Bộ GD&ĐT vừa có văn bản báo cáo lên Chính phủ về kết quả đánh giá Chương trình – Sách giáo khoa (CT - SGK). Ngoài một số ưu điểm rõ ràng được đa số công nhận, CT – SGK vẫn bị chỉ ra rất nhiều thiếu sót và khuyết điểm.
Còn nhiều khuyết điểm
Đợt triển khai đánh giá CT - SGK lần này được Bộ GD&ĐT chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng. Kế hoạch thực hiện được gửi về các Sở GD&ĐT. Quá trình đánh giá này còn có sự tham gia của Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam. Có tất cả 204 ý kiến đánh giá được gửi về Bộ GD&ĐT.
Những thiếu sót, hạn chế của CT – SGK phổ thông được đưa ra rất nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng chương trình giáo dục phổ thông còn chưa cân đối giữa “dạy chữ” và “dạy người”; Một số chủ đề trong chương trình một số môn học ở trung học còn mang nặng tính hàn lâm với phần đông học sinh, ít thực hành và rèn luyện kĩ năng như Ngữ văn, Sinh học, Vật lí, Tiếng Anh.
Yêu cầu của chương trình là cao đối với bộ phận học sinh có học lực yếu kém, học sinh nhóm dân tộc thiểu số và học sinh sinh sống ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Còn một số nội dung ở chương trình một số môn học cấp THPT chưa thực sự cơ bản, làm cho khối lượng kiến thức gia tăng quá mức; Còn có sự trùng lặp nội dung ở một số môn học như như: Sinh học và Công nghệ; Hoạt động ngoài giờ lên lớp và Giáo dục công dân; Giáo dục hướng nghiệp và Nghề phổ thông.
Ngoài ra, có sự không phù hợp giữa dung lượng kiến thức (thể hiện qua tổng số môn học và hoạt động giáo dục) và thời lượng học tập cũng như có sự không phù hợp giữa chương trình giáo dục với điều kiện cơ sở vật chất nhà trường và trình độ của một bộ phận giáo viên.
Về SGK, các đánh giá tập trung vào việc phê bình nhiều thuật ngữ khoa học trình bày trong một số cuốn sách giáo khoa còn khó, trừu tượng hoặc chưa chuẩn xác, chưa nhất quán trong một lớp, giữa các lớp, giữa các cấp học; Cách dùng từ, thuật ngữ, khái niệm, kí hiệu, cách tiếp cận giữa SGK theo chương trình chuẩn và sách giáo khoa nâng cao ở một số môn học cấp THPT có chỗ chưa thống nhất, gây khó khăn nhiều cho giáo viên, học sinh như SGK các môn Vật lí, Toán, Ngữ văn; Nhìn chung, nội dung SGK chưa tính đến điều kiện vùng miền, do đó chưa phù hợp với học sinh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Bộ GD&ĐT sẽ làm gì?
Theo Bộ GD&ĐT, nơi này sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức các đánh giá toàn diện về CT-SGK ở các năm học tiếp theo (2008-2009, 2009-2010, có thể 2010-2011 cho lớp 12) để tiếp tục thu thập các ý kiến về CT-SGK sau một số năm triển khai, từ đó có hướng dẫn điều chỉnh nội dung và cách dạy từng môn một cách phù hợp.
Căn cứ kết quả đánh giá một số năm với từng loại SGK, nếu có đầy đủ các thông tin về chất lượng kém, có thể sẽ quyết định viết lại. Đồng thời, ngay từ bây giờ bắt đầu triển khai các nghiên cứu để xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông mới, triển khai sau năm 2010.
Bộ GD&ĐT cho biết sẽ thực hiện ngay một số giải pháp: Điều chỉnh lại kế hoạch dạy học, rút bớt thời lượng học tập ở mỗi tuần, đảm bảo tối đa ở Tiểu học là 25 tiết/tuần, THCS là 28 tiết/tuần và THPT là 29 tiết/tuần để không gây quá tải cho cả giáo viên và học sinh; Xem xét, điều chỉnh một số môn học từ bắt buộc sang tự chọn; Từ ngày 1/7/2008, khai trương mục “Góp ý SGK” trên trang tin điện tử của Bộ để mọi người dân có thể đóng góp trực tiếp.
Đăng Khoa
▪ Những chuyện “độc nhất vô nhị” trong kỳ thi tốt nghiệp (02/06/2008)
▪ Con thi, bố mẹ cũng đi thi (31/05/2008)
▪ 3 ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2008: Vẫn còn nhiều sự cố (31/05/2008)
▪ Hoa khôi có thành tích học tập tốt nhất (30/05/2008)
▪ Phát hiện một trường hợp thi hộ tốt nghiệp THPT (30/05/2008)
▪ “Cô gái vàng gameshow” và ước mơ làm từ thiện (29/05/2008)
▪ Tấm lòng của các em học sinh lớp 1A14 (29/05/2008)
▪ Hơn 1,2 triệu học sinh thi tốt nghiệp THPT (28/05/2008)
▪ Người Việt trẻ hết lòng vì mầm xanh Việt (27/05/2008)
▪ Bị mù vẫn đạt giải nhất học sinh giỏi (24/05/2008)