Hanoinet- Ông Trần Mậu Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, khẳng định: “Không nghiêm cấm HS sử dụng ĐTDĐ sẽ xảy ra nhiều chuyện lắm!”.
Giờ ra chơi, giám thị của một trường THCS phát hiện một nhóm học sinh (HS) mải mê chụm đầu trước màn hình điện thoại di động (ĐTDĐ) rồi cười khúc khích. Quá đỗi ngạc nhiên, giám thị tiến đến gần và hỡi ôi, các nữ sinh đang xem những tấm hình khoe… ngực mà tác giả tự biên, tự diễn là một nữ sinh lớp 7 của trường.
Cả “thế gian” trong “dế”
Ông Trần Mậu Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, khẳng định: “Không nghiêm cấm HS sử dụng ĐTDĐ sẽ xảy ra nhiều chuyện lắm!”. Lệnh cấm sử dụng ĐTDĐ (“dế”) đã áp dụng ở trường từ 3 năm qua và đầu năm học mới, nhà trường đặc biệt nhấn mạnh nội quy cấm mang “dế” vào trường, lớp đến toàn thể phụ huynh học sinh (PHHS).
Trong biên bản họp PHHS vào đầu năm học, một số PHHS đề nghị cho HS được dùng ĐTDĐ (loại không đắt tiền) ngoài giờ học hoặc gửi điện thoại cho giám thị trường, sau khi tan học mới cầm về. Hiệu trưởng Trường Trần Văn Ơn vẫn kiên quyết với nội quy cấm sử dụng ĐTDĐ và HS nào bị phát hiện mang ĐTDĐ sẽ bị trường tịch thu và chỉ được nhận lại vào cuối học kỳ. Bởi, nhà trường đã cho lắp đặt 2 máy điện thoại công cộng ngay trong sân trường, cho cả số ĐTDĐ của hiệu trưởng để PHHS có thể nhắn gửi, dặn dò con bất cứ khi nào.
Cũng giống như Trường THCS Trần Văn Ơn, từ vài năm qua, nhiều trường học đã “nói không với ĐTDĐ” khi ĐTDĐ dần trở nên phổ biến. Hiệu trưởng một trường THCS đưa chúng tôi xem những tấm hình trong ĐTDĐ mà trường tịch thu được. 2 nữ sinh vào toilette nam ở một quán cà phê, làm hành động như đấng mày râu, tay giả bộ đưa xuống lưng quần nhưng quay mặt về phía người chụp với nụ cười tươi rói đầy vẻ tinh nghịch. Hoặc hình ảnh một HS bị bạn tát tai cũng được lưu giữ trong máy để làm… bằng chứng đem hù dọa những bạn yếu bóng vía. Thậm chí, chuyện một giáo viên ở quận 10 bị học trò dùng ĐTDĐ cảnh báo sẽ “bỏ bom” đến giờ vẫn chưa tìm ra thủ phạm.
Không chỉ dừng lại ở chức năng liên lạc thông tin, ĐTDĐ có đầy đủ chức năng quay phim, chụp hình đã trở thành công cụ đắc lực cho chủ nhân muốn trổ tài làm… đạo diễn, diễn viên. Do vô tình hay cố ý, những hình ảnh riêng tư lọt ra ngoài để lại nhiều hậu quả cho khổ chủ.
Kể từ sau “vụ án Vàng Anh”, các clip sex quay bằng ĐTDĐ do thế hệ 9x “thủ vai” không phải là chuyện hiếm. PHHS Lạng Sơn phát hoảng trước cảnh nóng “yêu” nhau của 2 học sinh lớp 10 quay bằng ĐTDĐ. Mới đây, giới tuổi teen lại xôn xao về clip “mây mưa” của đôi học sinh lớp 9 ở Quảng Bình được thực hiện trong một khu rừng và cũng quay bằng ĐTDĐ.
Hậu quả từ ĐTDĐ dù chấn động dư luận nhưng không phải trường học nào cũng cấm. Ông Lê Huy Cảnh, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Hiền, giải thích quan điểm: “Số đông HS sử dụng ĐTDĐ vì mục đích thông tin, do vậy trường chỉ cấm sử dụng trong giờ học, chứ không cấm HS mang ĐTDĐ đến trường”. Ông Trần Lung, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng, nói: “Tuy biết HS có ĐTDĐ gây nhiều phiền toái nhưng trường chưa ra lệnh cấm vì chưa có máy điện thoại công cộng đảm bảo nhu cầu liên lạc của HS với gia đình. Sắp tới, chúng tôi sẽ cho lắp máy điện thoại cố định tại trường, đến chừng đó sẽ cấm quyết liệt ĐTDĐ”.
Thà trễ giờ chứ không thiếu “dế”
ĐTDĐ đang dần trở thành vật bất ly thân đối với HS, hầu như trường nào cũng có HS sử dụng ĐTDĐ. Chuyện HS lớp 4, lớp 5 rành rẽ ĐTDĐ giờ “xưa như Diễm”. Trường vùng ven như Nguyễn Hiền ước đoán khoảng 50% HS có dế. Tỷ lệ này ở Trường THCS Kim Đồng khoảng 30%.
Trường THCS Phan Sào Nam không cho HS mang ĐTDĐ nhưng mỗi năm cũng có chục máy mang lén vào trường bị giám thị tịch thu. HS học lớp càng cao, tỷ lệ sử dụng ĐTDĐ càng tăng. Kim Hồng, HS lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn, vừa trả lời câu hỏi của chúng tôi vừa thoăn thoắt bấm bàn phím nhắn tin: “Hầu hết các bạn trong lớp của em đều có “dế”. Đi học quên “dế” là học không vô, em phải chạy về nhà lấy. Thà trễ giờ chứ không thể thiếu “dế”.
Đối với một bộ phận HS, “dế” thể hiện phong cách và đẳng cấp của chủ nhân nên được các em nâng niu như đồ trang sức, không tiếc tiền đầu tư, nâng cấp để “hàng” càng “độc” càng dễ gây ấn tượng và dễ… bán. Một HS trường THPT B.P vì “cần tiền ra Hà Nội chơi” đã không ngại ngần rao bán gấp trên mạng chiếc điện thoại Nokia N72. Giá thị trường là 3,5 triệu đồng nhưng chủ nhân chỉ bán 2,5 triệu đồng thôi.
Cha mẹ sắm cho con ĐTDĐ là để tiện bề liên lạc trong đưa rước con nhưng không phải ai cũng quản lý được ĐTDĐ của con. Những trường cấm HS sử dụng ĐTDĐ có thể yên tâm phần nào nhưng hoàn toàn bất lực với những trường hợp HS ra trước cổng trường mới lấy máy ra. Còn Ban giám hiệu của những trường cho phép HS sử dụng ĐTDĐ biết sẽ có HS lưu trữ trong máy nội dung không lành mạnh nhưng trường không thể vô duyên, vô cớ đi kiểm tra ĐTDĐ của HS.
TS Huỳnh Văn Sơn: Cần hướng dẫn trẻ hiểu giá trị đích thực của ĐTDĐ Có một thực tế là chúng ta chưa thống nhất việc cấm hay không cấm HS sử dụng ĐTDĐ. Quan điểm của cá nhân tôi, khó có thể cấm cản được HS sử dụng ĐTDĐ vì đó là tài sản cá nhân của các em. Mặt khác, việc sử dụng ĐTDĐ hay cấm sử dụng ĐTDĐ hiện nay chưa được thể chế hóa. Bản thân ĐTDĐ và người dùng ĐTDĐ không có tội và ĐTDĐ như là một “nhật ký” của người sử dụng mà người khác không thể tự ý kiểm soát, lục lọi. Người lớn cần hướng dẫn trẻ hiểu giá trị đích thực của ĐTDĐ, giá trị văn hóa giao tiếp khi sử dụng ĐTDĐ. Đồng thời, yêu cầu con trẻ tuân thủ một số quy định như tắt máy trong giờ học, tắt máy sau 10 giờ đêm, không lưu trữ hình sex, phim sex… Đối với những trường cho xài ĐTDĐ, nhà trường cần báo kịp thời cho cha mẹ HS biết nếu phát hiện ĐTDĐ chứa đựng nội dung không lành mạnh. |