Những thách thức mà người chuyển giới phải đối mặt
Báo Tiếng Chuông - 04/11/2017
Cũng giống như nhiều nhóm LGB (đồng tính nam, đồng tính nữ và song tính) khác, người chuyển giới ở Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những kỳ thị của xã hội, gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn cả các nhóm LGB khác, người chuyển giới còn là đối tượng của những thông tin sai lạc, sự đối xử bất bình đẳng, nạn bạo hành, phân biệt đối xử và đói nghèo.

Báo cáo thực trạng người chuyển giới tại Việt Nam của Bộ y tế cho thấy, bất chấp thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực chống lại người xuyên giới/chuyển giới ở Việt Nam, có quá ít thông tin và tư liệu về cộng đồng người chuyển giới cũng như những vấn đề cá nhân và xã hội mà họ đang phải đối mặt. Ngoài một vài diễn đàn mạng của cộng đồng, hầu như không có thông tin về người chuyển giới ở Việt Nam. Những thông điệp mang tính định kiến và không thực tế trên báo chí và một số kênh truyền thông đã tạo nên và củng cố thêm những hiểu biết sai lệch và thái độ kỳ thị xã hội. Người chuyển giới được mô tả như những người “đồng tính”, “kệch cỡm” hoặc “bệnh hoạn”. Họ cũng không được nhìn nhận như một cộng đồng.

 

Người chuyển giới tham gia một cuộc thi của cộng đồng LGBT

 

Thêm vào đó, do bị chọc ghẹo tại trường học và thiếu sự hỗ trợ từ gia đình, nhiều người xuyên giới/chuyển giới đã phải bỏ học, bỏ nhà, và đối mặt với sự mất an toàn của bản thân (bạo lực, hãm hiếp, cướp giật), sự nghèo đói và khó khăn về sinh kế. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn do thiếu sự hợp tác của các cơ quan an ninh bảo vệ họ cũng như thiếu người tuyển dụng sẵn sàng chấp nhận họ. Rõ ràng, nhóm chuyển giới là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất và bị kỳ thị nhất trong xã hội.

Mặt khác, người chuyển giới còn phải đối mặt với những định kiến của cộng đồng đồng tính nam và đồng tính nữ do bị cho là nguyên nhân gây ra những kỳ thị trong xã hội với cộng đồng LGBT nói chung. Nhiều người đồng tính cho rằng, những người chuyển giới ăn mặc khác với giới tính sinh học của mình (ví dụ như nam mặc giả gái) làm cho xã hội nghĩ người đồng tính nam là thích giả gái và thích phẫu thuật chuyển giới. Thêm nữa, báo chí truyền thông thường nhầm lẫn về khái niệm cho rằng chuyển giới và đồng tính là giống nhau, khiến cộng đồng người đồng tính muốn xa lánh cộng đồng chuyển giới. Những người chuyển giới sinh hoạt lẫn trong cộng đồng người đồng tính thường bị tẩy chay hoặc xóa bỏ nick nếu họ thể hiện mình rõ ràng. Điều này cần phải được thay đổi.

Một khi quyết định sống thật với bản thân, thể hiện mình khác với giới tính sinh học, người chuyển giới bắt đầu quá trình đầy khó khăn và thách thức trong những mối quan hệ với gia đình, trong việc tìm kiếm người yêu và chấp nhận họ, trong sự đối mặt với kỳ thị xã hội và bất bình đẳng, kiếm tìm công ăn việc làm, và rủi ro về sức khỏe.

Bị kỳ thị và phân biệt đối xử

Cũng giống như người đồng tính, người chuyển giới thường bị định kiến và phân biệt đối xử từ gia đình và xã hội. Nhưng khác với người đồng tính có thể che dấu xu hướng tình dục, người chuyển giới không thể che dấu bản dạng giới của họ do khát khao thể hiện ra ngoài, vì vậy,  sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với họ thường nặng nề, trực diện và nghiêm trọng hơn. Sự kỳ thị thường thể hiện trong cả cách gọi và hành vi. Nhóm chuyển giới từ nam sang nữ (MTF) thường bị gọi một cách kỳ thị là pê-đê, ái nam ái nữ, bóng, đồng cô, xăng pha nhớt, lại cái, trong khi nhóm từ nữ sang nam (FTM) thường bị gọi là ô môi. Những từ này hàm chứa ý nghĩa miệt thị, khiến người chuyển giới luôn cảm thấy bị xúc phạm và xấu hổ. Sự kỳ thị đôi khi không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn qua hành vi, ánh nhìn soi mói.

Trong hai nhóm chuyển giới, cũng có thể thấy nhóm MTF do bề ngoài và cách ứng xử “lộ” (như trang điểm, mặc đồ nữ, đánh móng tay, điệu đà), bị coi là “bệnh hoạn”, “biến thái”, “quái thai”…, và là đối tượng của sự chọc ghẹo và phân biệt đối xử nhiều hơn. Trong khi đó, phong trào ăn mặc kiểu “tomboy” của con gái cũng khiến các FTM ít phải chịu sự định kiến hơn. Có thể thấy sự kỳ thị đối với người chuyển giới ở nhiều cấp độ: ngay trong gia đình, hàng xóm láng giềng, trường học, và ngoài xã hội nói chung, cũng như trong cộng đồng LGBT.

Về phương diện gia đình, nhìn chung nhiều gia đình hoàn toàn không chấp nhận việc con cái mình là người chuyển giới, hoặc nếu chấp nhận thì là một quá trình lâu dài, vì thương con mà dần dần chấp nhận, nhưng vẫn thường tìm cách che giấu người xung quanh vì xấu hổ và muốn giữ thể diện. Đáng chú ý là ở những gia đình của người chuyển giới từ nữ sang nam, việc chấp nhận con dễ dàng hơn là ở gia đình của người chuyển giới từ nam sang nữ. Điều này cũng tương đồng với cách nhìn nhận chung của cả xã hội dễ dàng chấp nhận con gái có cá tính, và thể hiện nam tính, hơn là chấp nhận sự nữ tính của con trai (hay bị gọi là “đồng cô”, “ái”, “bệnh hoạn”).

Ở độ tuổi đang còn đi học trong nhà trường, nhiều người chuyển giới đã không thể che giấu khao khát được thể hiện bản dạng giới của mình (ví dụ MTF mặc áo tay bồng của con gái đi học, hay chơi với con gái và để ý bạn trai, hay FTM cắt tóc ngắn, thích chơi với con trai và để ý bạn gái), nên dễ dàng trở thành tâm điểm trêu chọc và phân biệt đối xử của giáo viên và bạn bè trong nhà trường. Có MTF cho biết bạn còn thường bị “đánh hội đồng” ở trường phổ thông nhiều đến mức nghĩ đến đi học đã cảm thấy sợ hãi và thường xuyên phải trốn học. Chính vì sự kỳ thị MTF nặng nề hơn nhiều so với nhóm FTM, nên trong khi nhiều FTM có thể học lên đại học và cao hơn, rất ít MTF có thể học hành lên cao, đặc biệt tỷ lệ phải bỏ học giữa chừng (do gia đình không trợ giúp và trường học không chấp nhận) khá nhiều. Trong khi đó nhóm FTM may mắn hơn vì dường như ít phải chịu áp lực từ giáo viên và bạn bè vì vẻ nam tính của mình.

Trong y tế, nhìn chung người chuyển giới có các trải nghiệm “tồi tệ” hơn người đồng tính, song tính. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến tỷ lệ tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế của người chuyển giới thấp hơn, vì lý do tâm lý bị xúc phạm, từ chối hoặc phân biệt đối xử khi tới bệnh viện hay tiếp xúc với nhân viên y tế.

Theo một nghiên cứu của iSee, khi khai báo nhận mình là người chuyển giới, sẽ được chuyển tới 1 thông tin đặc biệt về y tế. Phần thông tin này cho thấy chỉ có 15,6% người chuyển giới tìm đến sự hỗ trợ tâm lý, y tế dành cho người chuyển giới. Lý do mà nhiều người chưa bao giờ tìm đến sự hỗ trợ y tế dành cho người chuyển giới là không biết ở đâu 57,7%, hoặc biết là không có dịch vụ dành cho người chuyển giới 48%, do tốn quá nhiều tiền 25,3%, sợ định kiến của nhân viên phục vụ 17,8% hoặc không tin tưởng vào dịch vụ 13,5%. Ngoài ra còn 1 số lý do khác là: chưa được gia đình cho phép, không có nhu cầu, thấy không cần thiết, còn quá nhỏ, chưa đủ tuổi…

Ở những không gian công cộng, người chuyển giới thường xuyên phải nghe những lời nói miệt thị về vẻ bề ngoài của mình: Pê-đê, bóng… Mặc dù nhìn nhận của xã hội hiện nay với người chuyển giới đã cởi mở hơn trước rất nhiều, tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người chuyển giới từ nam sang nữ vẫn không dám ra đường ban ngày vì sợ ánh mắt kỳ thị, soi mói của người ngoài đường. Ban ngày ngủ trong nhà, tối đến mới trang điểm ra đường, ra công viên chơi, gặp gỡ người cùng giới, hoặc đi “làm gái”, là chu trình sống lặp lại hàng ngày của nhiều MTF.

Một trong những khó khăn nổi bật của người chuyển giới là việc sử dụng nhà vệ sinh. Người chuyển giới thường lúng túng không biết chọn vệ sinh nam hay nữ, và nhiều người cho biết khi còn đi học, họ thường phải nhịn không đi vệ sinh.

Ở một số nước phát triển, nhiều công ty đang thu xếp và thay đổi chính sách để giải quyết vấn đề nhà vệ sinh gắn với người chuyển giới, nhưng những chính sách này không vận dụng cho nhà vệ sinh công cộng. Ở Việt Nam, điều này hoàn toàn chưa được quan tâm.

Nhật Thy