Phú Thọ: Tạo cơ hội cho người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị
Báo Tiếng Chuông - 23/08/2017
Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có gần 1.700 người người nhiễm HIV/AIDS được điều trị ARV, trung bình mỗi năm có 200-250 người tiếp cận điều trị mới, giúp nâng cao sức khỏe, cải thiện cuộc sống cho người nhiễm HIV/AIDS.
Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh

 

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến cuối tháng 6/2017, Phú Thọ phát hiện 4.143 người nhiễm HIV, trong đó trên 2.000 người còn sống; 2.050 bệnh nhân AIDS, trong đó gần 1.500 người đã tử vong do AIDS.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh phát hiện 114 người nhiễm mới, trong khoảng 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm phát hiện khoảng 300 người nhiễm HIV. Con số này vẫn ở mức cao và trở thành mối lo ngại cho địa phương.

Trước thực trạng đó, Phú Thọ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ trong phòng, chống HIV/AIDS; chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh AIDS; vận động nhân dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS; hạn chế tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và người nghiện ma túy.

Ngành Y tế tỉnh cũng đã tăng cường năng lực, bảo đảm cơ sở vật chất, cung cấp vật tư và hướng dẫn các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng, nhất là nhóm có nguy cơ cao; thường xuyên rà soát, thống kê, vận động người dân tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và người nhiễm điều trị ARV.

Để hoàn thành mục tiêu tiến tới thanh toán dịch HIV vào năm 2030, Phú Thọ cùng Quỹ chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF) thực hiện dự án tập trung cho nhóm khách hàng nguy cơ cao như người nghiện ma túy, gái mại dâm, quan hệ đồng giới…

Dự án nhằm hỗ trợ, tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, cung cấp vật tư cho phòng khám và điều trị ngoại trú ARV cho người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ kết nối giữa phòng khám điều trị ARV của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh với phòng khám ở Trại giam Tân Lập (Bộ Công an) để giúp người nhiễm HIV/AIDS dễ dàng tiếp cận và điều trị ARV.

Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ; đồng thời hỗ trợ những người có nguy cơ cao tại cộng đồng đến tư vấn, xét nghiệm HIV thông qua nhóm đồng đẳng, nhằm phát hiện người nhiễm HIV mới và điều trị kịp thời. Từ đó góp phần giải quyết khó khăn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là đối với các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS nghèo chưa có thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn.

Dự án cũng mở ra cơ hội cho hơn 1.000 người nhiễm HIV đang điều trị trên địa bàn thành phố Việt Trì và những phạm nhân nhiễm HIV trong trại giam, mở ra thêm nhiều cơ hội cho người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận điều trị, chăm sóc kéo dài sự sống.