![]() |
Sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM trao đổi với luật sư - nhà tuyển dụng về kỹ năng cần có của sinh viên khi tốt nghiệp ra trường. Ảnh: H.Minh |
“Có thể nói kỹ năng hiện nay của sinh viên là con số 0. Đây là phần yếu nhất của sinh viên vì thiếu sự rèn luyện tư duy và động não”. Bà Nguyễn Thu Giao, Giám đốc nhân sự Công ty Interflour Việt Nam, nhận xét như vậy về chất lượng của sinh viên ra trường dưới góc độ nhà tuyển dụng.
Yếu kém ở nhiều kỹ năng
Bà Nguyễn Thu Giao cho rằng không ít những sản phẩm “ra lò” đạt chất lượng cực kỳ kém ở các kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, làm việc đội, nhóm. Yếu kém còn thể hiện ở chỗ sinh viên ra trường không soạn thảo được một văn bản ở dạng đơn giản nhất, thậm chí viết sai lỗi chính tả.
Theo ông Chung Bửu Long, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ khách hàng Khu Công nghiệp Mỹ Phước – Bình Dương, nhiều sinh viên không tự trang bị cho mình kiến thức phổ thông hay những sự kiện quan trọng của đất nước để phục vụ công tác giao tiếp, đàm phán... dẫn đến những sai sót đáng tiếc. Ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc nhân sự Công ty Harvey Nash Việt Nam, kể chuyện từ thực tế: Đã có trường hợp, khi đọc bài dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt về một chuyên đề kinh tế của một cử nhân Anh văn, người chấm bài đã không nhịn cười được vì sự ngô nghê yếu kém về kiến thức xã hội.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Giám đốc nhân sự Công ty Friesland Foods Dutch Lady Vietnam, kể lại chuyện không phải là hiếm nhưng rất nhiều kỹ sư cơ khí khi ra trường hoàn toàn không đọc được catalogue của một cái máy đơn giản để biết đó là loại nào, hoạt động ra sao, kết nối với hệ thống như thế nào. Ông Thiết cũng đưa ra thêm một thực tế: Các giáo trình ĐH vẫn thường dùng các từ thuần Việt cho những chi tiết kỹ thuật như: long đền, trục, ổ bi... nhưng khi ra trường, sinh viên phải đọc các tài liệu kỹ thuật nước ngoài thì hoàn toàn không hiểu hoặc không thể liên hệ với những gì đã học ở trường.
Tay nghề thực hành của sinh viên cũng thể hiện sự yếu kém do thiếu sự rèn luyện. Ông Nguyễn Hữu Thiết cũng chứng kiến nhiều sinh viên đứng trước một thiết bị đơn giản bị hỏng không biết cách tháo ráp từng bộ phận thứ tự ra sao.
Trong khi đó, những môn học ở trường thì nhiều, nhưng không hề để lại dấu ấn và dường như sinh viên không thể liên hệ được trong rất nhiều kiến thức đã học những gì là phù hợp cho công việc sẽ làm. Trong khi đó, phải tự tay tháo một động cơ, một cỗ máy ra, thay phụ tùng bị hỏng hóc, rồi ráp lại thì họ mới nhớ và khi gặp trường hợp tương tự, không còn bỡ ngỡ. Ông Thiết đề nghị giáo dục ĐH nên được định hướng đào tạo nhiều về thực hành hơn là quá nặng về lý thuyết.
Giải pháp thợ cả kèm sinh viên
Những yếu kém này, theo ông Phan Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty PETECH, bắt nguồn từ thời lượng thực tập quá ít. Giáo viên truyền thụ kỹ năng vừa thiếu vừa yếu. Ông Dũng đề xuất: Bộ GD-ĐT nới lỏng chương trình khung để nhà trường chủ động hơn trong việc bố trí thời lượng và thuê những kỹ thuật viên giỏi (theo thời vụ) để đào tạo kỹ năng cho sinh viên. Đối với các ngành như điện - điện tử, cơ khí cũng phải mời các chuyên gia và thợ lành nghề đến trường truyền thụ kỹ năng cho sinh viên. Thời lượng các giáo viên thời vụ, đào tạo kỹ năng cho sinh viên không nhất thiết phải nhiều nhưng phải đều đặn. Ví dụ mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi 2 giờ và nên thực hiện ngay từ khi sinh viên mới nhập học, để được học những kỹ năng cơ bản nhất.
Báo cáo của Quỹ Giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ về hiện trạng giáo dục ĐH trong một số ngành học cũng đã chỉ rõ sự mất cân đối giữa các giờ học lý thuyết và giờ học thực hành/áp dụng. Do đó, họ đề nghị cần thiết kế nhiều hơn nữa giờ học thực hành, ứng dụng thực tiễn. Cần tăng cường giảng dạy bằng tiếng Anh và tạo nhiều cơ hội để phát triển kỹ năng nghề nghiệp thông thường (làm việc nhóm giao tiếp và viết bằng tiếng Anh...) thông qua hoạt động trong lớp và trong thực tế cuộc sống.
Trên 50% sinh viên tốt nghiệp phải đào tạo lại Khảo sát 234 nhà tuyển dụng và 3.364 sinh viên (năm cuối và đã tốt nghiệp) từ 20 trường ĐH trong đề tài “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH” do Trường ĐH Sư phạm TPHCM thực hiện cho thấy, cả sinh viên tốt nghiệp và doanh nghiệp đều có chung đánh giá là trên 50% số sinh viên tốt nghiệp phải được đào tạo lại với lý do chủ yếu là chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Trong đó, 36,3% số doanh nghiệp đã trả lời sinh viên phải được đào tạo lại các kỹ năng, 28,3% phải đào tạo lại chuyên môn và 33,6% phải đào tạo lại cả kỹ năng và chuyên môn. |
▪ Cơ hội du học cho học sinh trượt tốt nghiệp (23/09/2008)
▪ Bài 1: Một ngày ở Học viện Hàm Rồng (23/09/2008)
▪ Khát nhân lực giảng dạy đại học (23/09/2008)
▪ Học trò trường huyện viết phần mềm diệt virus (22/09/2008)
▪ Bộ GD-ĐT rút kinh nghiệm vụ "múa nguyên thủy" FPT (22/09/2008)
▪ Chỉ có 6% trẻ khuyết tật học xong phổ thông trung học (22/09/2008)
▪ Ngày 2/10 hàng năm là “Ngày Khuyến học Việt Nam” (20/09/2008)
▪ Khánh thành Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Kon Rẫy (20/09/2008)
▪ Trường chuẩn quốc gia cắt xén khẩu phần ăn HS (20/09/2008)
▪ Sử dụng điện thoại trong lớp học, nên hay không? (19/09/2008)