|
Để giữ gìn một môi trường học đường trong lành cần phải có nỗ lực nâng cao năng lực sư phạm từ người thầy. Ảnh: Lê Hồng Thái |
Bạo lực trong nhà trường diễn ra ngày càng nhiều, và ngày càng nghiêm trọng, cho dù chủ thể của hành động này là người lớn hay trẻ em
Buổi toạ đàm về “Bạo lực trẻ em trong nhà trường, thực trạng và giải pháp” do sở Lao động thương binh và xã hội TP.HCM tổ chức sáng hôm qua, 25.12.2008, một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Nữ bắt đầu vượt qua bình đẳng về chuyện hung hăng
Một tư vấn viên ở trường THCS Phú Mỹ, quận Bình Thạnh cho biết tại buổi toạ đàm rằng bà đã xử lý rất nhiều trường hợp học sinh đánh nhau với nhiều nguyên nhân vô lý như “tại nó học giỏi”, “ai biểu hỏi không trả lời”, “cột tóc thấy ghét”... Lý do dẫn đến những vụ xô xát ẩu đả giữa học sinh nhiều khi thường rất nhỏ, đến mức không thể gọi đó là nguyên nhân. Theo số liệu công của cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em thuộc bộ Lao động thương binh và xã hội, trong thời gian từ năm 2005 đến 2007, trong khi xâm hại bạo lực ở gia đình chỉ tăng gấp ba lần, ở cộng đồng tăng gấp bảy lần thì ở trường học tăng đến 13 lần so với những năm trước đó. Hành vi bạo lực trong học sinh diễn ra ngày càng phức tạp, táo bạo, thường xuyên hơn và nguy hiểm hơn. Đặc biệt là việc các băng nhóm học đường xuất hiện ngày càng nhiều, băng nhóm nữ nhiều hơn nam. Thái độ vô tâm không tố giác hành vi xấu của nhau trong học sinh cũng là điều rất đáng báo động.
Nhiều đại biểu đồng ý rằng ngoài các nguyên nhân về tâm lý lứa tuổi, môi trường gia đình và xã hội là hai yếu tố quan trọng tác động đến sự gia tăng hành vi bạo lực ở học sinh. Hành vi này thường là để tự khẳng định; tự vệ khi mất niềm tin vào sự công bằng, công tâm của thầy cô; sai lệch trong định hướng các giá trị. Game bạo lực, web đen, phim ảnh xấu, truyền thống bạo hành ở cha mẹ... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thói hung hăng của trẻ.
Yếu nghiệp vụ nên mới bạo hành
Phần lớn học sinh khi tiếp xúc với chuyên viên tư vấn đều cho biết từng bị xâm hại với các hình phạt về thân thể và tinh thần. Nhẹ thì bị đánh bằng thước vào mông vào tay, bị mắng nhiếc. Nặng hơn thì bị ngậm phấn, quỳ gối, thậm chí xúc phạm nhân phẩm. Hậu quả dẫn tới là trẻ dễ bị stress, xấu hổ, sợ trường học. Các thống kê cho thấy trẻ là nạn nhân của bạo lực có nguy cơ tự sát cao hơn bạn cùng học. Những em bị bạo hành thường xuyên có xu hướng trở nên hung hăng, lì lợm, và thích bắt nạt bạn bè hơn. Theo bà Phan Thanh Minh, trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em của sở Lao động thương binh và xã hội TP.HCM, nhiều giáo viên hiểu trừng phạt trẻ em là không tốt nhưng do chưa biết cách xử lý phù hợp và không kềm chế được nên đã có hành vi bạo hành. Giáo viên bạo hành với học sinh thường bị bỏ qua hoặc rất khó phát hiện, và chỉ được dư luận quan tâm khi có vụ việc nghiêm trọng.
Theo ông Võ Phi Châu, phó phòng Giáo dục quận 4, nếu nghiên cứu cho thấy phần lớn bạo hành đối với học sinh có nguyên nhân do nghiệp vụ sư phạm kém, thiếu kỹ năng sư phạm, do áp lực thành tích, thì phải giải quyết gốc rễ vấn đề này, đừng đổ thừa cho nền kinh tế. Ông Châu đề xuất: cần tăng cường dân chủ hoá trường học. Tại một số trường ở quận 4 cho thấy tình trạng vi phạm đạo đức của cả giáo viên và học sinh có chuyển biến tích cực khi các trường đặt hòm thư để học sinh có ý kiến trực tiếp với hiệu trưởng. Ngoài ra, cần lập trung tâm tư vấn và phòng tư vấn học đường. Các nghiên cứu đều cho thấy khi bị bức xúc, bạo hành hay mâu thuẫn khó giải quyết, phần lớn học sinh chọn các tư vấn viên chứ không chọn cha mẹ hay thầy cô.
Bà Lê Thị Thanh Nhã, phó phòng văn hoá – gia đình sở Văn hoá thể thao và du lịch đề xuất mở các lớp bồi dưỡng kiến thức tâm lý, ứng xử tình huống sư phạm cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học và THCS. Ngành giáo dục cũng nên xem lại đầu vào của các trường sư phạm, đừng cho ra trường những giáo viên kém phẩm chất. Đây cũng là một ý kiến được đa số các đại biểu đồng tình.
Theo SGTT
▪ Hơn 500 nghìn lượt giáo viên học cách dạy học sinh (26/12/2008)
▪ Muốn bảo lưu kết quả học ĐH? (26/12/2008)
▪ “Choáng” với thành tích của “ông cụ non” Đỗ Nhật Nam (26/12/2008)
▪ Mái nhà xanh - ngôi nhà thứ hai của bé (25/12/2008)
▪ Chương trình THPT năng khiếu danh dự tại Taylors College (Úc) tuyển sinh thế nào? (24/12/2008)
▪ Đừng làm khổ con vì mốt du học (24/12/2008)
▪ Đảm bảo quyền lợi sinh viên (23/12/2008)
▪ Góp ý dự thảo chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020 (23/12/2008)
▪ Cận thị học đường gia tăng: Dễ gây mù nếu bị nặng (22/12/2008)
▪ Hội chứng “ngoại tình” và đem con bỏ chợ (20/12/2008)