|
Chị Mai Thị Kim Cúc |
9 năm làm "mẹ" một bệnh nhân AIDS
Câu chuyện của tôi và chị được bắt đầu vào thời điểm năm 1994, khi Sở Y tế tỉnh TT-Huế gợi ý chị nhận tư vấn và chăm sóc hai bệnh nhân HIV/ AIDS trên địa bàn. "Tín hiệu" đầu tiên để chị nhận biết bệnh nhân của mình là hai cái tên Nguyễn Văn Q, 34 tuổi và vợ là Nguyễn Thị L, 33 tuổi; địa điểm thường lui tới của đôi vợ chồng này là bến Công viên Thương Bạc nằm bên bờ sông Hương; còn mặt mũi, hình dong thế nào thì...chẳng ai biết.
Thế là chị bắt đầu những tháng ngày đi ... "tìm người như thể tìm chim". Một phần vì sợ bệnh nhân mặc cảm, một phần vì sợ người chung quanh dị nghị vì thời điểm ấy, Công viên Thương Bạc là một cái... "động bướm hoa", nên cứ phải sau 22 giờ đêm, chị mới tìm đến đấy để hỏi thăm những cái tên mà mình cần tìm. "Suốt một tuần, mình vẫn không làm sao tiếp cận được với đôi vợ chồng này vì sợ bọn du côn ở đó. Đã thế thỉnh thoảng lại còn bị chúng hù chạy mất dép vì thấy mình là người lạ xâm nhập địa bàn trái phép. Sau phải nhờ mấy anh công an phường trợ giúp mình mới tiếp cận được với hai vợ chồng họ"- chị nói.
Anh Nguyễn Văn Q người gốc Hà Nội, từng là con nghiện và nhiễm bệnh ở đất Hà thành. Lang bạt vào Huế, anh gặp chị Nguyễn Thị L - một cô gái giang hồ lưu lạc từ đất Quảng. Tìm đến với nhau dựa dẫm vào nhau, sinh sống như vợ chồng. Ngày và đêm đi lang thang kiếm ăn bằng tất cả các nghề, khuya về chiếm một góc nơi công viên làm giường ngủ. Cuộc sống gọi là gia đình của họ kéo dài cho tới khi đứa con trai của họ tròn hai tuổi... "Ngày mình gặp được họ cũng là lúc đứa con trai của họ vừa mất vì nhiễm phải căn bệnh quái ác như bố mẹ chúng. Thảm lắm, người bố thì ngồi im lặng như tượng đá, người mẹ thì cuộc đời khốn khổ đã vùi dập chị đến nỗi chẳng còn nước mắt để mà thương khóc cho khúc ruột của mình bị cướp đi" - chị kể. Không chịu được nỗi đau con mất và bệnh tật của hai vợ chồng, anh Q đã lẳng lặng tìm về cố hương không một lời giã biệt, bỏ lại một mình chị L bơ vơ với những vết thương lòng...
|
Cô Cúc cùng những học sinh của lớp xoá mù |
Kể từ dạo ấy, chị Cúc là bạn, là chị, là mẹ... là cái gì có thể gọi tên được trên cuộc đời này để an ủi, vỗ về và giúp đỡ về mặt vật chất, tư vấn về cách tự chăm sóc và kể cả việc... cho bao caosu để tránh lây lan bệnh cho người khác. "Rất nhiều lần mình tìm cách đưa L vào bệnh viện để được chăm sóc, nhưng lần nào ở bệnh viện được một ngày là L trốn đi vì... đói". Hoá ra ở bệnh viện chăm sóc bệnh nhân AIDS có chỗ ở, có thuốc thang miễn phí nhưng lại không miễn phí về cái ăn. Những bệnh nhân có người thân chăm sóc thì còn đỡ, những người tứ cố vô thân như chị L thì luôn luôn trong tình trạng ...đói mà chẳng ai dám ngó ngàng tới. Đói thì phải đi kiếm cái ăn, những người như L không có cách nào khác là quay lại với nghề cũ, bán trôn nuôi miệng. Chị bảo, "đau xót và nguy hiểm nhất là vào cuối năm 2000, có một dạo L trốn chị đi biệt tăm mấy tháng liền, điều tra mãi, mới phát hiện là L đã ...mang thai. Sau đó sinh ra một đứa bé chẳng biết là gái hay trai nhưng đã chết khi chưa kịp cất tiếng khóc chào đời".
Thương người rồi... khóc mình
"Ai chẳng muốn mình có một cuộc sống yên ấm, thanh thản, không vướng bận chuyện đời, chuyện người để rước khổ vào thân - chị tâm sự - nhưng biết làm sao được. Nó như cái nghiệp. Có dạo những người xung quanh nhìn mình bằng ánh mắt như thể là mình sắp nhiễm HIV đến nơi không bằng. Đôi khi nản quá định bỏ, nhưng nghĩ lại hoàn cảnh của L thấy không đành...". Ban đầu, tôi cứ tưởng làm việc nói là tự nguyện như chị nhưng chắc phải được ... nhiều tiền lắm. Chị im lặng hồi lâu rồi thú thực, 3 năm đầu tiên, Sở Y tế TT-Huế trả cho chị mỗi tháng 50.000đ, sau đó đến nay chị toàn làm...tự nguyện. "Với những người không quen biết lần đầu tiên mới nghe việc mình làm trong những năm qua, dĩ nhiên là họ không tin, còn với những người thân, người mặn mà thì ít, kẻ khuyên răn nên "bỏ" thì nhiều. Đôi khi tôi rất buồn và tự hỏi: chẳng lẽ thời buổi này lòng tốt của con người ta lại hiếm hoi đến thế sao? Rồi đâm ra tôi nghi ngờ chính lòng tốt của mình...". Chị nói, giọng trĩu buồn.
... Năm 1978, chồng chị là một đại uý của chế độ cũ, sau bao nhiêu năm đi học tập cải tạo trở về, những tưởng từ đó cuộc sống sẽ được bình yên, vợ chồng chí thú làm ăn để nuôi dạy con cái, ai dè đến năm 1990, định mệnh thêm một lần nữa buộc họ phải chia cắt vĩnh viễn. Lần này không phải bởi lịch sử, bởi chiến tranh mà bởi ...trái tim. Chồng chị đã bỏ chị đi theo một người đàn bà khác, để lại cho chị 4 người con côi cút vật lộn với cuộc sống thăng trầm cho đến ngày hôm nay, hai người con lớn của chị đã lập gia đình ra ở riêng, hai người con kế cũng đã xấp xỉ tuổi dựng vợ gả chồng...
"Hoàn cảnh" thế nhưng chị vẫn luôn tươi cười và tự hào với ý nghĩ "con người mình là con người của công tác xã hội". Từ năm 1976, khi những ngày đất nước mới thống nhất, chị Cúc đã tự nguyện phụ trách dạy miễn phí một lớp học xoá mù ban đêm cho trẻ em lang thang cơ nhỡ của phường Thuận Hoà. Không một lời than trách dù "cuộc sống có những lúc cùng cực tưởng không còn ai cùng cực hơn mình nữa", chị lặng lẽ làm cái thiên chức trồng người cao cả suốt từ đó cho đến nay. Một việc làm ngỡ bình thường nhưng không hẳn ai cũng làm được. "Điều hạnh phúc nhất của mình là hàng chục thế hệ xuất thân từ lớp xoá mù của mình ra đời mặc dù chẳng bằng ai nhưng vẫn hơn nhiều người về cái sơ đẳng gọi là đọc và viết..."- chị cười đầy tự hào. Vẫn còn may cho chị là trời không phụ người hiền. Đầu năm 2000, lớp học xoá mù của chị đã được Dự án Plan tài trợ để xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ về đời sống, và quan trọng nhất là chị được nhận một tháng 300.000 đồng tiền phụ cấp. "Đây là khoản tiền góp phần giúp cho cuộc sống của mình khá lên từ hai năm nay" - chị nói.
Khi tôi đang viết những dòng này thì ở một góc khuất trong khuôn viên Bệnh viện Trung ương Huế, chị Nguyễn Thị L đang hấp hối trong cơn bạo bệnh ở giai đoạn cuối, cuộc sống chỉ tính được bằng ngày. Đã mấy tháng nay chị L không còn sức để mà trốn bệnh viện đi ra ngoài, cái ăn thường ngày nhờ vào lòng hảo tâm của mọi người thông qua chị Cúc. Tôi không khỏi rùng mình khi nghe chị Cúc nói - hai đứa con mà chị L sinh ra rồi bị mất đi vì nhiễm bệnh không phải là con số cuối cùng trong suốt 9 năm nay. Vậy bao nhiêu? Ba? Bốn? Hay là năm? Rồi những "tác giả" của những đứa trẻ vô tội này? Vẫn là những con số ấy hay nhiều hơn? Có một chi tiết đáng chú ý. Theo lời chị Cúc thìhiện tại chị L vẫn còn một đứa con gái 19 tuổi và thân nhân đang ở đường Trần Cao Vân, TP.Đà Nẵng, chị Cúc đã viết thư liên lạc với gia đình này rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm! Nếu quả thật như vậy thì cuộc đời, lòng người vẫn còn những điều thật đáng để mà buồn, mà trách...