Họa ập đến xã cửa rừng
Xuân Bái, xã cuối huyện Thọ Xuân giáp ranh huyện vùng cao Thường Xuân nằm trên thượng nguồn sông Chu. Xã cửa rừng này qua hơn 10 năm đổi mới đang đi đầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong huyện. Trong đó 50% kinh tế nông nghiệp, 50% số dân phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Mức thu nhập bình quân đạt sáu triệu đồng/khẩu/năm. Vậy mà bốn năm lại đây, họa ma túy ập đến xã 8.000 dân này. Ma túy lây lan vào lớp trẻ, thậm chí cả lứa tuổi vị thành niên.
Những con số thương tâm, ma túy đang rình rập để xóa sổ những gia đình không còn là lời đe dọa nữa mà hiển hiện trước mặt: gia đình ông Lê Văn Bao, bốn bố con nghiện; gia đình người em ruột ông là Lê Văn Bạo, ba bố con sa vào vòng tay ma túy; ông Nguyễn Tiến Hồng, một trai, một gái, một chàng rể lao vào tiêm chích; khiếp đảm hơn là có hộ sáu người vừa buôn bán heroin vừa chích thuốc hằng ngày... Từ ba con nghiện năm 1988, một năm sau vọt lên 26 người, vào năm 2000 số nghiện nhảy lên 43 và đến sáu tháng đầu năm 2004 Xuân Bái đã có gần 100 người, trong đó 53 người có hồ sơ quản lý. Trung tâm dự phòng thông báo có 11 người nhiễm HIV và năm 2003 có ba người chết. Rùng rợn hơn là số nghiện tiêm chích ngày càng đông, thậm chí công khai tại chợ, tại nhà ở, bơm tiêm thải ra bừa bãi cả đường làng, ngõ xóm gây nỗi kinh hoàng trong dân.
Tự cứu mình
Chín giờ sáng. Mưa như trút xuống vùng trung du, nước ngập vào ngõ xóm. Chúng tôi đội mưa, xắn quần đến gia đình một con nghiện tự cai. Chủ nhà, bà cụ tên là Sim đã 73 tuổi ngồi cạnh mấy thúng ngô bắp. Con chó vàng nằm ngoài hiên mắt thao láo nhưng không buồn sủa. Nhà ngói năm gian trống trải cả trong ngoài. Buồng đầu hồi bên phải, một thanh niên vận quần đùi áo lót lùi lũi bước ra, chân trái lê một chiếc xích sắt gần hai mét. Hắn lừ lừ đờ đẫn nhìn chúng tôi. Giá như một công dân đủ lý trí và tỉnh táo thấy khách đến nhà dù không niềm nở cũng phải chào. Hơn thế nữa, trong đoàn khách trước hết là ba ông trưởng, phó công an xã, hai trung tá đội phó công an huyện, hai trung tá trưởng, phó phòng công an tỉnh, rồi cả những nhà quay camera... Hắn không đếm xỉa bất kỳ ai, ngồi khoanh chân trên chiếc ghế gỗ mộc.
Trưởng Công an xã giới thiệu: Ðây là anh Hội, 31 tuổi, đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự về quê năm 1997, tham gia sản xuất, có vợ và một con nhỏ. Anh nghiện từ 1998. Hiện nay anh tự nguyện cai. Tự mình mua xích sắt, bàn bạc người thân gia đình, trao chìa khóa xích cho ông anh xóm bên, nhờ giúp đỡ lúc cần thiết... "Bình thường, anh chích một ngày tốn bao tiền thuốc? Anh cai được lâu chưa? - Trung tá, Trưởng phòng chống ma tuý, Công an Thanh Hóa hỏi.
Hội bảo là, tằn tiện dè xẻn thì mỗi ngày chích từ 150 đến 200 nghìn đồng tiền thuốc, còn xả láng thì một triệu đồng/ngày cũng xong. Hội đã cai được hai tháng và hơn một tuần nay đã cắt cơn. Và Hội bình tĩnh nói rằng, dù cắt cơn phải giữ cả năm, hoặc hai ba năm mới thành công. Nói được câu đó và toàn bộ công việc cai nghiện là do anh “đạo diễn". Vì thế chúng tôi tin ở nghị lực phần nào còn sót lại trong người lính của Hội. Qua đấu tranh lý trí, bản lĩnh của Hội trong hai tháng qua gồng mình lên chống chọi cái đau đớn thể xác chiến thắng ma túy, tự cứu lấy mình. Ðó là hé mở một "điều phúc".
Xuân Bái đã thành lập Ban chống ma túy do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban từ năm 2000. Bằng ba biện pháp là đi cai tại Trung tâm 05-06 của tỉnh, cai tại nhà riêng. Hiện Xuân Bái có 17 con nghiện cai tại nhà bằng hình thức xích khóa chân, đóng cũi sắt, kết hợp công tác tuyên truyền và dựa vào các tổ chức ở cơ sở trợ giúp. Nhưng theo các đồng chí công an xã thì những gia đình có điều kiện kinh tế và đông người giúp sức mới có thể cai tại nhà như Hội.
Và xã này đã chấp nhận cho tổ chức quốc tế phi chính phủ (MBC) vào hoạt động nhằm góp phần ngăn chặn HIV lây lan ra cộng đồng trong vòng hai năm lại đây. Hiệu quả là số bơm tiêm được thu hồi đều đặn từ tay con nghiện nộp vào để nhận cái mới, không còn hiện tượng vứt bỏ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, nhân dân đồng tình ủng hộ. Vì trong việc làm này Ban phòng, chống ma túy theo dõi, kiểm soát sự tăng giảm của con nghiện hằng tháng.
Tiếng nói cấp huyện
Huyện Thọ Xuân có 41 xã thì 18 xã có người liên quan vào ma túy. Trong đó 179 người có hồ sơ nghiện hút, chích. Các đồng chí Nguyễn Ngọc Ðức, Phó trưởng phòng công an Thọ Xuân khẳng định, số con nghiện thực tế lớn hơn nhiều so với đã có danh sách. Huyện có bốn xã trọng điểm ma túy: Ðứng đầu là xã Xuân Tín, Xuân Bái, thị trấn Lam Sơn và xã Xuân Thiên. Phần lớn con nghiện lứa tuổi 18 đến 35, cả nam và nữ.
Năm 2003, huyện này chết 36 người thì Xuân Tín chiếm hơn 2/3; sáu tháng đầu năm nay, xã này có thêm bảy người chết do ma túy. Như vậy là, số nghiện trong huyện gia tăng, các tụ điểm buôn bán ma túy không giảm. Vì sao ở một huyện trung du, kinh tế nông nghiệp mà nạn ma túy đứng thứ ba sau TP Thanh Hóa và huyện biên giới vùng cao Quan Hóa? Chúng tôi đưa vấn đề này ra với lãnh đạo, chính quyền huyện và Ban phòng, chống ma túy công an huyện Thọ Xuân. Và được biết có ba yếu tố trọng tâm là: Lao động nông nghiệp thiếu việc làm, nông dân huyện, mỗi vụ nông nhàn từ 7.000 đến 9.000 lao động đi làm thuê khắp các miền nam, bắc chịu ảnh hưởng sinh hoạt xã hội. Xã Xuân Tín có cả trăm người buôn bán ở các tỉnh biên giới cửa khẩu phía bắc, phía nam, 80% số người về đều nghiện và nhiễm bệnh. Xã Xuân Bái, các hộ giàu có phần lớn rơi vào nghiện ngập. Thị trấn Lam Sơn hầu hết con nghiện là con em những hộ thu nhập cao từ sản phẩm mía đường...
Trong khi đó cấp huyện "ôm không xuể" số con nghiện để xử lý. Giải pháp cho vấn đề phòng ngừa vẫn điệp khúc cũ rích là: Bắt tạm giam kẻ buôn bán ma túy, xét xử vài ba năm tù, cho hưởng án treo rồi tha về. Những con nghiện lao vào cuộc "đỏ đen" càng sâu hơn. Huyện không nơi cai, chỉ tuyên truyền bề nổi. Gia đình con nghiện chán nản, thiếu phương pháp giáo dục. Chỗ dựa lớn nhất là các đoàn thể, tổ chức vận động, phê phán... Vì vậy đúng hơn là thiếu hẳn các giải pháp cứng trên phạm vi vĩ mô. Trước hết giao cho cấp xã xóa "nguồn cung". Không nương nhẹ các điểm buôn bán. Ðối tượng cần phải được cai bằng nhiều biện pháp tại các trung tâm quy mô lớn của tỉnh mới bảo đảm thời gian không tái nghiện.
Trao đổi ý kiến với lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi được biết, cho đến giờ này, trên địa bàn tỉnh có 2.152 con nghiện có hồ sơ quản lý. Nhưng số thực tế cao hơn nhiều. Vậy là mỗi năm tỉnh có khoảng 2.000 con nghiện. Nhưng để phòng, chống nó, tỉnh chỉ có trong tay một trung tâm 05-06 "công suất" 50 con nghiện vào cai. Mỗi tua cai chỉ từ năm đến sáu tháng là cho ra. Thành ra mười anh cai ra trại thì bảy anh tái nghiện. Hình thức này kéo dài nhiều năm, hiệu quả không đáng kể. Chúng tôi nghĩ, một tỉnh có 3,7 triệu dân, đầu tư một trung tâm "lao động cai nghiện" với quy mô cho vài nghìn con người sa ngã trở về sống với cộng đồng thành những công dân có ích cho Tổ quốc đối với tỉnh Thanh Hóa không phải là khó. Cái khó là ai lo?