Vượt qua chính tôi
Các Website khác - 11/08/2008

“3 năm trước, tôi bị nhiễm HIV từ chồng. Sự kỳ thị của xã hội đối với người nhiễm HIV thật là kinh khủng. Có khi chưa chết vì bệnh thì người nhiễm HIV đã có thể chết vì bị kỳ thị. Tôi nghĩ không lẽ mình cứ lẩn tránh mãi và tôi đã cố vượt qua những ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời để sống”, trong căn nhà nhỏ ở huyện Đông Hòa (Phú Yên), người phụ nữ 24 tuổi mở đầu câu chuyện về mình như thế.

Ngày tháng đớn đau

“Chồng bệnh AIDS, chắc cô ấy cũng nhiễm HIV rồi!”. Lời xầm xì của các y tá như sét đánh ngang tai khi Minh (*) đi cùng chồng đến bệnh viện lấy xét nghiệm máu. Nửa tháng sau, chồng chị chết vì căn bệnh thế kỷ với cơ thể thâm ố và lở loét. Chôn cất chồng tại quê nhà anh (An Nhơn, Bình Định), Minh đau đớn nghĩ: “Rồi mình cũng sẽ như vậy sao? Sẽ về bên kia thế giới khi tuổi đời còn quá trẻ, với thân thể đầy u hạch, lở lói thế ư?”. Minh đi xét nghiệm máu. Những ngày chờ lấy kết quả xét nghiệm đối với Minh thật nặng nề. Kết quả xét nghiệm HIV dương tính càng làm cho Minh tuyệt vọng. Minh biết mình đã bị lây nhiễm HIV từ chồng. Chồng chị từng làm phụ hồ ở TPHCM, theo tính toán của nhiều người hiểu biết về căn bệnh này thì chồng chị có thể bị nhiễm HIV trong thời gian đang sống ở TPHCM, sau đám cưới. Minh không oán giận chồng, bởi dù sao thì anh cũng đã chết. Dù đã chuẩn bị tinh thần từ khi chăm sóc chồng những ngày cuối đời, nhưng Minh vẫn cảm thấy trời đất quay cuồng và đất dưới chân Minh như sụp xuống khi chị cầm trên tay bản xét nghiệm…

 

Tư vấn về phòng chống HIV. Ảnh: T.L.

Biết tin, mẹ Minh ngất lên ngất xuống. Thương đứa con gái xấu phận xong bà lại đau đớn khi nghĩ đến việc con gái bà sẽ bị mọi người ghẻ lạnh, xa lánh. Lớn lên trong cảnh mồ côi, bà lập gia đình rồi trở thành góa bụa khi chưa đầy 30 tuổi. Một mình nuôi con khôn lớn và bà tưởng ở cái tuổi ngoài 60, sẽ nương tựa được vào con vào cháu. Bà nào ngờ con gái duy nhất của bà lại mắc phải căn bệnh chưa có thuốc chữa này. Những tiếng đồn ác ý về Minh và căn bệnh lây nhiễm kinh khủng ấy lan rộng ở vùng quê nghèo Đông Hòa khiến chị phải gánh chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử của bà con lối xóm. Mai hoảng sợ và tự nhốt mình trong 4 bức tường. Chị kể trong nước mắt: “Tôi đến nhà hàng xóm uống nước, vừa đi khỏi thì họ đem đổ cả thùng nước. Khi tôi ngồi xuống, người đang ngồi gần đấy lập tức tránh xa… Bị mọi người kỳ thị ra mặt khiến tôi chỉ muốn chết”.

Sau khi làm tuần 49 ngày cho chồng, Minh đành đem đứa con gái nhỏ 4 tuổi của chị gửi về Qui Nhơn nhờ gia đình chồng nuôi dưỡng. Lòng người mẹ trẻ đau như cắt khi vừa vĩnh biệt chồng nay phải chia xa con. Lo lắng không còn đủ sức khỏe kiếm tiền nuôi con vẫn chưa lớn bằng nỗi sợ hãi - con bé sống với mình, cũng sẽ bị kỳ thị, xa lánh làm sao nó có bạn khi đi học (?). Và đó là lý do lớn nhất để chị phải gửi con đi thật xa.

Nhớ thương con, đêm nào chị cũng khóc. Khóc đến cạn nước mắt mà lòng chẳng hề nguôi. Đớn đau như vậy song Minh chẳng được yên bởi bà nội con bé cứ khăng khăng rằng chính chị mới là người đã lây bệnh cho con trai bà và bà đòi chị phải bán căn nhà nhỏ đang ở để chia tiền “theo luật” mà không cần biết nguồn tiền xây dựng căn nhà ấy từ đâu.

Cái nghề mua bán ve chai kiếm được 15.000 đồng mỗi ngày, dù vất vả nhưng cũng có thể nuôi sống được hai mẹ con Minh, nhưng bây giờ, Minh không thể mua bán gần nhà như xưa bởi chẳng ai muốn mua bán với người có thể lây lan căn bệnh cho bất kỳ ai “trò chuyện, mua bán” với chị (?!). Để mưu sinh, chị phải đạp xe đi thật xa, nơi mà chẳng ai biết chị là ai. Từ ngày biết Minh nhiễm HIV, chòm xóm và cả mấy người thân sống gần nhà cũng ít “dám” đến nhà chị chơi.

Trong nỗi tuyệt vọng cùng cực, tình cờ chị nhặt được tờ rơi và biết ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên có các điểm tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS. Minh muốn biết rõ hơn về căn bệnh quái ác đang khiến chị “dở sống dở chết” nên bỏ một buổi mua bán đạp xe gần 20 cây số đến địa chỉ ghi trong tờ rơi kia. Đến hai địa chỉ ghi trong giấy vẫn chẳng gặp được ai, Minh hỏi thăm những người gần nơi ấy và chị đã cay đắng khi nhận lại những lời châm chọc ác ý. Chị buồn bã quay về và nghĩ rằng mình phải chịu kiếp nạn này mà không thể chia sẻ cùng ai.

“Tôi ơi đừng tuyệt vọng”!

 

Mẹ con Minh trong vườn nhà. Ảnh: D.T.Th.

Trong những ngày tháng đen tối đó, điều mà Minh trông đợi nhất đó là con mình sẽ không mắc phải căn bệnh chết người như cha, mẹ. Thật may mắn, kết quả xét nghiệm máu cho thấy con bé không nhiễm HIV. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao giúp cho chị có thêm nghị lực để tiếp tục đương đầu với cuộc sống. Niềm vui về sự khỏe mạnh của đứa con gái khiến chị thấy mình phải sống tích cực để kéo dài cuộc sống hơn nữa để còn nhìn thấy con gái mình lớn dần.

Thế là chị lại bỏ buổi buôn bán đạp xe đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Phú Yên, nhưng lần này, con đường dài hơn 20 cây số như ngắn lại, bởi lòng Minh đã nhẹ hơn. Minh gặp được anh Nguyễn Hiệu, cán bộ phụ trách tuyên truyền của trung tâm. Anh Hiệu đã tỏ lòng thông cảm khi nghe chị kể chuyện mình trong nước mắt. Chính những lời động viên ân cần và sự chia sẻ của anh Hiệu đã giúp Minh có thêm nghị lực.

Mẹ của Minh nghe con kể chuyện về những gì đã được tư vấn cũng cảm thấy bình tĩnh hơn, sau bao tháng ngày trĩu nặng nỗi đau. Bà nói với tôi: “Tưởng nó là chỗ dựa của tôi lúc tuổi giá, giờ tôi lại là chỗ dựa duy nhất của con. “Người sống hơn đống vàng”, tôi nói với nó hãy nhìn mẹ mà sống”. Minh nhìn mẹ cố nói đùa: “Con khỏe mạnh như trâu, mẹ đừng có lo!”. Hai mẹ con ôm nhau cười trong nước mắt.

Nỗi nhớ con luôn quay quắt trong lòng mỗi chiều về khi Minh ngồi trong sân nhà nhìn lũ trẻ trong xóm chạy nhảy, nô đùa ngoài đường. Để vơi nỗi nhớ con, Minh chỉ dám đùa một tí, nắm tay, vuốt má mấy đứa trẻ nơi chị mua bán vì ở đó, không ai biết chị bị nhiễm HIV để mà kỳ thị. Và mỗi tối, Minh đều ngước nhìn bức ảnh chụp chung với chồng con, thầm nhủ: “Tôi ơi đừng tuyệt vọng!”.

Khát khao được sống có ý nghĩa

 

Một buổi biểu diễn tuyên truyền phòng chống HIV. Ảnh: T.L.

Tại hội thảo chuyên đề “Đại biểu HĐND với công tác phòng chống HIV/AIDS” tổ chức ở Phú Yên, Minh đã kể câu chuyện của chính mình và cả hội trường rơi nước mắt khi nghe Minh nói nguyện vọng của chị - được góp phần giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Tại nhà khách, Minh được Ban tổ chức bố trí ở cùng phòng với chị Phạm Thị Huệ, người cũng bị nhiễm HIV nhưng đã vượt qua nỗi đau riêng để đóng góp rất tích cực cho công tác phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng và được Tạp chí Times bầu chọn là một trong 20 anh hùng châu Á năm 2004.

Được nghe nhân vật nổi tiếng này kể về nỗi đau khổ của cuộc đời riêng, về những cống hiến cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, Minh thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh vượt qua bi kịch đời mình. Qua anh Nguyễn Hiệu, Minh biết hiện có nhiều phụ nữ bị nhiễm HIV đang rất cần sự giúp đỡ. Do sợ bị kỳ thị nên họ không dám đi xét nghiệm máu, vì thế đã gieo rắc mầm họa làm lây lan bệnh mà không biết. Việc tư vấn đã giúp họ hiểu và có cách ứng xử tốt hơn.

Vài lần được tham gia cùng trung tâm tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS của thành phố Tuy Hòa, Minh cảm thấy như khỏe hơn và đang sống có ích hơn khi chị đã tham gia giúp được những người phụ nữ bước qua bi kịch của riêng mình bằng sự động viên chia sẻ của người đồng cảnh ngộ. Minh ước mình có công việc, thu nhập ổn định để có thời gian tham gia giúp đỡ những chị em cùng cảnh ngộ. Và, chúng tôi cũng ước thế…

(*) Tên nhân vật đã được đổi.

Dương Thu Thủy