Nhiều bạn có kiến thức rất vững vàng nhưng kết quả thi không cao bao giờ. Tại sao lại như vậy nhỉ? Có thể các thầy không "chú ý" đến mình? Theo mình, điều quan trọng dẫn đến "hậu quả" đó là do các bạn chưa trình bày bài thi một cách khoa học. Người ta thường nói rằng: "Cái anh nói không quan trọng bằng cách anh nói" mà. Vậy làm thế nào để làm một bài thi thật tốt? Mình xin bật mí với các bạn một vài điểm nhé!
Đầu tiên, các bạn không nên chủ quan hoặc "tự tin" quá về mình. Sự tự tin thái quá sẽ là nguyên nhân cơ bản dẫn đến thất bại. Bạn hãy cẩn thận đọc kĩ đề bài để có thể nắm thật chắc yêu cầu của đề. Nhiều bạn chỉ đọc qua đề thấy "trúng tủ" là cắm đầu vào viết. Vì thế, có nhiều bạn khi làm xong mới ngớ người ra rằng mình đã bỏ sót những yêu cầu quan trọng của đề bài. Thất bại với những người không xem kĩ đầu bài luôn nằm trong tầm tay.
Hãy đọc kỹ đề trước khi làm bài nhé! (Ảnh minh họa)
Trong khi đọc đề, các bạn nên đọc tất cả các câu hỏi trong đề bài. Điều này tưởng như mình nhắc nhở thừa phải không bạn? Nhưng trong thực tế, có bạn chỉ đọc câu đầu tiên rồi cắm cúi vào tìm cách làm, những câu còn lại không chú ý đến. Nếu câu đầu tiên đó hơi "xương" một chút là bạn sẽ mất nhiều thời gian. Bạn hãy đọc toàn bộ đề, những câu dễ bạn nên làm trước, những bài có vẻ khó bạn nên để mình làm sau. Như thế, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian quý báu của mình.
Một điều rất quan trọng nữa là bạn đừng quá chủ quan với các bài dễ. Đó là "cơ hội" để bạn nâng cao số điểm của mình đấy! Hãy làm thật cẩn thận những bài bạn chắc chắn là đúng. Như thế bạn sẽ có một số điểm và "yên tâm" làm những bài còn lại.
Khi làm bài thi, bạn nên chú ý đến cách trình bày. Bạn nên giữ bài thi của mình thật "sạch sẽ", hạn chế đến mức tối đa việc tẩy xoá. Đặc biệt là bạn không nên dùng bút xoá để tẩy những chữ viết sai. Màu trắng của bút xoá sẽ làm cho bài thi của các bạn rất bẩn. Đặc biệt, nó còn là dấu hiệu để bạn tự "khai" với thầy giáo rằng bạn đã sai ở đó, việc xoá những chỗ sai cũng là một "nghệ thuật." đấy, bạn hãy dùng thước kẻ gạch ngang chữ cần xoá, như thế thì nhìn vừa không lem nhem vừa gây được ấn tượng tốt cho giám khảo chấm thi nữa.
Với bạn, hãy chuẩn bị cho mình sự tự tin cần thiết khi vào phòng thi. Muốn tự tin được, bạn cần nắm bài thật kĩ. Đừng đi thi với một "trái tim run sợ, một cái đầu rỗng và một cặp đầy tài liệu" như thế bạn sẽ rất dễ bị "đắm đò" đấy!
Chúc bạn có một kì thi hiệu quả với những điểm thi "ngất trời"!
Dương Khánh
Theo Kênh 14