Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
Các Website khác - 19/12/2008

Một Phó giáo sư. Một Tiến sĩ khoa học. Một Phó chủ nhiệm Khoa điện - Đại học Bách khoa Hà Nội. Nói tóm lại, một người trẻ và nhà khoa học thành đạt ở độ tuổi mới ngoại "tam thập". Những cái "một" ấy định vị trong đầu tôi hình ảnh Trần Hoài Linh đại loại thế nà: Kính trắng đầy vẻ "trí thức". Gương mặt già trước tuổi. Phong thái nghiêm cẩn - mực thước và chỉn chu. Cách nói chuyện khô khan, chính xác tới mức tối giản hóa ngôn từ. Như đặc điểm chung ở những nhà nghiên cứu mà tôi vẫn thi thoảng được diện kiến đâu đó trong đời. Nhưng hóa ra không phải như vậy...

 Hai vợ chồng Linh cùng các đồng nghiệp Ba Lan.
 
Và tôi đã gặp Trần Hoài Linh trẻ trung, thậm chí quá trẻ so với tuổi 34 của anh. Hiền lành, nụ cười thân thiện luôn thường trực trên môi. Đôi mắt trong veo, nhìn đời trực diện - không cần tới cặp kính. Hiện tại, Trần Hoài Linh là Phó chủ nhiệm khoa Điện, giảng dạy bộ môn Kỹ thuật đo và Tin học công nghiệp. Đồng thời, anh cũng trực tiếp giảng môn Lý thuyết mạch tuyến tính hoàn toàn bằng tiếng Anh cho Chương trình đào tạo tiên tiến Cơ điện tử.

Như phần đông những nhà nghiên cứu khoa học vốn thích ẩn mình, Linh rất ngại nói về bản thân. Những thông tin về chặng đường chinh phục đỉnh cao tri thức của anh - vốn chẳng hề dễ dàng, bằng phẳng với bất cứ ai - mà tôi có được đa phần lại nhờ mấy bài báo đăng tải trên mạng internet. Còn với những câu hỏi vặn vẹo của phóng viên, câu trả lời của anh luôn giản dị, và giấu mình nhất, trong mức có thể.

Trên chặng đường chinh phục đỉnh cao khoa học

Linh sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm khoa học, truyền thống đứng trên bục giảng. Cha anh, Giáo sư - Viện sĩ - Nhà giáo nhân dân - Anh hùng lao động Trần Đình Long, là người đã có rất nhiều năm chính là "kiến trúc sư trưởng" của công trình đường dây tải điện 500KV. Mẹ anh, bà Nguyễn Thị Thiện Tín, cũng đã nhiều năm là giảng viên chính Khoa điện, ĐHBK, cũng là nơi anh - cậu con trai thứ hai đang công tác.

 
Tò mò hỏi anh sao say mê toán học, đoạt giải quốc tế Tin học nhưng lại rẽ ngoặt về ngành điện vốn là truyền thống của gia đình (anh cả của Linh hiện cũng công tác tại Sở điện lực Hà Nội), Linh cười, "có vẻ như đó là cơ duyên". Ngày mới sang Ba Lan, anh đã biết mình sẽ đồng hành cùng ngành Trí tuệ nhân tạo. Nhưng vị giáo sư duy nhất của Khoa toán - lý có thể truyền dạy cho anh lại quá bận. Nhìn đi nhìn lại, chỉ còn một vị chuyên gia ở khoa điện có thể giúp đỡ cậu học trò. Vậy là Linh đi theo tin học ứng dụng trong lĩnh vực điện, để rồi khi về nước lại trở thành giảng viên khoa điện, như một hệ quả tất yếu.

Cũng đã nhiều người hỏi Linh, rằng anh có chịu ảnh hưởng từ gia đình, rằng các đấng sinh thành có hướng anh theo nghiệp giảng dạy? Trong suy nghĩ của anh, điều quý giá duy nhất mà anh được thừa hưởng chính là môi trường sư phạm, là tác phong làm việc, sinh hoạt mà bố mẹ làm gương cho con cái trong cuộc sống thường ngày. "Bố mẹ Linh luôn tôn trọng sự lựa chọn của con cái. Vì vậy, việc Linh theo tin học ứng dụng - chứ không phải ngành điện - trong bước đi ban đầu luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các cụ".

Giải Nhì kỳ thi tin học quốc tế mà Linh giành được năm 1990, khi đa phần người dân Việt chưa hề biết chiếc máy tính có hình thù tròn méo ra sao, cũng được anh chia sẻ theo cách giản dị nhất. "Linh học chuyên Toán từ cấp 2. Yêu thích Toán học thì có, nhưng mê mẩn tới mức độ quên ăn quên ngủ như các bạn cùng lớp thì chưa hề. Đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi, Linh có cơ hội được thi, rồi may mắn thi đỗ vào khối chuyên toán, ngày đó được chia đều cho ba trường: ĐH Tổng hợp HN, ĐH Sư phạm HN và Trường THPT HN - Amsterdam. Linh theo học khối A0 của trường Tổng hợp. Rồi Linh cùng 3 bạn được chọn vào đội tuyển tin học. Ngày đó, Linh cũng đã được làm quen với chiếc máy tính đời cổ lỗ sĩ trong trường Bách khoa. Gọi là tham gia Olympic tin học nhưng yêu cầu về lập trình không cao, chỉ chủ yếu dừng ở thuật toán. Sau hai ngày thi khá căng thẳng, Linh cùng hai bạn nữa đoạt huy chương".

Việc trở thành sinh viên của Trường ĐHBK Warsava, như một hệ quả tất yếu của tấm huy chương bạc ấy, theo anh cũng là một điều may mắn. "Vào thời điểm năm 1991, hệ thống các nước XHCN - nơi vẫn đón nhận sinh viên VN du học đang bước vào giai đoạn khủng hoảng. Thay vì được chọn quốc gia phù hợp với mong muốn, Linh phải quay về học khoa toán tin ĐHBK mất một năm. Và Ba Lan, đất nước phục hồi chế độ đón du học sinh đầu tiên, là điểm đến được lựa chọn cho Linh. Học bổng không nhiều, chỉ đủ cho sinh viên ăn tiêu rất tằn tiện. Nhưng Linh rất cố gắng để hơn chục năm trời học tập trên nước bạn, Linh chưa bao giờ phải nhận viện trợ từ gia đình".

Để có tiền trang trải cho cuộc sống, Linh nhận công việc thích hợp nhất dành cho các sinh viên trong trường. Đó là tham gia từng công đoạn nghiên cứu đề tài khoa học, do các thầy giáo trong trường chủ trì. Khoản tiền kiếm được không lớn, nhưng việc trực tiếp góp sức vào quá trình nghiên cứu giúp Linh có thể làm quen dần với kỹ năng của các nhà khoa học, đồng thời học hỏi được bao nhiêu kiến thức bổ ích.

Một năm bổ túc tiếng, năm năm hoàn thành bậc đại học, 3 năm cho tấm bằng tiến sĩ và 4 năm nữa cho học vị tiến sĩ khoa học. 13 năm trời học tập, làm giàu vốn kiến thức nơi xứ người, Linh đã kịp gom góp cho mình một hành trang tri thức đáng nể.

Bản danh mục những công việc anh đã thực hiện dễ khiến nhiều người trẻ năng động cũng thấy... choáng! Ngay trên xứ sở Ba Lan, Linh đã tham gia nghiên cứu ba đề tài cấp nhà nước, tham gia giảng dạy 12 môn học thuộc các lĩnh vực kỹ thuật điện - đo lường và tin học công nghiệp cho sinh viên nước bạn. Nhiều công trình nghiên cứu mà Linh là tác giả đã được tổng hợp thành tài liệu giảng dạy hệ đại học và cao học cho ngôi trường đã ươm mầm và nuôi dưỡng giấc mơ chinh phục những đỉnh cao khoa học trong anh.

Xử lý tín hiệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (nghĩa là tạo cho máy móc những khả năng của con người) là lĩnh vực mà chàng trai say mê Tin học ứng dụng kiên trì theo đuổi. "Ý tưởng là vô cùng, vấn đề là hiện thực hóa được chúng mà thôi"- Linh cười ngượng nghịu, khi nghe tôi hỏi về những đề tài có khả năng ứng dụng cao trong cuộc sống mà anh đã và đang thực hiện.

 
Và trong đời thường

TSKH. Trần Hoài Linh được công nhận học hàm Phó giáo sư vào cuối năm 2007. Ở tuổi 33, anh cùng với Nguyễn Quang Diệu - một đồng nghiệp thuộc Khoa toán, Đại học Sư phạm Hà Nội trở thành hai PGS trẻ nhất Việt Nam. Điểm trùng hợp hy hữu là cả hai vị PGS "trẻ măng" này đều sinh ngày 17/7/1974. "Hội đồng xét phong tặng đã phải mời Linh tới gặp để xác minh lại sự trùng hợp này, họ tưởng quá trình nhập liệu máy móc đã để xảy ra sự nhầm lẫn đó".

Linh tâm sự, "nhiều người trẻ, khi đạt đến một cái ngưỡng thành công nào đó thường rơi vào trạng thái ảo tưởng, hoặc có sự nhìn nhận không còn khách quan về bản thân. Linh rất sợ điều đó. Vì thế, đôi khi cũng cần phải có một sự đánh giá lại, từ bên ngoài, để có thể biết mình đang ở đâu, mạnh - yếu chỗ nào”.

Luôn nỗ lực vươn tới trên chặng đường chinh phục những đỉnh cao, với những gì đã làm được, Linh từng nhận không biết bao lời đề nghị hấp dẫn - từ các công ty, tập đoàn lớn nước ngoài. Môi trường làm việc, nghiên cứu thuận lợi, cơ hội phát triển tài năng, lương bổng vô cùng hấp dẫn... là những lực hút vô cùng khó cưỡng với người trẻ. Cân nhắc, đắn đo không ít, nhưng chàng trai vẫn quyết định trở về Việt Nam, để lại sau lưng những cơ hội vàng mà không hề nuối tiếc. "Linh chọn trí tuệ nhân tạo, nghĩa là ngành đi sâu về thuật toán, thiên về lý thuyết. Máy móc, thiết bị nghiên cứu, vì thế cũng không quá đặc thù. Quyết định về nước vì Linh luôn muốn được gần gũi với gia đình. Thêm nữa, ở trường ĐHBK, Linh được làm những điều mình muốn, được giảng dạy, được nghiên cứu. Còn chuyện tiền bạc, về nước làm việc nghĩa là Linh đã chấp nhận một thực tế, mức đãi ngộ chất xám của chúng ta làm sao bằng được nước ngoài. Nhưng trái với hình ảnh một người trẻ năng động mà người ta hay nhìn thấy ở Linh, thực ra mình lại rất thích chữ "nhàn". Và ở đời, thật khó để lượng hóa được thế nào là đủ. Với Linh, thu nhập từ công việc, từ những gì Linh đang ấp ủ hoặc đã thực hiện được là tạm đủ. Linh hài lòng với những gì mình đang có".

Đề nghị Linh thử lý giải những yếu tố dẫn đến sự thành công, tôi nhận được câu trả lời đơn giản đến không ngờ. "Linh nghĩ mình đã đặt được ra một định hướng dài hạn tương đối phù hợp và biết kiên trì theo đuổi nó đến cùng. Để có được ngày hôm nay, Linh nghĩ, mình đã gặp nhiều may mắn. Bí quyết của Linh là phải tạo thói quen không ngừng suy nghĩ và làm việc đều đặn. Kết quả không phải là điều Linh coi trọng, cái chính là cung cách bạn thực hiện việc đó như thế nào".

Điều khiến tôi ngạc nhiên là chàng trai có vẻ ngoài trẻ măng này đã lấy vợ và có một cô công chúa xinh xắn. "Bà xã Linh đang đi du học, hai bố con đành trông nom lấy nhau vậy. Cũng may là có ông bà hai bên nội ngoại, không thì quả thật Linh chẳng biết xoay xở thế nào".

Bảo Ngọc
Theo Sức khỏe đời sống