Hanoinet - Từ hành động "phản cảm" của 2 SV Trung tâm FPT Arena, Bộ GD-ĐT cần xem xét một cách nghiêm túc để từ đó rút kinh nghiệm cho việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV. Vì đây là hiện tượng rất "lạ" đối với người Việt Nam.
Ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, Bộ GD-ĐT đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Sau khi sự việc xảy ra, Bộ vẫn chưa nhận được báo cáo của trường nên chúng tôi vẫn chưa biết cụ thể sự việc như thế nào. Ngày 18/9, chúng tôi đã có văn bản yêu cầu Hiệu trưởng Trung tâm FPT Arena báo cáo lại vụ việc và đề xuất hướng xử lý những vấn đề liên quan. Đây là việc Bộ GD-ĐT đã xử lý đứng về góc độ quản lý Nhà nước.
Tôi cho rằng, rất đáng tiếc đã xảy ra sự việc như vậy, bởi vì việc này nằm ngoài thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, nhất là lại được tổ chức ở một nơi trang trọng và một thời điểm trang trọng. Có thể sự việc này là "sự cố" nằm ngoài tầm kiểm soát của Ban tổ chức nhưng với "thời lượng" kéo dài đến 2 phút thể hiện trên sân khấu, tôi cho rằng rất nhiều người phải chịu trách nhiệm về chuyện này.
Việc đã xảy ra, đông đảo dư luận đã biết đến "câu chuyện thuần phong mỹ tục" này. Vậy theo ông, hướng xử lý sẽ như thế nào?
- Theo quy định, Bộ GD-ĐT đã phân cấp để các trường xử lý những sự việc như thế này. Nhưng, như tôi đã nói, Bộ chưa nhận được báo cáo cụ thể từ phía trường. Tuy nhiên, qua thông tin trên báo chí thì thấy, việc này Bộ cần xem xét một cách nghiêm túc để từ đó rút kinh nghiệm cho việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV. Vì đây là hiện tượng rất "lạ" đối với người Việt Nam.
Khi đã kiểm điểm nghiêm túc thì mới có thể tạo ra cái nền cho việc giáo dục đạo đức, lối sống. Song song với việc học tập thì việc rèn luyện đạo đức để vận dụng vào đời sống xã hội mới là việc quan trọng.
Thực tế hiện nay, có nhiều bạn trẻ chọn lối sống rất "mở"mà ông gọi đích danh là "ngoài thuần phong mỹ tục" như câu chuyện trên. Ông có nghĩ việc giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường đã hoàn thành vai trò của mình?
- Theo tôi, hầu hết HSSV hiện nay nhận thức tốt, là nhóm dân cư có nhiều khả năng phát triển trong xã hội, là "chủ nhân tương lai của đất nước". Liên quan đến vấn đề đạo đức lối sống, mỗi người phải tự nhận thức cái gì phù hợp với thuần phong mỹ tục, với lối sống của người Việt Nam.
Còn trong quy chế của Bộ GD-ĐT thì không quy định những tình huống cụ thể, ví dụ như "sự cố" vừa rồi thì phải xử lý thế nào. Do đó, các nhà trường phải dựa vào quyền hạn của mình để giải quyết.
Cụ thể, từ năm 2007, Bộ đã ban hành quyết định về việc thực hiện công tác giáo dục, phẩm chất chính trị đạo đức lối sống trong nhà trường. Từ quy định này, mỗi trường phải triển khai xây dựng thành bộ ứng xử, trong đó có ứng xử văn hóa. Trong việc này, có nhiều trường có nề nếp tốt, nhưng nhiều trường chưa làm được, chỉ đơn giản như việc SV gặp thầy giáo phải chào hỏi thì một số trường cũng chưa làm được.
Tình trạng trên có xuất phát từ chương trình giáo dục còn cứng nhắc và xa rời thực tiễn hay không, thưa ông?
- Không nên đổ hết cho chương trình giáo dục vì chương trình chỉ là cái khung, dạy những môn học cơ bản. Còn đạo đức, lối sống là phải do rèn luyện thành kỹ năng. Theo tôi, liều lượng giảng dạy những môn có liên quan đến đạo đức, lối sống trong trường phổ thông hiện nay là vừa phải, vấn đề là vận dụng trong thực tiễn như thế nào. Nếu chỉ học riêng về đạo đức lối sống mà không chú ý về tri thức thì chắc chắn sẽ bị lệch. Cho nên, người có đạo đức, tri thức có lối sống tốt nhất trước hếtphải là học tập tốt.