Hà Nội (TTXVN) - Câu chuyện về vợ chồng bà Susan J. Adams, đại diện thường trú cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Hà Nội, nhận nuôi bé Lan, em bé có cả cha lẫn mẹ bị nhiễm HIV/AIDS nhưng may mắn không bị mắc căn bệnh tử thần này, đã làm xúc động lòng người.
Trò chuyện với phóng viên của TTXVN, bà cho biết từ khi bước vào cuộc sống của gia đình bà ở Hà Nội, bé Lan đã làm thay đổi gần như tất cả kế hoạch và quan niệm sống của bà. * Bé Lan bây giờ đã được hai tuổi rưỡi và có thể nói được nhiều điều lắm rồi. Bà có bao giờ cho rằng bé Lan là một em bé may mắn nếu so với những em bé có cùng hoàn cảnh không? Lan may mắn hay là chúng tôi may mắn vì có Lan? Tôi nghĩ là chúng tôi may mắn thì đúng hơn. Lan có tên khai sinh đầy đủ là Nguyễn Minh Lan. Chúng tôi đặt lại tên cho cháu theo gia đình mới là Kaitlan Ruth Adams, Ruith là tên của bà nội tôi. Kể từ khi có Lan đến nay, tôi càng cảm thấy muốn gắn bó cuộc sống của mình với Việt Nam, với Hà Nội, nơi cuộc sống của tôi chuyển sang một ngả rẽ hoàn toàn khác. * Lan đã thay đổi cuộc sống của bà như thế nào? Bà còn nhớ rõ cái đêm đầu tiên cô bé đến nhà và khóc nhè đòi ăn, đòi bế chứ? Vâng, tôi không làm sao có thể quên được. Người giúp việc đã về, chỉ còn hai vợ chồng chúng tôi với một đứa trẻ bé xíu, bế cũng khó vừa tay...Tôi đã không định sinh con vì tôi không đủ can đảm để tạm dừng các công việc trong sự nghiệp giảng dạy đại học của mình, vả lại chồng của tôi cũng đã có con riêng rồi. Lúc nào tôi cũng nhớ đến cái cảm giác muốn đón nhận Lan về với mình khi lần đầu tiên nhìn thấy cháu trong số những em bé sơ sinh có mẹ nhiễm HIV/AIDS. Trông cháu thật xinh, thật đáng yêu. Chúng tôi quyết định nhận cháu mà không có một chút đắn đo nào về tương lai cuộc sống của mình nếu có Lan. Chỉ cần dỗ làm cho cháu cười thôi cũng là cả một kỳ công của chúng tôi rồi (cười). Giờ đây, khi Lan đã lớn hơn, suốt ngày hỏi hết chuyện nọ sang chuyện kia, vì cháu đang muốn mở rộng khả năng quan sát và hiểu biết của mình, thì tôi cảm thấy càng phải tập trung thực sự khi vui chơi với cháu. Đó là một nỗ lực của tôi vì như tôi đã nói, bao nhiêu năm qua, tôi luôn giữ ý định không sinh con mà. Bây giờ thì Lan là phần còn lại của chúng tôi. Cháu đã gọi tôi là "Mummy" và gọi bố là "Daddy". Lan nói song song cả hai thứ tiếng Việt và Anh đều rất tốt vì chúng tôi đã tìm được một người phụ nữ trông bé, phải nói là tuyệt vời. * Có thể bà thấy bé Lan đã biết soi gương để nhận ra mình như thế nào, xem mình và cha mẹ có giống nhau nhiều không? Lan chưa đến lúc làm được như thế, nhưng chắc là chẳng mấy chốc đâu... Chúng tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần sẽ phải đối diện với vấn đề này ngay từ đầu rồi nên có lưu giữ đầy đủ tất cả các giấy tờ liên quan đến nhân thân của cháu. Chúng tôi cũng đã đăng thông tin về cuộc sống trên báo để gia đình của cháu biết được cuộc sống của Lan thế nào nhưng không có hồi âm. Chắc là người mẹ đẻ của cháu đang phải chống chọi với bệnh tật nên không có điều kiện theo dõi tin này. Người bố của cháu đã chết vì căn bệnh này rồi. * Bệnh tật là lý do duy nhất khiến họ phải bỏ đứa con của mình cho Viện nhi Thụy Điển, nơi bà gặp bé Lan? Có rất nhiều đứa trẻ, con của những người mắc bệnh HIV/AIDS, bị bỏ rơi như thế này, lý do vì cha mẹ chúng mắc bệnh không thể nuôi chúng được còn người họ hàng thì vẫn cho rằng đứa trẻ chắc chắn nhiễm bệnh. Đó là một lý do xuất phát từ sự không hiểu biết. Cá nhân tôi muốn nhấn mạnh một điều: thống kê chung của thế giới cho thấy chỉ khoảng 30% số trẻ em được sinh ra từ những bà mẹ nhiễm HIV/AIDS mới có nguy cơ mắc căn bệnh này, còn lại đều là những em bé khỏe mạnh, lành lặn. Tuy nhiên, để khẳng định được việc các em có nhiễm bệnh hay không, cần một chi phí xét nghiệm chừng 300 USD cho mỗi cháu. Đó là một khoản tiền không nhỏ vì hiện nay, Việt Nam chưa có công nghệ xét nghiệm này nên phải gửi mẫu xét nghiệm sang Xinhgapo. Tuy nhiên, tiền chưa quan trọng bằng vấn đề nhận thức. Nếu chúng ta biết được tỉ lệ đáng kể nói trên thì chắc chắn, việc đối xử với những em bé có hoàn cảnh ra đời bất hạnh như Lan sẽ khác nhiều lắm. Lan là một trong ba em bé mà vợ chồng chúng tôi giúp chi phí xét nghiệm cho phía Viện nhi Thụy Điển và trong đợt đó, chỉ có một cháu nhiễm bệnh thôi. * Từ hoàn cảnh riêng của Lan, điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời mà bà muốn sau này sẽ nói với con gái của mình? Tôi sẽ nói với Lan cái cảm giác được ghé vai vào gánh vác giúp ai đó có cuộc đời nặng nhọc hơn ta và đang cần sự nâng đỡ của ai khác. Trong suốt cuộc đời, chỉ cần giúp được một người khác một cách trọn vẹn thì đó cũng là một niềm vinh hạnh lớn lao của chúng ta rồi./.
▪ Anh và tôi (04/06/2004)
▪ Câu chuyện của một ông bố 19 tuổi (03/06/2004)
▪ Bạn tôi mới ra đi vì AIDS (03/06/2004)
▪ Câu chuyện của một người đồng tính đã lấy vợ (03/06/2004)
▪ Giải pháp nào cho người nghiện ma túy ở Thọ Xuân? (26/06/2004)
▪ Người trẻ xăm mình (25/06/2004)
▪ Có những người bị nhiễm HIV không muốn giấu mặt (05/07/2004)
▪ Ha Ri Su - ngôi sao chuyển đổi giới tính hoàn hảo (23/06/2004)
▪ 8 lần cưới vợ vì muốn có con trai (22/06/2004)
▪ Những cuộc chạy trốn từ đảo Long Hội (20/06/2004)