Sống đẹp giữa cộng đồng
Các Website khác - 09/06/2006

 

Những người khuyết tật trong cuộc giao lưu “Sống vì cộng đồng”

Những ánh mắt mở to, thương hại dõi nhìn theo, những câu hỏi “người khuyết tật đi làm để làm gì?...” và lời từ chối “không thể bố trí công việc” càng làm người khuyết tật đau lòng. Nhưng cũng từ đấy, không ít người đã cố vượt lên...

Lúc đó, tôi vô cùng hụt hẫng. Đang là trụ cột của gia đình, bỗng nhiên phải nằm một chỗ... Tôi thấy đời mình đã chấm hết và quyết định chia tay với người yêu...”. Thế mà, chỉ 2 - 3 năm sau, chàng trai ấy - Ng.Th. Hoành, 21 tuổi, ở Thủ Đức (TPHCM), bị chấn thương cột sống sau một tai nạn lao động, đã có đủ niềm tin để chuẩn bị thành hôn vào cuối năm nay.

Biết chấp nhận phát huy bản thân

Mới đây, bạn Ánh Loan, chị Thu Thảo... cán bộ của chương trình “Khuyết tật và phát triển”, phụ trách tham vấn đồng cảnh tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TPHCM), nhận được tin đính hôn của một bạn trẻ ở Quảng Trị đã từng được hỗ trợ tinh thần trong thời gian điều trị chấn thương cột sống tại BV Chợ Rẫy... Với kinh nghiệm của bản thân, bạn Loan, chị Thảo đã giúp nhiều bệnh nhân vững vàng vượt qua những giây phút khủng hoảng trong đời và vươn lên.

Đa số người khuyết tật (NKT) đều cảm thấy bất hạnh. Riêng với Th.S Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc chương trình “Khuyết tật và phát triển” (Đại học Mở – Bán công TPHCM), những kỳ thị mà NKT đang gặp phải lại là động lực thúc đẩy chị học tập và phấn đấu. 7% - 10% dân số là NKT, trong đó chỉ có 0,3% học lên cao đẳng - đại học, 5,7% có thể học nghề và có gần 70% phải sống dựa vào gia đình, xã hội... Những con số đó khiến chị Yến không chút đắn đo khi từ chối lời mời làm việc và học lên tiến sĩ ở Mỹ. Chị trở về làm việc và hoạt động vì NKT Việt Nam. Theo chị Yến, chính sự kỳ thị là rào cản đẩy NKT trở thành người tàn tật. Thực ra, NKT hoàn toàn có thể sống hòa nhập với cộng đồng và phát triển hết khả năng nếu không gặp các rào cản và được hỗ trợ phù hợp. Bằng những hoạt động như sinh hoạt chuyên đề, tham vấn nghề nghiệp, xây dựng website, làm bản tin hằng tháng..., chị Yến và các cộng sự đã giúp NKT nâng cao nhận thức và năng lực, biết chấp nhận khuyết tật và phát huy những gì mình có để vui sống với cộng đồng...

Và những tấm lòng...

Bởi đời sống, còn rất nhiều mảnh đời cơ nhỡ cần được giúp đỡ nên đời sống cũng có nhiều tấm lòng luôn mở rộng. Ông Năm Tuấn - một lương y ở Tiền Giang, với tình yêu tha nhân, cảm thương những vụ chết đuối oan uổng của trẻ em trong mùa lũ, những trẻ em bất hạnh phải tự bươn chải, kiếm sống... tự mày mò viết dự án. Ngoài tấm lòng, ông “liều mình” dành không ít thời gian cho công việc mới lạ để rồi chỉ trong 5 năm ông viết được 10 dự án nhỏ thiết thực giúp đời, giúp trẻ em nghèo có vốn bán vé số...

Thạc sĩ phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh, sau những năm tháng du học, bà tâm niệm khi “về nhà” sẽ dốc lòng lo cho thanh niên. Giờ đây, ở tuổi 75, cả đời đã dành cho giới trẻ, tuy “một mình” nhưng bà lúc nào cũng thấy vui và vẫn thấy còn nợ thế hệ trẻ... Đặc biệt nhất là cô Tư “khùng” Võ Thị Bạch Huệ - người đã nếm đủ mùi vị cuộc đời, bỗng định tâm lại, quyết hoàn lương. Cô âm thầm nhặt nhạnh kim tiêm nơi hẻm cùng, ngõ cụt, “lượm lặt” và chăm sóc cả những bệnh nhân AIDS trên vỉa hè... Vào phút cuối cuộc đời, nhiều người bệnh AIDS vẫn nhớ về những muỗng sữa, ly nước và sự chăm sóc đầy tình người mà cô Tư dành cho họ.

Còn có cả những tấm lòng không biên giới. Cô Trish Summer Field (Mỹ), Giám đốc chương trình “Giá trị sống” và “Tư duy tích cực”, đã giúp nhiều người cai nghiện suy nghĩ tích cực hơn và có đủ nghị lực đứng lên. Cô mong mỏi xã hội nhìn nhận và đánh giá đúng về NKT để họ có thể đóng góp cho xã hội. Cô Aline Rebeaud (người Thụy Sĩ), qua 15 năm gắn bó với VN, cô đã nói tiếng Việt rất sõi và tạo lập “Nhà May mắn” cho khoảng 50 trẻ em bất hạnh và NKT. Cô hãnh diện khi được mọi người trìu mến gọi bằng “Tim” - cái tên Việt Nam do nhân viên y tế BV Nguyễn Tri Phương đặt từ câu chuyện bé Thành - đứa con sắp chết, được cô “xin” về và trải qua 3 tháng điều trị tại BV này. Và còn nhiều, rất nhiều tấm lòng nữa...

“Sao không là hạt giống, xanh đất mẹ bao dung. Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc... Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư...”, những lời ca của bài hát Khát vọng được cất lên từ NKT vẫn còn vang vang. Giao lưu “Sống vì cộng đồng” do Báo Tuổi Trẻ, Hội đồng Anh và Prudential không chỉ tiếp thêm nghị lực và niềm tin cho những người kém may mắn, mà còn thổi bùng thêm ngọn lửa nhân ái trong lòng bao người.

Những thông điệp sống đẹp

- Cô Trish Summer Field: Hãy nhìn vượt qua giới hạn của vật chất bên ngoài và hãy nhìn vào giá trị nội tại bên trong.

- Nhóm “Những ước mơ xanh”: Tôi nhỏ bé. Bạn nhỏ bé. Nhưng chúng ta không bé.

- Lê Thanh Huy (SV ĐH Bán công Tôn Đức Thắng): Sống vì cộng đồng giúp ta thấy yêu đời và sống có ý nghĩa hơn. Hãy tham gia bằng những hành động cụ thể.

LOAN PHƯƠNG