Mars là chữ viết tắt của cụm từ “Hỗ trợ phục hồi trong điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone". Ông Walter Ginter, người sáng lập, Giám đốc hiện nay của tổ chức Mars Hoa Kỳ là người từng có thâm niên sử dụng ma túy và đã uống Methadone 30 năm. Dưới sự hỗ trợ của Cục Quản lý Lạm dụng chất gây nghiện và các Dịch vụ sức khỏe tâm thần của Mỹ (SAMHSA) trực thuộc Bộ Y tế và Sức khoẻ Con người của Chính phủ Hoa Kỳ thông qua Liên minh Quốc gia Chương trình điều trị nghiện bằng Methadone, ông thành lập tổ chức này với mong muốn tạo ra một cộng đồng đồng đẳng cho những người đang điều trị nghiện bằng Methadone có thể dễ dàng hòa nhập với cộng đồng, cuộc sống bằng những việc làm thiết thực, hướng đến hỗ trợ phục hồi toàn diện.
Tới với Việt Nam, dự án Mars được thí điểm thực hiện với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài trợ kinh phí của SAMHSA tại Cơ sở điều trị Methadone xã hội hóa Kiến An và Cơ sở điều trị Methadone Thủy Sơn, Thủy Nguyên (Hải Phòng)từ tháng 3/2015 với 44 bệnh nhân. Đến nay, dự án được mở rộng tới 6 cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn thành phố Hải Phòng với 132 bệnh nhân.
Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone hiện mang lại nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên chương trình này cũng đang gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị tăng, tái sử dụng các chất ma túy đặc biệt như ma túy đá. Bên cạnh đó, kết quả điều trị còn thiếu bền vững do bệnh nhân bị ảnh hưởng, chịu tác động từ nhiều phía. Nếu không có trách nhiệm, không quyết tâm cao, thì người điều trị sẽ bị dụ dỗ, lôi kéo, bỏ điều trị và tái nghiện lại.
![]() |
Một buổi sinh hoạt nhóm Mars. Ảnh Nhật Thy |
Chính vì vậy, Mars đưa ra quy trình cuối cùng để tập trung hiệu quả, phục hồi từng bước và phục hồi toàn diện ở cả 3 vấn đề: Y sinh - tâm lý - xã hội cho bệnh nhân điều trị. Việc xây dựng 6 nhóm tự lực “Xây dựng niềm tin, vượt lên chính mình" tại 6 cơ sở methadone Thanh Xuân, Hải An, An Lão, An Hưng, Thủy Sơn - Thủy Nguyên và Xã hội hóa Kiến An là một yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của dự án, tạo cơ hội cho người bệnh nhận thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân.
Thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ, thành viên các nhóm tự lực được trang bị “kỹ năng mềm” cần thiết, đó là kiến thức về bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, xã hội, kiến thức lập thân, lập nghiệp, tiếp cận chính sách, thủ tục vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế gia đình…
Dự án cũng phối hợp trường Cao đẳng nghề lao động xã hội Hải Phòng đào tạo miễn phí khóa ngắn hạn ( mỗi khóa từ 3 đến 6 tháng) cho các thành viên nhóm tự lực và các bệnh nhân khác cùng cơ sở có mong muốn học nghề. Theo đó, học viên sẽ được dạy “bắt tay chỉ việc”, sau khi hoàn thành khóa học, ai có khả năng làm việc và có nhu cầu, nhà trường sẽ kết nối giới thiệu với các đơn vị doanh nghiệp hoặc hướng nghiệp.
Trong quá trình tham gia dự án, được sự tư vấn, hỗ trợ, động viên của cán bộ điều phối và các thành viên trong nhóm, anh Nguyễn Văn Ngọc, thành viên nhóm Tự lực quận Kiến An mạnh dạn đầu tư mở rộng xưởng cơ khí, kinh doanh cửa sắt giả gỗ, bước đầu có thu nhập ổn định. Anh Phạm Văn Điệp, nhóm Tự lực huyện Thủy Nguyên dự định mở rộng trang trại gia đình sau khi được tiếp cận chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng chính sách địa phương…
Không chỉ đối với những người điều trị mà ngay cả các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế Methadone cũng đã có những thay đổi tích cực. Lãnh đạo các đơn vị, đặc biệt lãnh đạo và nhân viên các cơ sở điều trị Methadone đã ghi nhận những hoạt động tích cực, hiệu quả của mô hình, tạo điều kiện phối hợp, hỗ trợ các buổi sinh hoạt tại cơ sở.
"Vào thời điểm bắt đầu dự án, điều mà tôi băn khoăn và canh cánh trong lòng nhất chưa có dịp nói ra thì ngày hôm nay tôi đã nhận được câu trả lời, từ chính các bạn. Nhìn những khuôn mặt rất sáng, rạng rỡ, vui tươi và không vui vẻ, ấm áp của buổi sinh hoạt hôm nay, tôi đã biết các bạn có được gì từ chương trình Mars...." - Bác sỹ Minh Nguyệt, chuyên viên Sở Y tế Hải Phòng, người đã gắn bó với công tác điều trị nghiện nhiều năm đã có phần chia sẻ khi tham dự bất ngờ vào buổi sinh hoạt của nhóm Thủy Nguyên.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc, Chủ cơ sở xã hội hóa Methadone Kiến An cho biết, sau khi tham gia dự án Mars, hầu hết bệnh nhân điều trị Methadone tại cơ sở đều thay đổi hành vi, tuân thủ điều trị theo phác đồ. Các thành viên từng bước phục hồi về nhận thức, hành vi, thể lực, tinh thần đều tốt hơn.
▪ Nhọc nhằn trên con đường hoàn lương của người đàn bà lạc lối (02/02/2017)
▪ Hành trình của vị bác sĩ giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội (02/02/2017)
▪ Giấu vợ con đi điều trị phơi nhiễm HIV: Bí mật của một cựu binh (02/02/2017)
▪ Tết buồn của trẻ em LGBT đường phố (24/01/2017)
▪ Thừa Thiên-Huế: Nỗ lực giảm tác hại do HIV/AIDS gây ra (23/01/2017)
▪ Blouse trắng tận tụy với trẻ HIV (23/01/2017)
▪ Vị bác sĩ đầu tiên đấu tranh chống căn bệnh thế kỷ ở Việt Nam (21/01/2017)
▪ Phú Thọ: Để người nghiện sớm hòa nhập cộng đồng (18/01/2017)
▪ Trao niềm tin cho những người có 'H' (18/01/2017)
▪ Bước chuyển mình của một CBO trẻ (13/01/2017)