Trả lời: Theo Thông tư liên tịch số 40/1998/TTLT-BGD&ĐT-BYT ngày 18-7-1998 của liên Bộ Giáo dục -Đào tạo, Y tế hướng dẫn bảo hiểm y tế học sinh, tất cả học sinh, sinh viên từ bậc tiểu học trở lên đang theo học tại các loại hình trường, lớp quốc lập, bán công, dân lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên đều có thể tham gia BHYT học sinh. Trừ các trường hợp thuộc đối tượng chính sách ưu đãi xã hội của Nhà nước, đã được Nhà nước cấp thẻ BHYT.
Nội dung BHYT học sinh bao gồm: Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế trường học, khám chữa bệnh và trợ cấp tử vong.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế trường học là học sinh được quản lý sức khỏe và hướng dẫn đề phòng các bệnh học đường như giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh dinh dưỡng, vệ sinh môi trường; phòng chống các dịch bệnh; các biện pháp phòng, chữa một số bệnh và triệu chứng thông thường (tiêu chảy, đau bụng, đau mắt, đau đầu); phòng chống bệnh cong vẹo cột sống; vệ sinh răng miệng, bảo vệ thị lực (tránh cận thị); phòng chống các bệnh xã hội, các tệ nạn xã hội (ma túy học đường, HIV/AIDS,...); phòng chống tai nạn giao thông, tai nạn lao động; khám sức khỏe định kỳ vào các thời điểm đầu năm lớp 1, cuối mỗi cấp học phổ thông và đầu khóa học của các trường đại học, chuyên nghiệp; sơ cứu tai nạn, ốm đau đột xuất; bảo đảm vệ sinh ăn uống tại trường học cho học sinh, sinh viên.
Học sinh tham gia BHYT được khám chữa bệnh ngoại trú và nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh (gọi chung là bệnh viện) đã được đăng ký trên phiếu khám chữa bệnh BHYT gồm: Khám bệnh, chẩn đoán và điều trị; xét nghiệm, chiếu chụp X-quang, thăm dò chức năng; được thanh toán tiền thuốc trong danh mục theo quy định của Bộ Y tế; máu, dịch truyền; các thủ thuật, phẫu thuật; sử dụng vật tư, thiết bị y tế và giường bệnh.
Cơ quan BHYT không thanh toán trong các trường hợp sau:
- Các bệnh đã được Ngân sách Nhà nước đài thọ: Điều trị bệnh phong; sử dụng thuốc đặc trị điều trị bệnh lao phổi, sốt rét, tâm thần phân liệt, động kinh; dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.
- Phòng và chữa bệnh dại; xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị nhiễm HIV/AIDS, lậu, giang mai.
- Tiêm chủng phòng bệnh, điều dưỡng, an dưỡng.
- Chỉnh hình và tạo hình thẩm mỹ, làm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, thủy tinh thể nhân tạo, ổ khớp nhân tạo, van tim nhân tạo.
- Các bệnh bẩm sinh và dị tật bẩm sinh.
- Tai nạn chiến tranh và thiên tai.
- Tự tử, cố ý gây thương tích, nghiện chất ma túy, vi phạm pháp luật.
Trường hợp học sinh cấp cứu có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào và phải xuất trình thẻ BHYT trong vòng 48 giờ sau đó.
-----------------
Tiêu chuẩn làm đại lý Internet
Hỏi: Xin cho biết những yêu cầu của Nhà nước đối với cá nhân làm đại lý và tiêu chuẩn của cửa hàng khi kinh doanh dịch vụ đại lý Internet?
Trả lời: Theo Thông tư liên bộ số 02/2005/ TTLB-BCVT-VHTT-CA-KHĐT ngày 14-7-2005 của Liên Bộ Bưu chính Viễn thông- Văn hóa Thông tin Công an - Kế hoạch và Đầu tư về quản lý đại lý Internet thì chủ đại lý phải có trình độ tin học đạt chứng chỉ A trở lên. Trong trường hợp chủ đại lý không có chứng chỉ thì phải thuê nhân viên có trình độ tin học đạt chứng chỉ từ trình độ A trở lên để thực hiện hướng dẫn và kiểm tra người sử dụng tuân thủ các quy định về sử dụng dịch vụ tại đại lý Internet.
Cũng theo Thông tư này, đại lý Intemet phải có địa điểm và mặt bằng dành riêng làm đại lý Internet; có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm và mặt bằng này; đồng thời phải bảo đảm các tiêu chuẩn:
- Diện tích sử dụng cho mỗi một máy tính tối thiểu là 1m2. Tất cả các màn hình máy tính, thiết bị nghe nhìn làm dịch vụ phải bố trí lắp đặt bảo đảm cho người quản lý có khả năng quan sát dễ dàng.
- Có trang bị các phương tiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
- Có biện pháp bảo vệ môi trường, vệ sinh, âm thanh, ánh sáng và các điều kiện khác để bảo vệ an toàn và sức khỏe cho người sử dụng dịch vụ này.
-----------------
Chính sách về sử dụng đất nông trường
Hỏi: Chúng tôi là công nhân viên công trường 1A ở huyện Thạch Thất, Hà Tây. Năm 1982, Nông trường đã giao cho chúng tôi đất để làm nhà ở và làm vườn. Nhiều năm gần đây, Nông trường hầu như không hoạt động và đang tiến hành sắp xếp lại. Xin cho biết, chúng tôi có được tiếp tục sử dụng diện tích đất ở hiện nay không?
Trả lời: Trong quá trình sắp xếp lại các nông trường theo Nghị đinh số 170/2004/NĐ-CP ngày 22-9-2004 của Chính phủ, từng nông trường phải xây đựng quy hoạch sử dụng đất chi tiết của nông trường và trình cấp có thẩm quyền xét duyệt. UBND tỉnh nơi có đất sẽ thu hồi diện tích đất không nằm trong quy hoạch sử dụng đất chi tiết của nông trường đã được xét duyệt (diện tích đã bố trí cho cán bộ, công nhân viên nông trường đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ để làm nhà ở và vườn, ao gắn liền nhà ở thuộc loại này).
Đối với diện tích đất mà trước đây nông trường đã bố trí cho hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ để làm nhà ở, làm vườn, ao gắn liền với nhà ở trong khu dân cư, được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp đất đai và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết của địa phương đã được xét duyệt thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Việc xác định diện tích đất ở trong trường hợp có vườn, ao gắn liền với nhà ở được thực hiện theo quy định tại khoản 5 điều 87 Luật Đất đai; phần diện tích vườn, ao còn lại không được xác định là đất ở sẽ được xác định mục đích sử dụng theo hiện trạng.
Để biết có được tiếp tục sử dụng diện tích đất ở hiện nay, ông cần làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chính quyền địa phương sẽ giải quyết cụ thể theo quy định tại điều 135 và 136 Nghị định 181/2004/ NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai.
-----------------
Trường hợp trẻ em được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù
Hỏi: Nếu trong thời gian chấp hành hình phạt tù hoặc chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng mà người bị kết án là trẻ em có nhiều tiến bộ, chứng tỏ quyết tâm cải tạo tốt thì có được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù hoặc thời hạn giáo dưỡng hay không? Pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 4 điều 70 và điều 76 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì trẻ em được áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng hoặc bị phạt tù có thời hạn, nếu đã chấp hành được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ thì được Tòa án cho chấm dứt thời hạn ở trường giáo dưỡng hoặc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù. Cụ thể như sau:
Về việc chấm dứt biện pháp giáo dưỡng trước thời hạn:
Theo quy định điều 70 Bộ luật Hình sự và điều 22 Nghị định 52/2001/NĐ-CP ngày 23-8-2001 của Chính phủ hướng dẫn thi hành biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng thì trẻ em được đưa vào trường giáo dưỡng được Hiệu trưởng trường giáo dưỡng đề nghị TAND cấp huyện nơi trường đóng quyết định chấm dứt biện pháp giáo dưỡng trước thời hạn nếu có đủ hai điều kiện sau:
- Đã chấp hành được 1/2 thời hạn do Tòa án quyết định, tính từ ngày được tiếp nhận vào trường giáo dưỡng.
- Đã có nhiều tiến bộ, thể hiện ở các mặt:
+ Ăn năn hối lỗi, thấy rõ việc làm sai trái của bản thân;
+ Tích cực học tập, lao động và tu dưỡng;
+ Chấp hành đúng nội quy của trường giáo dưỡng;
Về việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt:
Khoản 1 và 2 điều 76 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: nếu người bị kết án là trẻ em đã chấp hành được 1/4 thời hạn và có nhiều tiến bộ thì được Tòa án xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù. Mỗi lần có thể giảm đến 4 năm nhưng phải bảo đảm thời gian thực sự chấp hành hình phạt ít nhất là 2/5 của thời hạn hình phạt đã tuyên. Nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì được xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành hình phạt còn lại.
Khoản 4 điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: trong trường hợp trẻ em bị kết án tù nhưng được hưởng án treo và đã chấp hành được 1/2 thời gian thử thách, có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan giám sát, giáo dục Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
|