Chuyển đào tạo theo phương pháp tín chỉ: Chuyển đào tạo theo phương pháp tín chỉ:
Các Website khác - 01/10/2008

 

 

Hanoinet - Việc Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường phải khởi động việc chuyển đổi sang đào tạo theo hình thức tín chỉ trong những năm tới đã đặt các trường vào thế không thể ngồi yên. Nhiều trường ĐH lớn như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐHQG Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương... có thế mạnh về cơ sở vật chất, nguồn tài liệu tham khảo, thiết bị thực hành, thí nghiệm, đội ngũ giảng viên... nhưng thời gian qua vẫn đứng ngoài cuộc. Vừa qua, vấn đề này lạiđược Bộ nhấn mạnh hơn và yêu cầu các trường phải tích cực chuyển đổi để năm 2010, 100% các trường có thể thực hiện đào tạo theo phương thức tín chỉ, nhưng bản thân các trường thì vẫn lúng túng trong việc tìm kiếm kinh nghiệm vàmột lộ trình hợp lý để thực hiện.

 

Thực tế, rất nhiều trường ĐH đã bắt đầu việc nghiên cứu, chuẩn bị cho đào tạo tín chỉ từ các năm trước. Có trường đã thành lập ban triển khai đào tạo tín chỉ, thực hiện các đề án nghiên cứu về đào tạo tín chỉ và tổ chức đến các trường đã thực hiện đào tạo tín chỉ để học tập kinh nghiệm. Một số trường ĐH đang thực hiện chương trình tiên tiến nhưng lại chưa có sự chuẩn bị về việc chuyển sang đào tạo tín chỉ bởi có không ít khó khăn nhìn thấy được.

Khó khăn đầu tiên là công tác quản lý. Khi đào tạo theo phương pháp tín chỉ, nhiều việc của công tác quản lý sẽ phải thực hiện bằng công nghệ thông tin. Nếu trường nào không đầu tư tốt cho công nghệ thông tin thì sẽ gặp khó khăn. Từ việc xây dựng chương trình, bố trí lịch dạy cho giảng viên, theo dõi thời khoá biểu riêng của sinh viên, tín chỉ tích luỹ của sinh viên, công khai điểm thi...Vấn đề học liệu, giáo trình cũng là một khó khăn. Muốn đào tạo tín chỉ thực sự phải xây dựng lại chương trình, giáo trình. Để chuyển sang đào tạo tín chỉ, giảng viên cũng phải đổi mới phương pháp…

Một khó khăn nữa về phía người học, đó là ý thức học tập của sinh viên phải có đột phá. Bởi nếu bỏ điều kiện dự thi, có nghĩa sinh viên không cần đến lớp học, nếu sinh viên không có ý thức xây dựng cho mình một chương trình học chủ động sẽ dẫn đến việc kiến thức bị hổng và để đạt yêu cầu, rất có thể sẽ lại xuất hiện tình trạng "chạy điểm".

Nhiều vấn đề khác cũng được đặt ra qua kinh nghiệm của một số trường đã thực hiện tín chỉ và trường đang vào cuộc, đó là kinh phí để thực hiện việc chuyển đổi, tăng diện tích phòng học, trang thiết bị khác phục vụ quá trình tự nghiên cứu và thực hành thí nghiệm của sinh viên. Bởi khi thực hiện tín chỉ, sinh viên sẽ được chia nhỏ theo nhu cầu học…

Tuy có khó khăn nhưng một số trường ở Hà Nội đã triển khai mô hình chế tín chỉ hoàn toàn như ĐH dân lập Thăng Long, hoặc chế tín chỉ chưa hoàn toàn như ĐH Xây dựng Hà Nội. Việc đi tiên phong trong chuyển mô hình đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ đã gặp nhiều khó khăn lúng túng do triển khai vẫn mang tính tự phát, nhưng vẫn cho thấy hiệu quả đào tạo của phương thức mới này.

Đại học Xây dựng thời gian đầu thực hiện tín chỉ ở 5/12 ngành học, với cách chia ra các môn học thuộc phần cứng và phần mềm. Sinh viên từ năm 2 trở lên mới học theo tín chỉ. 30% sinh viên học theo phương thức này tốt nghiệp sớm. ĐH dân lập Thăng Long được coi là thực hiện tín chỉ triệt để, để tốt nghiệp sinh viên phải có 210 tín chỉ tích luỹ, mỗi năm tối thiểu tích luỹ được 45 tín chỉ. Chương trình học cũng được xây dựng theo hai phần cứng và mềm. Sinh viên năm đầu có 10% môn mềm, và tăng dần lên theo năm học. 15% sinh viên tốt nghiệp sớm (3,5 năm). Tại đây, nhiều sinh viên tốt nghiệp 2 ngành học chỉ trong vòng hơn 4 năm, do các ngành học mà sinh viên đăng ký số tín chỉ chung. Tính từ đầu khóa học, những sinh viên có tối thiểu 60% số tín chỉ tích lũy quy định của ngành đang học và có điểm trung bình chung tích lũy từ 70 trở lên được đăng ký học thêm ngành chuyên môn ở cùng nhóm ngành tại trường đang học. Do sự cho phép của chương trình mềm dẻo, có những sinh viên đổi ngành học ngay trong quá tình học tập mà không phải học lại từ đầu.

Lãnh đạo ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết: Mặc dù đã chuẩn bị cho việc đào tạo tín chỉ từ hơn 2 năm qua, nhưng năm học này trường mới áp dụng và chỉ thực hiện ở một vài loại hình, ngành đào tạo có quy mô sinh viên ít. Bởi không nên triển khai đại trà 100% mà phải xây dựng lộ trình thực hiện dần dần. Có thể vẫn nên duy trì hai hình thức đào tạo: Niên chế và tín chỉ. Học viện Bưu chính viễn thông cũng nghiên cứu về tín chỉ từ năm 2002, nhưng chưa thực hiện được do số sinh viên chuyên ngành quá ít. Nếu thực hiện tín chỉ, sẽ phải tổ chức lớp học theo nhu cầu của người học, kinh phí thực hiện sẽ khó khăn. Hơn nữa phải có thời gian để chuẩn bị xây dựng lại hệ thống chương trình, học liệu. Có thể phải năm 2009, trường mới bắt đầu thực hiện.

 

Nhiều trường ĐH khác đến thời điểm này mới bắt đầu lập đề án nghiên cứu để triển khai đào tạo tín chỉ. Như vậy, với số ít năm để chuẩn bị đủ điều kiện chuyển sang đào tạo tín chỉ, các trường sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Lãnh đạo nhiều trường ĐH kiến nghị Bộ nên giúp các trường xây dựng phần mềm quản lý đào tạo tín chỉ, còn Bộ GD&ĐT lại khuyến khích các trường có thể chia sẻ nguồn giáo trình, tài liệu dùng chung.

 

Hiền Minh