Học viên cai nghiện được học gì để tái hòa nhập cộng đồng?
Các Website khác - 15/11/2004
Ông Lê Khánh Thắng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thanh niên xung phong.

Phần lớn trong số 15.000 học viên đang cai nghiện ma túy tại 8 cơ sở của Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) TP Hồ Chí Minh đều có trình độ văn hóa thấp, đa số đều thất nghiệp do họ không có tay nghề... Việc dạy văn hóa, dạy nghề để giúp học viên có điều kiện và cơ hội sớm hòa nhập cộng đồng là một công việc quan trọng. Chúng tôi đã gặp những người có trách nhiệm thuộc TNXP để tìm hiểu công việc trên:


Ông Lê Khánh Thắng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thanh niên xung phong:

Về dạy nghề: Kể từ năm 2002 đến tháng 10/2004 đã có 10.610 lượt học viên học trong 507 lớp nghề. Điều đáng nói là học viên học nghề có việc làm tại chỗ có tỷ lệ rất cao, chiếm đến 70%. Về dạy văn hóa: Từ giữa năm 2002 đến nay, chúng tôi đã mở 235 lớp xóa mù chữ và bổ túc tiểu học, 113 lớp bổ túc trung học cơ sở và 23 lớp bổ túc cấp 3. Từ năm 2003 đến nay đã có 1.260 học viên đậu tốt nghiệp cả 3 cấp học. Lực lượng TNXP đang phấn đấu đến hết niên học 2004 - 2005 căn bản giải quyết xong việc xóa mù chữ trong học viên, đẩy mạnh việc dạy bổ túc văn hóa cấp 2 và cấp 3. Ngoài ra trung tâm giáo dục thường xuyên và các đơn vị còn chú trọng liên kết tổ chức các lớp tin học văn phòng, ngoại ngữ với hơn 1.500 học viên tham gia trong 2 năm 2003 và 2004.

Bà Hoàng Thị Diễm Trang, Phó chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP Hồ Chí Minh.
Bà Hoàng Thị Diễm Trang, Phó chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP Hồ Chí Minh:

Bên cạnh việc chữa bệnh, chăm sóc phục hồi sức khỏe cho học viên, chúng tôi còn chú trọng tổ chức hoạt động dạy văn hóa, dạy nghề, lao động sản xuất và vui chơi giải trí lành mạnh giúp học viên phục hồi cả thể lực, trí lực và nhân cách để họ có điều kiện, cơ hội sớm tái hòa nhập cộng đồng. Tại 8 cơ sở cai nghiện, chúng tôi đều cho đầu tư xây dựng các cơ sở dạy văn hóa, dạy nghề với các nghề ngắn hạn và dài hạn như: Điện gia dụng, Điện lạnh, Điện tử, Sửa xe gắn máy, Mộc dân dụng, Mộc mỹ nghệ, May công nghiệp, Chế biến hạt điều, Anh văn, Vi tính... Nhằm đưa công tác dạy văn hóa, dạy nghề từng bước đi vào nề nếp, chúng tôi đã được thành phố cho thành lập Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thanh niên xung phong. Chúng tôi cần được sự hỗ trợ từ ngân sách thành phố một phần kinh phí dạy nghề, thành phố cần sớm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho trường dạy nghề tại Nhị Xuân theo quy hoạch đã được duyệt và cần có cơ chế chính sách để thu hút giáo viên dạy văn hóa, dạy nghề đủ chuẩn để thực hiện đề án: "Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai".

Tấn Tú
(thực hiện)