Kỳ thị-nhức nhối hơn nỗi đau về bệnh tật
Các Website khác - 04/07/2008

Chị Đào Phương Thanh
Mong muốn lớn nhất của người trong và ngoài cuộc trong cuộc chiến chống lại căn bệnh HIV/AIDS là xoá bỏ sự kỳ thị của cộng đồng đối với người có HIV/AIDS...
Hoà thượng Thích Thanh Huân, trụ trì chủa Pháp Vân: Khi sự kỳ thị của cộng đồng thực sự được xoá bỏ thì mới mong giảm thiểu được sự lây lan của căn bệnh này

Nhà chùa nhận thức rất rõ nỗi đau của những người có HIV đang phải gánh chịu. Nỗi đau về bệnh tật không lớn bằng nỗi đau do sự xa lánh, kỳ thị của cộng đồng đối với họ. Từ năm 2004, nhà chùa đã chính thức thành lập Văn phòng tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS. Nhưng trước đó từ rất lâu, các hoạt động tư vấn cho người nhiễm HIV được nhà chùa thường xuyên thực hiện. Đến chùa, những người có HIV còn được tư vấn về cách điều trị bệnh cho mình, cũng như cách phòng chống lây lan bệnh cho gia đình, người thân và cộng đồng. Phần lớn những người không may bị nhiễm HIV/AIDS, trong thời gian đầu đều rất đau khổ, cần có sự tĩnh tâm. Nhiều người đã ở lại trong chùa 1-3 ngày, có khi hàng tháng, đến lúc họ thực sự dám đương đầu với bệnh tật của mình và họ sẵn sàng hoà nhập với cộng đồng. Đến nay, đã có hàng ngàn lượt người đến chùa để được điều trị và nghe tư vấn. Điều quan trọng nhất là đến chùa, những người có HIV/AIDS đã xoá đi sự tự ti, mặc cảm, hoà nhập cộng đồng và tham gia vào các hoạt động truyền thông, phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ những người cùng hoàn cảnh và góp phần làm thay đổi quan niệm, thái độ và hành vi của người xung quanh. Theo nhà chùa, khi sự kỳ thị của cộng đồng thực sự được xoá bỏ thì mới mong giảm thiểu được sự lây lan của căn bệnh này.

Chị Đào Phương Thanh- Thành viên nhóm Hoa Sữa: Sự quan tâm của cộng đồng là nguồn động viên lớn hơn hết thảy để tôi có thể tiếp tục cuộc sống và làm những công việc có ích

Năm 2004, tôi phát hiện bị lây nhiễm HIV từ việc chăm sóc người em bị tai nạn. Lúc đó, tôi rất sốc và cuộc sống thực sự chẳng còn ý nghĩa gì đối với tôi. Nhưng được sự động viên của gia đình, và nhất là trách nhiệm đối với đứa con gái, tôi thấy mình cần phải sống. Thời gian đầu, tôi cũng rất mặc cảm, không dám đối diện với bất kỳ ai. Nhưng tôi nghĩ, cứ mãi như thế này, có khi sự mặc cảm lại giết chết mình trước khi chết vì bệnh. Tôi dằn vặt, trăn trở rất nhiều và cuối cùng quyết định: Không thể thế này được, mình phải "lộ" mặt.

Bước đầu, tôi công khai với khu phố mình là người có HIV/AIDS, sau đó là đứng lên kêu gọi những người cùng cảnh ngộ như mình lập ra nhóm Hoa Sữa, nhằm chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống. Công việc chính của nhóm là hỗ trợ, chăm sóc tại nhà cho người bị nhiễm HIV/AIDS, tạo việc làm cho những người bị HIV/AIDS… Nhưng chúng tôi cũng coi một việc không kém phần quan trọng trong hoạt động của nhóm là tuyên truyền cho những người có HIV/AIDS cách tự điều trị cho mình và cách phòng, chống để không lây bệnh cho mọi cộng đồng.

Đến nay, chúng tôi đã thành lập dược một xưởng chữa chữa xe máy cho các thành viên nam và một xưởng đan len cho các thành viên nữ. Được sự hỗ trợ, quan tân của các cấp chính quyền, đoàn thể và Tổ chức UNICEF, chúng tôi được hỗ trợ phần nào về mặt kinh phí hoạt động cũng như trợ giúp về y tế cho người bệnh. Các sản phẩm len của chúng tôi đã được xuất khẩu sang các nước, tạo cho các thành viên trong nhóm có thu nhập ổn định. Hiện nay, nhóm đã có khoảng 50 thành viên không chỉ ở Hà Nội mà cả ở các tỉnh khác như Hải Phòng, Quảng Ninh…

Tôi cũng rất mừng là càng ngày, càng có nhiều người hiểu và thông cảm hơn đối với những người có HIV/AIDS. Tuy sự kỳ thị, phân biệt vẫn còn nhưng đã giảm hơn trước rất nhiều. Mẹ con tôi cũng thường xuyên nhận được sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của bà con khu phố. Con gái và 2 con nuôi của tôi đi học cũng được nhà trường và bạn bè giúp đỡ nhiều, không có sự kỳ thị. Đó chính là nguồn động viên lớn hơn hết thảy để tôi có thể tiếp tục cuộc sống và làm những công việc có ích đến chừng nào tôi không thể làm gì được nữa.

Anh Nguyễn Viết Tuấn (31 tuổi), thành viên nhóm Hoa Sữa: Chúng tôi cũng có cuộc sống và cũng làm việc như những người bình thường khác

Năm 2004, sau khi bị tai nạn phải nằm viện ở bệnh viện Việt Đức, tôi mới biết mình bị nhiễm HIV. Đó quả là những ngày tháng thật kinh khủng đối với tôi. Sau khi biết có nhóm Hoa Sữa, tôi xin tham gia vào nhóm. Đến đây, tôi được sự tư vấn, giúp đỡ của anh chị em trong nhóm, đặc biệt là có người cùng cảnh nên dễ chia sẻ với nhau hơn. Nói không lo ngại về bệnh là không đúng nhưng tôi được giải toả tâm lý rất nhiều. Niềm vui nữa của tôi là cũng tại nhóm, tôi đã tìm được một nửa của mình và chúng tôi mới kết hôn được 4 tháng.

Mong muốn lớn nhất của tôi cũng như những người có HIV/AIDS là mong được xã hội nhìn nhận đúng. Chúng tôi cũng có cuộc sống và cũng làm việc như những người bình thường khác./

Minh Hoà - http://khatvongsong.vovnews.vn/