Người nhiễm HIV/AIDS thường xuyên bị từ chối làm việc
Các Website khác - 10/11/2004

(VietNamNet) - Sau khi không giấu nổi bí mật của mình, từ vị trí kiểm hàng H. bị chuyển xuống dọn vệ sinh, rồi xin thôi việc, bỏ lại hợp đồng biên chế. Hầu hết người có HIV/AIDS đều lâm vào cảnh tương tự.

Soạn: AM 191241 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Phạm Thị Huệ đã vươn lên để trở thành ''Anh hùng châu Á''

Năm 2001, sau một lần khám bệnh chị Thạnh H. biết mình có HIV. Sau đó H. xin được vào làm tại một Công ty Thủy sản ở TP.HCM. Đợt khám sức khỏe định kỳ của cơ quan H. không dám đi. Nhưng rồi H. không thể giấu mãi sự thật về mình. Từ vị trí kiểm hàng H. bị chuyển xuống dọn vệ sinh với lý do thừa nhân viên trong khi tổ dọn vệ sinh lại thiếu người. Ngay sau đó, công ty nhận một nhân viên mới thế vào vị trí của H. Cố gắng hỏi nhưng H. chỉ nhận được câu trả lời "sẽ thu xếp sớm". Không chịu đựng được sự kỳ thị trong cơ quan, H. xin thôi việc, bỏ lại hợp đồng biên chế.

Đ.Đ.T cũng là một trường hợp có HIV đã buộc phải bỏ sự nghiệp mình gây dựng nhiều năm. Là kế toán của một cơ quan nhà nước ở đất mỏ Quảng Ninh, T. không còn thấy sự gần gũi, thân mật của đồng nghiệp ngay sau khi bí mật của anh lan truyền khắp cơ quan. Anh đành tự biến mình thành người thất nghiệp.

"Chúng tôi vẫn có thể làm việc như những người bình thường nhưng hầu hết đều bị cơ sở tuyển dụng từ chối. Trước khi xin việc nhất thiết phải có giấy khám sức khỏe nhưng nếu thấy có xét nghiệm có HIV chắc chắn bị loại. Tôi chưa thấy cơ sở tuyển dụng nào chấp nhận một người có HIV vào làm việc. Họ đều đưa ra lý do có HIV thì không đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc. Dù Pháp lệnh HIV/AIDS yêu cầu đảm bảo công ăn việc làm cho người có HIV...'' - Đ.Đ.T tâm sự.

Không được các cơ sở tuyển dụng, những người có HIV đã tự mình tạo việc làm nhưng xem ra cũng nan giải. Quán cà phê P.P (Hà Nội) trở thành nơi sinh hoạt của 77 thành viên có HIV của các tỉnh phía Bắc từ năm 2003. Họ mở quán ra với hy vọng đây vừa là địa điểm gặp gỡ nhau, cũng vừa để duy trì đảm bảo nguồn tài chính cho hoạt động của nhóm ''Vì tương lai tươi sáng''. Nhưng khi sự thật về những người phục vụ đến tai khách, quán ngày càng vắng. Giờ đây quán chỉ là nơi đi lại của những người có chung hoàn cảnh và một số ít người biết cảm thông.

Một tổ chức người có HIV, nhóm ''Vì tươi lai tương sáng'' dù được các tổ chức phi chính phủ như dự án Policy, Care, WHO, UNAIDS giúp đỡ nhưng số người may mắn có việc làm ổn định để duy trì cuộc sống cũng rất ít.

Việc khó?

Soạn: AM 191249 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Xóa đi sự phân biệt, kỳ thị để chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS được tốt hơn

Trong buổi tọa đàm với chủ đề “Nhóm Vì ngày mai tươi sáng và các hoạt động phòng chống HIV/AIDS” do báo Lao Động và Dự án Policy tổ chức, 20 người có HIV/AIDS trong nhóm, đại diện cho hàng ngàn người có HIV/AIDS đã giãi bày mong muốn được sống và hoà nhập công đồng. Điều khiến họ thấy khổ sở nhất là bị kỳ thị; đặc biệt là trong công việc.

Thông tin từ buổi toạ đàm cũng cho thấy đa số người có HIV/AIDS đều thất nghiệp, sống dựa vào gia đình, người thân hoặc các tổ chức xã hội cưu mang. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng thất nghiệp này, theo một khảo sát của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) và UNDP (Chương trình phát triển Liên Hợp quốc) thực hiện tại Hà Nội và TP.HCM, 30% công nhân cho rằng, những người nhiễm HIV nên thôi việc vì những "lợi ích của người khác". 22/30 DN được điều tra (trong đó có 22 DN nhà nước) nói rằng họ sẽ không tuyển dụng hoặc cho nghỉ việc những người có HIV.

Ông Đặng Hòa Ái, Phó GĐ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS (Tổng Liên đoàn lao động VN) cho biết, hiện có 648 công nhân lao động có HIV đang làm việc tại các công sở, trong đó Nghệ An là tỉnh cao nhất với 32 người. Con số này quá thấp so với số người có HIV thực có tại VN. Mặc dù không có quy định nào cấm người có HIV được làm việc nhưng hiện nay đa phần các cơ sở tuyển dụng không muốn nhận người có HIV vào làm việc. Thậm chí cũng chưa có cơ quan nhà nước nào tuyển dụng lại ghi ưu tiên cho người có HIV. Ông Ái thở dài: "Việc này thật sự khó... ''.

  • Lệ Hà