Để thành công: Kiến thức chỉ chiếm 25%
Các Website khác - 01/12/2008

 

Ngày 30/11, Ngày Hội Học sinh THPT lần 1 năm  2008 đã được tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM. Hàng ngàn bạn trẻ đến từ nhiều trường THPT ở TPHCM và các tỉnh lân cận đã đến tham dự nhiều trò chơi, văn nghệ, các hoạt động ngoại khóa.

Trong đó, buổi giao lưu với các chuyên gia tâm lý và giáo dục là hoạt động được học sinh các trường THPT hưởng ứng và thích thú nhất.

Học nghề vẫn là "cánh cửa rộng" mang đến nhiều cơ hội cho thí sinh rớt ĐH-CĐ - Ảnh: M.QUYÊN (Thanh Niên).
Kiến thức không phải là tất cả!

Tại buổi giao lưu trong ngày hội, với sự tham dự của TS. Hồ Thiệu Hùng (Viện Nghiên cứu Giáo dục), TS. Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn, Th.S Nguyễn Trịnh Khánh Linh (Giám đốc Tổ chức đào tạo và phát triển Dale Carnegie Training), các bạn học sinh đã đến ngồi kín hội trường Nhà văn hóa Thanh Niên để nghe những lời tư vấn hết sức chân tình.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Giáo dục, để vào đời thành công, kiến thức chỉ chiếm tỷ lệ 25%, còn lại phụ thuộc vào các kỹ năng mà các bạn trẻ tự trang bị cho mình.

TS. Hồ Thiệu Hùng đưa ra một hình ảnh: Nếu đưa một người thầy rất giỏi nhưng chỉ dạy lý thuyết tập bơi, không ai có thể biết bơi được. Điều quan trọng nằm ở chỗ, bạn có chìm khi tập bơi không.

Cũng theo nghiên cứu, nhiều bạn cứ học, học nữa, học mãi mà không dám bước ra đời. Ở nước ta hay quan niệm “học là biết tất cả”. Đây là quan niệm hết sức sai lầm.

TS. Huỳnh Văn Sơn kể lại một câu chuyện rất thật về quá trình đi tìm cơ hội cho mình. Ngày anh vừa học xong một khóa học về tư vấn ở Singapore về nước, có rất nhiều lời mời tham gia tư vấn nhưng anh đều từ chối vì… chưa tự tin về giọng nói của mình.

Nhưng trong một lần hiếm hoi nhận lời tư vấn trên Đài tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh, ông giám đốc ôm chặt anh sau buổi tư vấn và khen anh nói quá tuyệt. Từ đó anh có thêm rất nhiều cơ hội để tư vấn. Anh Sơn cho rằng: Việc tìm cơ hội cho mình là điều mà các bạn trẻ đang rất thiếu và cần thiết phải phát huy nếu muốn thành công khi bước vào đời.

Th.S Nguyễn Trịnh Khánh Linh góp ý: Các bạn trẻ rất cần thiết phải tự định hướng cho con đường đi của mình. Ngày chị tham dự một buổi họp tại New York, được đặt một câu hỏi: “Tầm nhìn của chị như thế nào?”.

Chị Linh đã trả lời rằng mình muốn làm một lãnh đạo thành công. Câu trả lời tưởng chừng rất “hoành tráng” ấy đã bị “vặn vẹo” khiến chị không thể trả lời được nữa: “Thành công là như thế nào?”. Đến bây giờ, sau thời gian làm việc hết sức mình, đặt nhiều mục tiêu chiến lược và hoàn thành, chị mới dám tự nhận mình có đôi chút thành công.

Chọn nghề theo sở trường hay sở thích?

Trong buổi giao lưu, các bạn học sinh từ nhiều trường đã rất sôi nổi trong phần đặt câu hỏi với các chuyên gia. Những câu hỏi đa phần đều xoay quanh vấn đề các bạn cảm thấy khó nghĩ nhất: Chọn nghề nghiệp như thế nào để học và làm việc?

6 đòn bẩy để thành công

Cuối buổi giao lưu, Th.S Nguyễn Trịnh Khánh Linh đã đúc rút 6 đòn bẩy để các bạn trẻ có thể trang bị và thành công khi bước vào đời: sự tự tin, kỹ năng giao tiếp, đối nhân xử thế, kỹ năng lãnh đạo, thái độ tích cực, lạc quan trước những điều đang làm và có sự định hướng, tập trung rõ ràng cho tương lai.

Hoàng Anh Tuyền (lớp 10 THPT Bình Khánh, Cần Giờ), hỏi: “Hiện nay nghề nào là “hot” nhất?”. TS. Huỳnh Văn Sơn hóm hỉnh: “Tôi không muốn trả lời câu hỏi này của bạn mà sẽ trả lời về chuyện sau 5 năm, 7 năm nữa, nghề nào là “hot” nhất. Vì khi ấy, bạn mới học xong đại học và ra trường.

Theo nghiên cứu, những ngành thuộc nhóm quan hệ con người như quan hệ công chúng, xã hội học… sẽ là những ngành “nóng” của xã hội trong những năm sắp tới. Nhưng tôi có một lời khuyên: Hãy trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực bình thường hơn là người dở nhất trong lĩnh vực mà cả xã hội đều quan tâm.

Và nếu lựa chọn nghề theo sở trường hay sở thích, bạn sẽ chọn gì? Theo nhiều nghiên cứu tâm lý hướng nghiệp, nếu bạn chọn nghề theo sở thích, chỉ khoảng 10% – 15% người đạt đến đỉnh cao, trong khi nếu chọn nghề theo sở trường thì có đến 60% đạt thành công. Tất nhiên, nếu chọn nghề có cả hai điều này thì thật tuyệt vời”.

Một bạn học sinh khác rất thực tế: “Các chuyên gia khuyên tụi em học nên phản biện, nhưng thực tế, khi phản biện trong giờ học, thầy cô lại không vui?”. TS. Hồ Thiệu Hùng thừa nhận: “Có một triết gia đã nói: “Con người sinh ra thì dốt nhưng giáo dục biến họ thành đần!” khi nói về thực trạng giáo dục ở nước Pháp trước kia.

Vì thế, học sinh học là phải biết nghi ngờ và giáo viên cũng phải khuyến khích học sinh làm điều ấy. Hiện nay, giáo viên không chú ý hướng dẫn học sinh tinh thần hoài nghi. Điều này cần phải được thay đổi!”.

Đăng Khoa
                                                                                                                      Theo Tiền Phong Omline