Giúp sinh viên thay vì quản lý
Các Website khác - 18/10/2008

 

SV cần được giúp nhiều hơn với những phương pháp học tập chủ động như học tín chỉ. Trong ảnh: một buổi học nhóm tại trường của SV năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM-Ảnh: N.Hùng

Tại hội thảo “Quản lý SV trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ” tổ chức ngày 17-10 ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, rất nhiều ý kiến tham luận cùng đưa ra ý kiến thay vì gọi là quản lý SV, các trường nên gọi là giúp SV do những đặc thù của học chế tín chỉ.

Nhiều đại biểu tham gia hội thảo đã không ngần ngại bày tỏ ý kiến: cùng với việc tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho SV, công tác quản lý SV trong đào tạo theo tín chỉ tạo ra rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý của các trường, các khoa. Thế nhưng, nếu thay đổi quan niệm quản lý bằng việc giúp SV, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn.

PGS. TS Võ Xuân Đàn, Trường ĐH dân lập Ngoại ngữ - tin học TP.HCM, nêu ý kiến: “Người quản lý SV đào tạo theo hệ thống tín chỉ hết sức phức tạp bởi nhiều lẽ: nội dung quản lý phong phú, sinh động, phương pháp quản lý đa dạng, hoạt động quản lý ở nhiều tầm khác nhau, lực lượng tham gia quản lý ở diện rộng với mô hình mở…”. Bổ sung ý kiến này, thạc sĩ Nguyễn Trường Kháng - ĐH Sư phạm Thái Nguyên - cho rằng chỉ là một chủ thể người học nhưng có tới hàng lô quy chế, nội quy, cam kết quản lý SV. Bên cạnh đó là sự ảnh hưởng của Đoàn, Hội, lớp học, giáo viên chủ nhiệm, các trợ lý từ lớp, khoa đến trường, bao nhiêu môn học bấy nhiêu giảng viên với đủ tính nết khác nhau vô hình trung làm SV mất đi cái tôi - điều cần thiết trong đào tạo theo tín chỉ.

Hệ thống tín chỉ tạo cho SV nhiều “vai”, tùy thuộc vào việc chọn lựa môn học của từng SV. Cùng lúc, SV có thể có vai trò ở lớp học theo khóa và lớp học tự chọn, thậm chí là ở các năm khác nhau theo sự lựa chọn học nhanh hay chậm của SV.

Một công việc giúp SV thực hiện phương châm học “mọi lúc, mọi nơi” theo tinh thần của hệ thống tín chỉ là việc cung cấp thông tin cho người học. Cá nhân SV phải được cung cấp đầy đủ thông tin về dữ liệu học tập của cá nhân mình và những thông tin liên quan đến việc học như thời khóa biểu, thông tin về người dạy, nội dung môn học, tài liệu tham khảo… để SV có thể chủ động chọn hoặc điều chỉnh quá trình học tập của mình. Nhiều đại biểu tham dự hội thảo còn đề cập đến cụm từ “tư vấn cho người học” thay vì “quản lý người học”. Vì thế, vai trò của giáo viên chủ nhiệm cũng đề nghị được xem xét lại.

PGS. TS Lê Đức Ngọc - ĐH Quốc gia Hà Nội - đưa ra ba quan điểm về công tác SV trong học chế tín chỉ: công tác SV được coi như một mảng công tác đào tạo của nhà trường, một mảng công tác tổ chức của nhà trường, một mảng hoạt động dịch vụ cộng đồng của nhà trường. Với các quan điểm đó, đòi hỏi mọi thành viên trong nhà trường từ lãnh đạo, giảng viên đến công nhân viên, tùy theo chức năng và nhiệm vụ của mình đều phải tham gia công tác giúp SV. Bên cạnh đó, TS Ngọc cũng khuyến nghị: Đoàn, Hội phải lấy việc tổ chức và quản lý học tập của SV một cách chủ động và hiệu quả hơn làm nhiệm vụ chính cho các hoạt động của mình, chứ không phải lấy vui chơi giải trí làm chính như hiện nay.

TS Huỳnh Văn Thông - Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM - nhận định: hệ thống giáo dục ĐH nhiều năm liền hầu như không có chuyển động nào đáng kể về đổi mới phương pháp dạy học, nên nhân cơ hội chuyển đổi sang hệ thống tín chỉ để tạo ra một áp lực nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới phương pháp dạy học trong toàn hệ thống chứ không phải chỉ trong hệ thống tín chỉ.

Với hệ thống tín chỉ, khi SV được “tháo rời” ra khỏi cơ cấu lớp học truyền thống, được nhận diện trong hệ thống đào tạo như một cá nhân có sự độc lập tương đối trong việc lựa chọn kiến thức để tích lũy, vấn đề đồng hành với SV sẽ càng trở nên quan trọng hơn.

ĐOÀN TỪ DUY