(VietNamNet) - Học cùng với SV nước ngoài, tôi thấy mình hay SVVN nói chung thiếu sự trải nghiệm thực tế. Sự giáo dục từ nhỏ của gia đình ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành tích cách của mỗi cá nhân. Ở nước ngoài, bố mẹ đã tập cho con cái tính tự lập từ nhỏ.
![]() |
Hãy để trẻ tự tìm tòi và khám phá thay vì luôn lo lắng trẻ làm hỏng mọi thứ (Nguồn: www.wcg.org) |
Tôi xin kể hai câu chuyện nhỏ mà tôi đã thấy để mọi người cùng suy ngẫm. Có lần, tôi có việc nên phải đến công ty bảo hiểm y tế. Cũng ngồi chờ như với tôi là một bà mẹ với đứa con nhỏ chừng 3-4 tuổi. Đứa trẻ chạy lung tung chơi đùa trong phòng chờ, rồi bỗng dưng em tự vấp té.
Người mẹ nhìn thấy, thay vì đến dỗ dành con như những người phụ nữ Việt Nam, người mẹ đã nói với con rằng:”Con tự đứng dậy đi!”
Trong suy nghĩ của họ, đứa trẻ cần tập tính tự lập từ nhỏ, nếu nó có vấp ngã thì nó phải tự đứng dậy được. Có lẽ chính vì thế, trẻ con ở đây rất dạn; gặp người lạ, chúng không hề sợ hãi núp sau bố mẹ mà giơ tay nắm lấy người lạ, chào hỏi bi bô như người quen lâu ngày gặp lại.
Một câu chuyện khác tôi chứng kiến gần đây. Tôi cùng chị bạn đi học trượt tuyết trong đợt nghỉ Noel vừa rồi. Bãi tập của chúng tôi gần với bãi tập của trẻ con nên chúng tôi có dịp quan sát bọn trẻ.
Nhìn thấy một đứa bé một mình ngồi trên ván trượt và tự trượt từ trên dốc xuống, chúng tôi thán phục:” Ôi! Thằng bé gan nhỉ! Nếu mình là nó, mình sẽ chẳng dám làm như thế mà không có người lớn dẫn dắt”. Chị bạn tôi quay sang bảo rằng:” Hồi nãy mẹ nó có đi bên cạnh, nhưng nó không chịu, một mực đòi trượt một mình đấy.”
Tôi ngẫm nghĩ, bản thân chúng tôi học trượt tuyết mãi mới được vì sợ, sợ cái cảm giác lao từ trên cao xuống mà không dừng lại được. Ở Việt Nam, các bậc cha mẹ luôn sợ con cái vấp ngã nên luôn che chở, bảo bọc. Tôi tự hỏi:” Nếu cha mẹ cứ xem con cái của mình là đứa trẻ con như thế mãi, thì đến khi nào chúng sẽ được phép “trưởng thành” để tự trải nghiệm, để tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình?”
Khi đi học, đứa trẻ cũng được trải nghiệm nhiều. Từ lúc học phổ thông, HS ở đây đã phải làm những bài thuyết trình trước lớp. Chúng được thầy cô giáo giao cho đề bài, rồi tự tìm tài liệu, sách vở có liên quan đến vấn đề ấy, viết bài và thuyết trình trước lớp. Những ngày mùa xuân hay mùa hè ấm áp, được thầy cô giáo dẫn đi thăm vườn thú, thảo cầm viên, bảo tàng lịch sử, bảo tàng nghệ thuật.
Dĩ nhiên, ở Việt Nam, điều kiện kinh tế khó khăn hơn, không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con cái đi chơi đây đó hay đi du học. Nhưng dẫu gia đình có điều kiện thì hầu như cũng chỉ đầu tư cho con cái học hành, mời thầy giáo về nhà dạy kèm, cho con học những môn năng khiếu (nhạc, hoạ) hay học ngoại ngữ, chứ chẳng có mấy gia đình chịu cho con đi chơi, đi dã ngoại… Thành ra HS,SV Việt Nam thiếu sự hiểu biết xã hội, kinh nghiệm thực tế.
Khi đủ 18 tuổi, thanh niên ở các nước phương Tây dọn ra ở riêng. Bố mẹ dù biết rằng con cái họ sẽ có thể mắc lỗi lầm, nhưng họ vẫn không ngăn cản, để cho con cái mắc lỗi và tự rút ra kinh nghiệm từ đó. Khi học ĐH, SV ở đây thường đi thực tập ở cơ sở sản xuất, viện nghiên cứu.
Khi muốn đi thực tập, SV xin phép nghỉ học một hoặc hai học kỳ. Hầu hết, SV Đức ai cũng từng đi thực tập như thế ít nhất là một lần. Việc đi thực tập giúp SV học thêm được nhiều điều ngoài sách vở, làm quen với môi trường mới ngoài trường đại học. Bởi thế, họ rất tự tin.
Còn ở ta, trong 4 năm ĐH, chủ yếu SV chăm chỉ học những kiến thức thầy cô dạy trên giảng đường và trong sách vở. Nhiều người có bằng cấp ngoại ngữ nhưng khi cần không thể nói chuyện với người nước ngoài một cách tự tin. Ông giám đốc công ty nơi mẹ tôi làm việc đã từng than phiền rằng công ty mới tuyển một SV tốt nghiệp ngành ngoại ngữ, bằng cấp rất nhiều nhưng khi cần tiếp chuyện với khách hàng lại lúng túng. Ông ấy đã từng hỏi:” Thế thầy cô đã dạy chúng mày những gì?”. Tôi không cho rằng thầy cô có lỗi trong trường hợp như thế, mà tự bản thân mỗi SV phải trang bị cho mình kinh nghiệm thực tế để sau khi tốt nghiệp, có kiến thức xã hội tối thiểu để tự tin bắt tay vào công việc.
Điều tôi muốn nói ở đây là tôi rất tiếc cho thanh niên Việt Nam, họ không tự trải nghiệm, không tự mình khám phá thế giới xung quanh và vì thế không có được kiến thức cần thiết cho cuộc sống và công việc. Và tôi cũng lo lắng cho việc các bậc cha mẹ lo lắng che chở con cái quá nhiều, làm cho con cái họ rụt rè khi ra xã hội giao tiếp hoặc làm việc.
Hà Nguyễn (CHLB Đức)
▪ Hỗ trợ tiến sĩ: Hậu Giang: 45 triệu,Thanh Hóa: 10 triệu (18/01/2006)
▪ Hàn Quốc tìm sự đột phá từ khối trường tư? (18/01/2006)
▪ Tiến sĩ về Hậu Giang được hỗ trợ 45 triệu đồng (18/01/2006)
▪ Malaysia: dạy kinh doanh từ bậc đại học (18/01/2006)
▪ 25% du HS trở về được đề bạt chức vụ cao hơn (17/01/2006)
▪ Thi vấn đáp: 10.000 đồng đổi 1 điểm! (17/01/2006)
▪ Tuyển sinh lớp 10: Ưu tiên không quá 30% (18/01/2006)
▪ 4 kết luận của Thủ tướng từ phiên họp hội đồng GD (17/01/2006)
▪ Các ĐH hào hứng "bắt tay nhau" (18/01/2006)
▪ Bến Tre: học sinh có 2 nguyện vọng thi vào lớp 10 chuyên (17/01/2006)