Giảm tải chương trình, hạn chế tiêu cực mùa thi
Các Website khác - 04/09/2005
Thứ trưởng Phạm Vũ Luận. Ảnh: Tiền Phong

Năm học 2005-2006 là năm đầu tiên bỏ thi tốt nghiệp THCS, lứa học sinh THPT phân ban đầu tiên ra "lò". Vấn đề sàng lọc giáo viên, giảm tải chương trình cũng sẽ được tiến hành quyết liệt. Thứ trưởng Phạm Vũ Luận, người phát ngôn của Bộ GD&ĐT trả lời báo chí.

- Bên cạnh niềm vui năm học mới, nhiều phụ huynh cũng âu lo khi con em của họ phải đối mặt với bài vở quá nặng nề. Bộ GD&ĐT đã có biện pháp quyết liệt gì để giảm tải chương trình học?

- Ở cấp tiểu học, đúng là chương trình và sách giáo khoa còn quá tải đối với học sinh các vùng khó khăn. Năm học 2005-2006, Bộ GD&ĐT chỉ đạo, rà soát giảm hợp lý nội dung như điều chỉnh phân phối chương trình theo hướng “mở”, không quy định cứng nhắc thời gian bình quân cho các tiết học, bài dạy.

Giáo viên phải dạy đúng nội dung chương trình, không nâng cao, mở rộng hoặc cắt xén nội dung. Các thày, cô phải tạo điều kiện cho học sinh hoàn thành bài học tại lớp, không giao bài tập yêu cầu học sinh làm thêm ở nhà đối với lớp có tổ chức học 2 buổi/ngày. Trong năm học tới, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên môn, xử lý nghiêm các giáo viên dạy thêm kiến thức ngoài chương trình gây tình trạng quá tải.

- Nhiều ý kiến lo ngại việc bỏ thi tốt nghiệp THCS sẽ làm nảy sinh tâm lý ỷ lại, không cần cố gắng, đặc biệt là những học sinh trung bình. Bộ GD&ĐT có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?

- Năm ngoái, cả nước đã tiến hành việc bỏ thi tốt nghiệp tiểu học. Đây sẽ là kinh nghiệm tốt để Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo bỏ thi tốt nghiệp THCS. Quan điểm của Bộ là bỏ thi không có nghĩa thả lỏng việc đánh giá trình độ học sinh, mà là thay đổi biện pháp đánh giá, từ một kỳ thi sang cả quá trình học.

Khi thực hiện giao quyền cho nhà trường trực tiếp kiểm tra, xét tốt nghiệp, Bộ cũng đồng thời yêu cầu các trường nâng cao tinh thần tự chủ và tự chịu trách nhiệm đối với hoạt động đào tạo. Nhà trường có trách nhiệm xét tốt nghiệp trên cơ sở đánh giá quá trình học tập và kết quả kiểm tra cuối năm học lớp 9. Bộ cũng sẽ tổ chức các đoàn thanh tra, xử lý nghiêm khắc các trường hợp không tuân thủ quy định về đào tạo, thả lỏng học sinh.

- Khi kỳ thi tốt nghiệp THCS bị bãi bỏ, sẽ phải có một kỳ thi tuyển chọn vào lớp 10, Bộ đánh giá ra sao về nguy cơ bùng phát lò luyện, đặc biệt là ở các thành phố lớn?

- Tại Hội nghị bàn phương hướng năm học mới, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đã khẳng định, phương án tuyển sinh vào lớp 10 sẽ do các địa phương quyết định. Những địa phương có chỉ tiêu THPT công lập tương đương với số học sinh tốt nghiệp THCS thì không nên tổ chức thi tuyển. Nhưng nếu "cung cầu" quá chênh lệnh thì địa phương đành phải tổ chức một kỳ thi.

Hiện nay, một số địa phương đã lên phương án lựa chọn 3 môn thi cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là Văn, Toán và Ngoại ngữ. Sau khi xin ý kiến của 64 tỉnh, thành phố, Bộ GD&ĐT sẽ có quyết định cuối cùng, trên quan điểm thi nhẹ nhàng, không gây khó khăn cho học sinh. Nếu thi lớp 10 căng thẳng, lò luyện mọc lên tràn lan thì sẽ không còn ý nghĩa của việc bỏ thi tốt nghiệp THCS.

- Những sai sót trong đề thi và đáp áp năm học vừa qua đã làm giảm lòng tin của nhân dân. Bộ có biện pháp nào để giải quyết tận gốc vấn đề này?

- Những sai sót trong khâu làm đề thi và đáp án mà báo chí nêu, Bộ GD&ĐT đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và sẽ có những giải pháp khắc phục. Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển cũng vừa có chỉ thị yêu cầu các đơn vị phải nhanh chóng xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, tiêu chí kiểm tra, đánh giá quá trình dạy và học.

- Hiện nay, hơn 8% giáo viên mầm non, phổ thông không đạt chuẩn, trong khi nhiều giáo viên trẻ có trình độ không được giảng dạy vì không còn biên chế. Những bất cập này sẽ được giải quyết như thế nào trong năm học mới?

- Phải thừa nhận thực tế là hiện nay có một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn hoặc sức khỏe hạn chế. Cũng có một số trường hợp sa sút về phẩm chất đạo đức người thày. Bộ GD&ĐT đang hướng dẫn các địa phương rà soát, bố trí, sắp xếp lại số giáo việc này.

Giáo viên có thể tiếp thu được kiến thức mới sẽ đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Giáo viên không có khả năng tiếp nhậm phương pháp mới sẽ bố trí công việc khác thích hợp hoặc cho nghỉ hưu trước tuổi. Riêng với những trường hợp có vi phạm làm ảnh hưởng đến phẩm chất người thày thì kiên quyết không bố trí giảng dạy, nếu có sai phạm ở mức độ nặng sẽ buộc thôi việc.

Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản đề nghị HĐND, UBND các cấp chỉ đạo, hướng dẫn các sở, phòng GD&ĐT bổ sung kịp thời lực lượng giáo viên trẻ, đủ năng lực, tránh sự hẫng hụt về đội ngũ. Chúng tôi cũng đang cùng ngành liên quan phối hợp giải quyết khó khăn về biên chế và kinh phí.

Việt Anh thực hiện