Thí điểm trả lương giáo viên theo năng lực
Các Website khác - 19/12/2008

Dù ngành giáo dục cho rằng các mục tiêu đã bớt lãng mạn so với các lần dự thảo trước nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn

Trong hai ngày 18 và 19-12, Bộ GD-ĐT tổ chức lấy ý kiến các tổ chức, đoàn thể về dự thảo lần thứ 13 chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009-2020. Trong buổi lấy ý kiến báo chí chiều 18-12, mục tiêu xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế và thí điểm chế độ hợp đồng thay cho biên chế trong quá trình tuyển chọn nhà giáo được rất nhiều đại biểu quan tâm.


Dù ngành giáo dục cho rằng các mục tiêu đã bớt lãng mạn so với các lần dự thảo trước nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn

400 triệu USD/năm cho trường ĐH quốc tế

Theo dự thảo, đối với giáo dục ĐH, đến năm 2020, có ít nhất 5% tổng số sinh viên tốt nghiệp có trình độ ngang bằng với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường ĐH hàng đầu trong khối ASEAN, 80% số sinh viên tốt nghiệp được các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động đánh giá đáp ứng được yêu cầu công việc...

Bộ GD-ĐT đưa ra giải pháp chiến lược là tập trung đầu tư Nhà nước và sử dụng vốn vay ODA để xây dựng một số trường ĐH Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 5 trường ĐH được xếp hạng trong số 100 trường ĐH hàng đầu của khu vực ASEAN và 2 trường đứng trong danh sách 200 trường ĐH hàng đầu thế giới. Năm 2015 sẽ hoàn thành cơ bản việc xây dựng 4 trường ĐH đạt đẳng cấp quốc tế. Sinh viên phải có khả năng sử dụng tiếng Anh trong học tập, nghiên cứu và làm việc sau khi tốt nghiệp.

Tại buổi góp ý, mục tiêu này một lần nữa được các đại biểu quan tâm mổ xẻ. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải chỉ ra những tiêu chí để xây dựng những trường cụ thể. Bộ GD-ĐT cần đưa ra những điểm được coi là đột phá riêng để tạo sự khác biệt. Nếu không đưa ra được những điểm khác biệt này thì mục tiêu khó thành hiện thực trong tương lai. Trả lời những băn khoăn này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hiện nay bộ vẫn đang thiết kế mô hình chi tiết cho trường. Ngoài Trường ĐH Việt - Đức, sắp tới bộ có thể sẽ liên kết với Pháp, Nga hoặc Mỹ để thành lập trường quốc tế với quy mô 4.000 sinh viên, 400 giảng viên và kinh phí hoạt động khoảng 400 triệu USD/năm. Về tiêu chí xếp hạng trường ĐH quốc tế, theo Phó Thủ tướng, thế giới có nhiều bộ tiêu chí xếp hạng khác nhau tùy theo từng quan điểm. Hiện nay, ta mới đang trong giai đoạn khởi động nên sẽ tiếp tục làm việc để chọn bộ tiêu chí phù hợp. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, trường chất lượng cao, học phí sẽ cao hơn trường khác. Tuy nhiên, vì trường quốc tế là trường công lập đào tạo nhân lực quốc gia nên học phí không được tính bằng chi phí đào tạo. Với các trường này, sẽ có hệ thống cho vay hoặc học bổng cao hơn học phí.

Đột phá từ sự cạnh tranh

Một giải pháp đột phá mà Bộ GD-ĐT đưa ra là tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong đội ngũ nhà giáo. Theo đó, từ năm 2009 sẽ thực hiện thí điểm chế độ hợp đồng thay cho biên chế trong quá trình tuyển dụng và sử dụng các giáo viên, giảng viên và các viên chức khác. Việc thí điểm bắt đầu ở một số trường phổ thông và trường ĐH, đến năm 2010 có tới 100% số giáo viên, giảng viên mới được tuyển dụng làm việc theo chế độ hợp đồng thay cho biên chế.

Nhiều đại biểu lo lắng liệu như vậy có tuyển đủ giáo viên? Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng theo quy định hiện hành, các đơn vị hành chính sự nghiệp không tuyển biên chế mà chỉ có hợp đồng dài hạn. Giải pháp này đúng ra cần làm ngay từ bây giờ chứ không phải sang năm 2009 mới bắt đầu thí điểm, vì như thế là ngành đã làm chậm hơn nhiều nơi khác.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, hình thức là hợp đồng nhưng quyền lợi của giáo viên cũng như biên chế, thậm chí còn có thể hơn do hiệu trưởng được quyền quyết định.

Để khuyến khích đội ngũ nhà giáo thông qua chế độ đãi ngộ xứng đáng, bắt đầu từ năm 2009 sẽ thí điểm để tiến tới thực hiện việc hiệu trưởng quyết định mức lương của từng giáo viên, giảng viên tùy theo năng lực từng người.

Yến Anh