Nghệ thuật chống lại HIV - AIDS
Các Website khác - 17/07/2004

Chiếc ghế đau đớn (Ly Hoàng Ly - VN)
TTCN - Đó có lẽ là cuộc triển lãm mỹ thuật lạ lùng nhất từ trước đến nay khi buổi khai mạc triển lãm được bắt đầu không phải bởi các bài diễn văn của các quan chức hay phát biểu của các họa sĩ tham dự mà bằng một dàn đồng ca thiếu nhi.

Trong phòng triển lãm rộng lớn, cả trăm người ngồi im phăng phắc lắng nghe giọng hát của khoảng 50 bé trai, bé gái độ tuổi 7 - 13. Không micro, các em nắm tay nhau bước ra và hát.

Trong dòng chảy miên man trong vắt của giai điệu thanh âm, toàn khán phòng thấm đẫm cảm xúc yêu thương, gần gũi. Không một lời giới thiệu, nhưng tất cả khách mời của buổi khai mạc đều biết giọng hát đó không phải là của các ca sĩ nhí chuyên nghiệp mà là của các em thiếu nhi bị nhiễm HIV/AIDS. Còn bài diễn văn nào hồn hậu hơn cho buổi khai mạc triển lãm mỹ thuật có tên Living art – Nghệ thuật sống!(*)

Càng ấn tượng hơn khi dàn đồng ca thiếu nhi nhiễm HIV đó đứng hát ngay trong không gian tác phẩm nghệ thuật sắp đặt màu đỏ thắm của nữ họa sĩ Thái Lan Nitaya Ueareeworakul: một chiếc rương bọc vải đỏ đặt trên nền đất, vài bức tranh hình nhân màu đỏ vẽ trên giấy báo treo dọc bức tường đối diện chiếc rương, và trong khoảng 16m2, nơi đặt chiếc rương chính giữa, là hàng ngàn sợi vải xé tưa màu đỏ treo từ trần nhà xuống mặt đất như ngàn gân máu mong manh của sự sống.

Các em cũng đã trở thành nhân vật sống của tác phẩm khi cất tiếng hát trong trẻo của mình giữa ngàn gân máu đỏ thắm đó. Những sợi vải lay động trong từng nhịp lắc vai qua lại của các em nhỏ khiến tác phẩm Sự bó buộc đẫm máu của Nitaya trở nên sống động và xúc động chưa từng có.

Nitaya nói về tác phẩm của mình: “Những bệnh nhân mắc bệnh AIDS luôn bị xã hội, bạn bè, thậm chí gia đình ruồng bỏ. Nhiều người đã sống quãng đời còn lại của mình trong thế giới này một cách cô độc. Bị cô lập bởi xã hội còn tệ hại hơn là bản thân bị mắc căn bệnh hiểm nghèo. Tôi muốn tạo ra cho họ một không gian giống như là nhà, dùng những vật liệu của cuộc sống hằng ngày, để diễn tả sự bức thiết sống còn của những thân phận và những giá trị xuống dốc của loài người…”.

Sự bó buộc đẫm máu (Nitaya Ueareeworakul - Thái Lan)

Đối diện với không gian đỏ rực của Nitaya, người ta không khỏi tò mò trước một khối hình hộp đơn giản phủ vải bạt trắng toát có cái tên rất thơ: Trái tim hóa trắng của họa sĩ Montri Toemsombat (Thái Lan) mà mặt là một cánh cửa vải bạt có dây kéo.

Mở cửa ra, người ta bước vào trong một không gian thiền: vài tấm nệm sắp thành vòng tròn, hơi nóng và mùi thơm ngát của hương liệu thiên nhiên. Tác giả đã làm một căn phòng với mục đích giản dị là giúp những người nhiễm HIV và tất cả mọi người đến với nghệ thuật chữa trị bằng thiên nhiên và thiền định để thư giãn cơ thể và trí óc, bất chấp cuộc sống có bất hạnh hay khổ đau đến đâu.

Tác phẩm Con người, ôi con người! của họa sĩ Thái nổi tiếng Vasan Sitthiket là một mô hình có lồng kính bao quanh, bên trong là chiếc máy bay đang đâm vào quả địa cầu đang xoay, xung quanh là đường ray tàu lửa đồ chơi trẻ em và dưới nền là những bức ảnh thương tâm của các nạn nhân nhiễm HIV, các nạn nhân chiến tranh cùng với những mảnh giấy nhỏ ghi các câu hỏi: Nếu không bị nhiễm HIV, bạn có thoát khỏi cái chết không? Chết vì chiến tranh và chết vì HIV - bạn chọn cái nào? Liệu ta có phải chọn lựa những điều xấu cho chính mình không? Chiến tranh và HIV, cái nào đáng sợ hơn?…

Và ông kết luận: “Chúng ta đang sống trên một hành tinh đang bị biến thành địa ngục bởi chủ nghĩa tư bản. Nó khuấy động lòng tham vô đáy của chúng ta. Chúng ta sáng chế và phát triển những vũ khí tối tân để giết chóc và cướp bóc. Những gì còn lại là sự cùng cực của bệnh tật và nghèo đói. Để ngăn tội ác đó thì sự tử tế và lòng dũng cảm là lối thoát duy nhất cho nhân loại”.

Họa sĩ Chath Piersath, người Campuchia, với tác phẩm trực diện Những gương mặt Campuchia bị nhiễm AIDS gồm một loạt tranh miêu tả gương mặt của những người đang sống và đã chết vì AIDS. Nước mắt rơm rớm, anh nói: “Triển lãm này của tôi được khơi nguồn từ cái chết vì bệnh AIDS của chính người anh ruột tôi, của những người mà tôi đã gặp. Có những người còn sống nhưng có những người đã chết...”. Bên dưới hàng loạt những bức tranh run rẩy mà mạnh mẽ, đầy ấn tượng của anh là một quyển sổ trong đó anh chép kín những bài thơ anh sáng tác về bệnh AIDS.

Gần đó là mảng tranh giấy đen trắng đầy bạo liệt của họa sĩ Jose Legaspi (Philippines) mang tên Sự lạnh lùng. Đó là 400 bức tranh khổ nhỏ treo liền sát nhau kín hai bức tường, trình bày một xã hội mà ở đó bạo lực đã không còn có thể kiểm soát được, với những tự truyện nửa-sự-thật tuôn chảy theo dòng suối vô thức của họa sĩ.

Sự lạnh lùng (Jose Legaspi - Philippines)
Mỗi bức tranh nhỏ là những câu chuyện tự sự về giấc mơ dữ, về tình dục, về tình yêu, đám cưới, sống, chết, quỉ dữ, tự tử, bay lượn, yêu nhau, giết chóc… Chàng họa sĩ dễ say, hay cười và vẽ suốt ngày này tâm sự: “Tác phẩm không chỉ đơn giản được hiểu như là một cảnh tượng của thế giới mà còn là cách thức lĩnh hội, nắm bắt thế giới này…”.

Còn nhiều tác phẩm thú vị khác tại triển lãm mà tôi không thể kể hết. Và cũng có rất nhiều tâm sự, ý tưởng. Một trong những tâm sự mà tôi thích nhất là của nữ họa sĩ thị giác Mella Jaarsma, người Hà Lan, sống tại Indonesia khi bà viết về tác phẩm Risk protector (tạm dịch là “Vật bảo vệ sự mạo hiểm”) của mình, làm từ da bò và sừng trâu: “...

Khi suy tư về vấn đề AIDS, tôi nghĩ rằng mặc dù có một sự nhận thức về AIDS nhưng chúng ta trong giây phút nào đó vẫn tự đặt mình vào trạng thái mù lòa và mạo hiểm, không muốn nghĩ về khả năng của việc bị nhiễm bệnh, phủ nhận những hậu quả. Tác phẩm tôi thể hiện trong cuộc triển lãm này là những vật bảo vệ cho những giây phút mù quáng mạo hiểm. Một phần của “vật bảo vệ” được xem như là một cái áo giáp làm từ da bò và sừng trâu. Phần kia là cái áo giáp bảo vệ tinh thần.”

Đến tận cùng của căn phòng triển lãm rộng lớn, người ta thấy một cánh cửa đóng kín và dòng chữ: “Họa sĩ Araya Rasdjarmrearnsook, Thái Lan. Tác phẩm: Ngôi làng thiếu nhi hát năm 2547”. Mở cửa ra, người ta nghe thấy tiếng sáo dìu dặt và tiếng hát véo von, rồi giữa căn phòng tối là một đoạn phim chiếu các em thiếu nhi đang ôm vai nhau nghêu ngao hát, đứa thì thổi sáo, đứa đánh đàn. Đây có phải là các em thiếu nhi ở năm 2547? Làm sao biết được các em này có bị nhiễm HIV hay không? Tôi như nghe thấy lời ca trong vắt của các em: “Hãy để AIDS đến đây, em rất muốn nhìn thấy nó. Trông nó như thế nào nhỉ? Nó có lớn như con bò không? Em chưa bao giờ trông thấy nó”.

Tôi cũng chưa bao giờ thấy AIDS có hình dạng ra sao, nhưng tôi thấy trong lòng mình luôn tồn tại một “chiếc ghế đớn đau”. Và tác phẩm Chiếc ghế đớn đau của tôi đã ra đời với chủ đề: “Ai cũng có một chiếc ghế đớn đau trong lòng mình mà đôi khi ta không dám ngồi lên nó. Vậy bạn ơi, hãy ngồi xuống đây, và trò chuyện với chiếc ghế đớn đau đó, bằng cách thêu những đường chỉ màu của riêng bạn lên tấm vải trắng tinh này”.

Đối diện với tác phẩm sắp đặt của tôi – một không gian vải màn trắng rộng lớn bao quanh “chiếc ghế đớn đau” nhỏ nhoi bọc vải trắng đính hàng trăm chiếc kẹp áo và treo lơ lửng - tôi đặt một chiếc bàn con con, một chiếc ghế bình thường, mảnh vải trắng, kim, chỉ màu. Rất nhiều đường chỉ màu khác nhau đã được khán giả thêu lên đó. Họ đã tạo ra những đường nét cuộc sống đầy màu sắc của riêng mình khi trò chuyện với “chiếc ghế đớn đau” của chính mình.

Chưa bao giờ tham gia một cuộc triển lãm mỹ thuật nào lại khiến tôi thấy xúc động trước cuộc sống quanh mình đến vậy. Chưa bao giờ ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật của bè bạn các nước mà tôi lại rơi nước mắt vì thấy mình quá yêu cuộc sống.

Nhà sưu tập Han Nefkens, người tài trợ cho dự án triển lãm, đã phát biểu trong cuộc họp báo: “Mỗi lần đối mặt với việc con người ta đang chết dần vì AIDS, tôi lại cảm thấy cơn giận dữ sục sôi trong mình. Trong cùng một hoàn cảnh, mắc cùng một căn bệnh thế mà mọi người lại chết đi trong khi tôi vẫn sống được qua 17 năm. Ngày nay đã có nhiều phương thuốc để kéo dài sự sống nhưng nó vượt tầm với của hầu như 40 triệu người bị nhiễm. Tôi sống, họ chết. Thật không công bằng...

Những họa sĩ hàng đầu Thái Lan và các họa sĩ khu vực Đông Nam Á đã đóng góp phần mình trong việc đẩy mạnh sự nhận thức về AIDS đến gần với không chỉ 40 triệu người bị nhiễm HIV trên thế giới mà với tất cả những ai đồng cảm quan tâm. Và không chỉ nhận thức về AIDS được “sáng tạo” trong cuộc triển lãm này, mà nó còn chứng tỏ được vai trò sống còn của nghệ thuật đối với cuộc đời này...”.

LY HOÀNG LY

________________________

(*) Living art: regional artists respond to HIV/AIDS (Nghệ thuật sống: các họa sĩ đáp lại HIV/AIDS); dự án được phối hợp tổ chức bởi Văn phòng Nghệ thuật đương đại của Bộ Văn hóa Thái Lan và Chương trình văn hóa của Hội nghị AIDS quốc tế với sự tài trợ của ông Han Nefkens, nhà văn và là nhà sưu tập mỹ thuật người Hà Lan.