Tủi phận trợ cấp cho trẻ mồ côi, tàn tật, nhiễm HIV
Các Website khác - 21/08/2008

VietNamNet- Sáng 20/8, đoàn đại biểu Ban văn hóa xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã có buổi giám sát tại Sở LĐTBXH. Chiều cùng ngày, đoàn cũng đã có buổi khảo sát tại Trung tâm nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Tam Bình. Nội dung của buổi làm việc xoay quanh những vấn đề thực hiện chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của thành phố.

Tại buổi làm việc, phía Sở LĐTBXH cũng như phía Trung tâm nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Tam Bình đã có nhiều kiến nghị với đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH, TP.HCM hiện có khoảng 3.615 trẻ em mồ côi trong diện giúp đỡ, 1.385 trẻ bị bỏ rơi, 1.625 trẻ em có nguồn gốc thành phố lang thang kiếm sống trên vỉa hè, 7.238 trẻ khuyết tật.

Nhóm sinh viên Hàn Quốc đang chơi đùa cùng những em bé nhiễm HIV/AIDS của Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em Tam Bình. Ảnh: Hà Dịu

Hiện nay thành phố có khoảng 6 trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐTBXH quản lý cưu mang 1.700 trẻ em mồ côi, lang thang, khuyết tật, nhiễm HIV…Các cơ sở trợ giúp trẻ em hoạt động như mái ấm nhà mở, nhà tình thương, trường mồ côi, trường khuyết tật, trường vừa học vừa làm cũng đang chăm sóc cho khoảng 1.200 trẻ.

Tuy nhiên, theo bà Mai Thị Hoa, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội thì hiện nay có nhiều cơ sở trợ giúp trẻ em như một số mái ấm chưa có giấy phép đăng ký, gây khó khăn trong vấn đề quản lý. Phía Sở cũng đã nhiều lần đi kiểm tra và đề nghị nếu không thực hiện đúng quy định thì sẽ giải thể, nhưng theo bà Hoa thì "đây là vấn đề tế nhị nên rất khó làm mạnh tay vì sẽ gặp phải sự phản đối của dư luận".

Theo ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐTBXH, một khó khăn nữa trong vấn đề chăm sóc bảo trợ trẻ em là tiền trợ cấp cho các em quá thấp.

Hiện nay, tiền ăn cho các em từ 18 tháng tuổi trở lên là 240 nghìn/tháng. Với mức này, mỗi ngày các em chỉ được ăn có 8.000 đồng, quá thấp trong thời kỳ giá cả leo thang như hiện nay. Với những trẻ dưới 18 tháng tuổi thì tiền ăn của các em là 300 nghìn/tháng, cũng là quá thấp, khi mà giá sữa hiện nay đã tăng một cách chóng mặt.

Chính vì thế, Sở LĐTBXH đề xuất cần phải có chính sách tăng tiền trợ cấp để đảm bảo bữa ăn của các em đầy đủ chất dinh dưỡng.

Đoàn đại biểu thăm bữa ăn của các em tại Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình. Ảnh: Hà Dịu
Ngoài ra, theo Sở LĐTBXH, rất nhiều trường hợp trẻ tàn tật vì đi theo tiêu chuẩn của mẹ nên phải chịu thiệt thòi, chỉ được hưởng mức trợ cấp 180 ngàn đồng/tháng.

Phía Sở đã đề nghị Đoàn giám sát kiến nghị lên Thành phố tách đối tượng trẻ em bị tàn tật sang một trung tâm riêng để các em được hưởng đúng chính sách và chế độ chăm sóc đầy đủ.

Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát đã nghe ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình báo cáo tình hình chăm lo đời sống cho trẻ mồ côi, tàn tật, đặc biệt là trẻ nhiễm HIV tại trung tâm.

Hiện nay, tại cơ sở II của trung tâm đang nuôi dưỡng chăm sóc cho 91 cháu bị nhiễm HTV. Hầu hết trẻ khi nhập vào trung tâm đều đã chuyển qua giai đoạn AIDS suy kiệt và mắc các bệnh xã hội như mồng gà, giang mai, lao…

Hàng ngày chơi đùa với các em, nguy cơ lây nhiềm rất cao đòi hỏi người cán bộ phải tâm huyết và yêu nghề. Ảnh: Hà Dịu
Tuy vậy, hiện vẫn chưa có chế độ cụ thể đối với cán bộ công nhân viên chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp những trẻ bị lây nhiễm HIV/AIDS từ trẻ nhiễm HIV.

Một vấn đề mà không chỉ Giám đốc trung tâm nuôi dạy trẻ Tam Bình đưa ra, mà cả những cán bộ của Sở LĐTBXH cũng đề xuất là cần phải có những chế độ ưu đãi đối với những giáo viên dạy học tại các trung tâm.

Trước đây, cán bộ nhân viên của Trung tâm được hưởng phụ cấp 70% lương giáo viên hệ mầm non, nhà trẻ như ngành giáo dục nhiều năm liền. Nhưng đến năm 2007, theo quy định mới thì các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em của ngành LĐTBXH bị cắt bỏ phụ cấp, trong khi họ cũng tốt nghiệp tại các trường sư phạm...

Đồng tình với đề xuất này, ông Huỳnh Thành Lập, PCT HĐND thành phố có ý kiến: Thành phố sẽ tạo điều kiện tối đa để cán bộ bảo trợ xã hội yên tâm công tác. Chúng tôi sẽ kiến nghị lên trên cần phải thực hiện những chế độ cho giáo viên. Hơn ai hết, họ cũng cần phải được công nhận là nhà giáo ưu tú, là nhà giáo nhân dân nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...

  • Hà Dịu