Vững tin vào cuộc sống
Các Website khác - 22/08/2008

 Ảnh minh họa

Vượt lên mọi nỗi đau, sự kỳ thị của cộng đồng, những sản phẩm thủ công mà những người mang trong mình virút HIV như A. đã và đang làm ra không chỉ dùng để trang trí mà còn chứa đựng trong đó một sức sống mãnh liệt, một niềm tin bất diệt về tương lai tốt đẹp hơn.

A - một chàng trai sinh ra và lớn lên tại một làng quê cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 cây số (trước đây thuộc tỉnh Hà Tây) - địa phương nổi tiếng với những làng nghề thủ công lâu đời. Từ nhỏ, A đã yêu thích nghề đan guột tế - một ngành nghề truyền thống vốn có lịch sử phát triển hàng trăm năm trên mảnh đất quê hương anh. Với đôi bàn tay tài hoa và khéo léo, A và những thành viên trong gia đình anh đã sáng tạo ra những con giống, lọ hoa, rổ rá v.v..từ những loại cây cỏ có trong tự nhiên, đem lại cho chúng một vẻ đẹp tinh tế, trang nhã, thắm đượm hồn dân tộc.

Sau những năm tháng học tập tại Hà Nội, không như bạn bè cùng trang lứa khác tìm cách trụ lại thành phố lớn để có được công việc tốt và thu nhập cao, A đã trở về quê hương của mình để theo nghề mà tổ tiên đã truyền lại và xây dựng gia đình với 1 cô thôn nữ duyên dáng, đảm đang. Hạnh phúc đã mỉm cười với họ khi dưới mái nhà nhỏ đơn sơ, 2 đứa con gái xinh xắn, dễ thương lần lượt cất tiếng khóc chào đời. Cuộc sống của gia đình họ cứ thế êm đềm trôi đi đằng sau luỹ tre làng nếu như không xảy ra một sự việc rất bất ngờ. Vợ A bỗng nhiên đau ốm liên miên, uống thuốc gì cũng không đỡ. A đưa vợ đi khám bệnh khắp nơi từ trạm xá của xã cho đến bệnh viện của huyện song không một bác sỹ nào biết vợ A mắc bệnh gì. Chỉ đến khi đưa vợ ra Hà Nội khám bệnh, A mới biết rằng vợ mình đã nhiễm HIV mà sức khoẻ đang ngày một xấu đi. Đối với A, điều này không có gì là ngạc nhiên lắm nhưng ngay lập tức, A cùng 2 con gái đi làm xét nghiệm và cả 3 bố con đều có kết quả HIV dương tính. Sóng gió và bão táp cuộc đời bỗng ập đến gia đình trẻ. Thế là bao nhiêu tiền dành dụm sau từng ấy năm làm lụng vất vả đổ dồn vào chữa bệnh cả nhà.

Thế rồi cái tin cả gia đình A có HIV lan đi khắp xã, khắp huyện và đến cả những khách hàng quen thuộc. Họ không muốn về nhà anh lấy hàng nữa vì sợ rằng virút HIV sẽ lây truyền vào họ khi họ dùng những sản phẩm do gia đình anh sản xuất. Cuộc sống của gia đình A là những chuỗi ngày dài u tối, ảm đạm. A buồn vì không may bản thân và gia đình mang trong mình virút HIV song anh lại càng đau lòng hơn khi những người xưa nay vốn thân thiết với anh đang dần tránh mặt. Họ tránh tiếp xúc với những thành viên trong gia đình vì họ sợ con HIV sẽ lây vào họ qua đường không khí. Những lời bàn tán xì xào và những cái nhìn xoi mói của mọi người xung quanh như khiến cho trái tim A quặn thắt, đau nhói.

Vào một ngày mùa thu, vợ A qua đời, chị mất không phải là vì AIDS mà do bị cảm đột ngột. Chị ra đi để lại cho anh hai đứa con gái bé bỏng và nỗi đau khôn xiết của một người đàn ông ngoài 30 tuổi. Chị ra đi, căn nhà như trống trải, lạnh lẽo vì thiếu vắng bàn tay chăm sóc củangười phụ nữ. Mâm cơm chiều của 3 bố con vắng đi tiếngnói cười dịu dàng, ân cần của người vợ hiền, mẹ đảm.

Đau buồn là vậy song hai đứa con gái nhỏ của anh A cũng dần quen với cuộc sống tự lập. Chúng đỡ đần anh chuẩn bị cơm nước, quét dọn, giặt giũ v.v....Chúng cũng hay trò chuyện với bố sau những ngày lao động vất vả để tình cảm cha con thêm phần thắm thiết.

Đến thăm gia đình anh A vào một ngày cuối năm 2007, các tình nguyện viên của dự án GIPA tại Hà Nội bắt gặp một cảm giác đầm ấm khi A và những đứa con anh đang ngồi đan những sợi guộc thành những sản phẩm độc đáo để đem bán ra thị trường nhân dịp Tết Nguyên đán 2008. Trò chuyện với chúng tôi, A vui vẻ nói: “Con gái mình học giỏi lắm và lại còn nhận được học bổng của trường. Chúng nó lại còn biết đan sợi guộc rất khéo nữa chứ. Thấy chúng nó sống vui vẻ, học giỏi, chăm lao động khiến cho mình cũng vui lây, vợi đi nỗi buồn trong lòng”. Tuy nhiên, A cũng tâm sự, từ khi biết anh và gia đình có HIV, ít khách hàng đến nhà anh lấy hàng để mang ra thị trường tiêu thụ vì họ ngại tiếp xúc với người mắc bệnh AIDS. Bây giờ có ngày anh phải đi hàng chục cây số để chào hàng mà cũng chẳng bán được là bao. So với trước đây, kinh tế gia đình đang gặp nhiều khó khăn. Nguyện vọng lớn nhất của A bây giờ là rất mong được các cấp, các ngành hỗ trợ gia đình anh tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo cuộc sống gia đình.

Mặt khác, anh cũng rất muốn ngôi nhà của mình sẽ là địa điểm tiếp nhận những người có HIV khác tại địa phương đến học nghề đan guộc tế để họ có được công việc và thu nhập ổn định, hoà nhập cuộc sống và điều quan trọng hơn tất cả là họ chứng tỏ cho cộng đồng thấy rằng những người sống với HIV vẫn đang từng ngày, từng giờ góp phần tích cực vào sự phát triển chung của xã hội. Những sản phẩm thủ công họ làm ra không chỉ dùng để trang trí mà còn chứa đựng trong đó một sức sống mãnh liệt, một niềm tin bất diệt về tương lai tốt đẹp hơn./.

Phan Thành Trung - http://www.hoilhpn.org.vn/