV, bé còn mang trong người căn bệnh trầm cảm. Sau khi mẹ mất, bé được đưa vào một trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi. Tại đây, sự kỳ thị, ghẻ lạnh của mọi người đã khiến bé thu mình lại không dám tiếp cận với ai, dần dần em như một con ốc thu mình lại với cuộc sống chung quanh. Em kể: Có lần, em bị nhiều bạn trong trại đánh. Sợ quá, em chạy đi mách cô giáo nhưng em không được bênh vực mà còn bị cô giáo đánh đòn và phạt vì “không biết thân phận của người bệnh”.

Trung tâm Tam Bình (Q. Thủ Đức) là mái ấm của 109 trẻ từ sơ sinh đến 9 tuổi bị nhiễm HIV được đưa về từ các bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Từ Dũ, Hùng Vương. Em Nguyễn Võ, cha mẹ chết vì bị nhiễm, được đưa vào một trung tâm nuôi trẻ mồ côi của tỉnh Sóc Trăng. Không hiểu vì kỳ thị với bệnh của em hay vì không biết cách săn sóc mà em “được” nuôi trong một cái chậu. Khi được đưa đến Trung tâm Tam Bình thì bệnh của em đã ở giai đoạn cuối. Gần 6 tuổi (cũng có thể là 10 tuổi, vì không ai xác nhận được tuổi của bé) nhưng em không nói được, không đi, đứng hay ngồi được mà chỉ nằm. Sau 6 tháng đến Trung tâm Tam Bình, Võ được chăm sóc trị liệu và tập đi, đến nay gần như em đã nói được và đi được, mặc dù còn yếu.

Giúp trẻ tìm được niềm tin

Khi những trẻ nhiễm HIV được đưa về Mái ấm Mai Tâm, có em đã gần kề bên cái chết vì AIDS đã ở giai đoạn cuối, không thể tự đi đứng được. Tuy nhiên, sau vài tháng được chăm sóc, cho uống thuốc đặc trị, sức khỏe của các em được phục hồi. Có trẻ cha mẹ nhiễm HIV, sinh ra bị gia đình bỏ rơi, được đưa vào Mái ấm Mai Tâm, sau hơn một tháng được nuôi nấng tại đây, người nhà đã đón về. Những tình nguyện viên tại đây luôn tận tụy với các bé vì họ hy vọng người nhà của bé thấy bé vẫn lớn lên và khỏe mạnh nên sẽ không còn xa lánh nữa. Cha Toại là người đã đứng ra thành lập Mái ấm Mai Tâm với mong muốn giúp những em bé không may vừa chào đời bị nhiễm HIV có nơi nương tựa. Những người thành lập mái ấm tự nguyện chăm sóc cho trẻ bị nhiễm HIV với hy vọng sắp tới sẽ có thuốc điều trị cho cả mẹ và con khỏi bệnh. Cả những em bé chưa chào đời có mẹ nhiễm HIV cũng được chăm sóc từ khi còn là bào thai để không lây bệnh từ người mẹ.

Cha Toại cho rằng, khó khăn không phải từ phía người bệnh mà từ phía người chăm sóc vì người bệnh luôn cần được chia sẻ và cảm thông. Nếu người chăm sóc không ngại ngần, dám chạm tay vào người bệnh, ăn cùng người bệnh là đã giúp trẻ có niềm tin trở lại cuộc sống.

Một khó khăn khác là sự hỗ trợ về pháp lý của các ban ngành. Đa số các em đều không có giấy tờ tùy thân nên không được đi học và không có tạm trú tạm vắng. Những người đến với trẻ em bằng tất cả tấm lòng này không chỉ mong muốn các em có nơi nương tựa mà còn muốn các em có cuộc sống như người bình thường, được đi học và sẽ đi làm. Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe trẻ em Tam Bình, cũng cho biết: “Cộng đồng chống lại bệnh HIV/AIDS chứ không chống lại người bệnh HIV/AIDS. Thế nhưng, hiện nay không phải người nào cũng làm được như thế”.

Triển lãm ảnh của người nhiễm HIV/AIDS

Ngày 30-11, triển lãm ảnh “Chúng tôi nói về chúng tôi” do chính những người nhiễm HIV/AIDS chụp, đã được khai mạc tại Nhà Thông tin- Triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Hơn 400 tác phẩm ảnh tập trung phản ánh về những tác động và nguy cơ của đại dịch HIV/AIDS; mô hình phòng chống HIV/AIDS tại địa phương; vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS cũng như cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của họ. Tại triển lãm, giải nhất đã được trao cho tác phẩm Niềm vui nhân đôi của tác giả Hồ Hải Phong (quận 5 - TPHCM) ghi lại khoảnh khắc người vợ anh vui mừng đón nhận thông tin đứa cháu ruột xét nghiệm HIV cho kết quả âm tính. Ban Tổ chức cũng trao 2 giải nhì, 3 giải ba và 10 giải khuyến khích cho các tác phẩm đoạt giải. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết 4-12.

N.Dung

Nh. Phương - Ng. Hạnh