Học hành từ thủa lên 2…
Các Website khác - 18/10/2008

 

Lúc trẻ 2-3 tuổi là thời kì thích hợp cho việc làm quen với các kĩ năng vận động tinh, ghi nhớ, vẽ tranh, ngôn ngữ… (Ảnh minh hoạ)

Học từ thủa lên 2 - dở, hay thế nào hiện đang là áp lực lớn đối với những bậc làm cha mẹ. Xã hội ngày càng phát triển, nhiều “cao trào” cũng phát triển theo, trong đó có việc cho con học ngay từ khi còn “trứng nước”. Vậy, nên hay không nên cho con “học” ngay từ thủa lên 2?

Có phải vì phú quý sinh lễ nghĩa?

Chẳng hạn như đối với chương trình dạy tiếng Anh cho các bé mầm non, tuy hầu hết các trường công lập đều không thực hiện và trong chương trình khung của Bộ GD-ĐT cũng không có quy định nào đối với việc áp dụng dạy ngoại ngữ cho các cháu nhỏ. Nhưng, tại rất nhiều trường mẫu giáo dân lập, đặc biệt là những trường mẫu giáo dân lập học phí cao, thì việc dạy và học tiếng Anh đã trở thành chương trình “cứng”.

Chị Phương, chuyên viên của Viện Nghiên cứu Khoa học tại Hà Nội đang có con theo học tại trường mẫu giáo công lập Kim Liên bày tỏ quan điểm: Việc dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ chẳng khác gì “đầy đoạ” chúng và đó cũng chỉ là sự “phú quý sinh lễ nghĩa” của những người... thừa tiền.

Để khẳng định thêm cho lập luận này, chị Phương cũng cho biết, chị “có học hành gì từ thủa 2 tuổi đâu mà giờ chị cũng là Tiến sĩ. Con chị cũng sẽ như vậy. Cái quan trọng nhất của lứa tuổi này là phải giữ gìn cho sự ngây thơ và ăn tốt ngủ tốt cho bọn trẻ là mỹ mãn lắm rồi!”

Ngược lại hoàn toàn với chị Phương, chị Thu - chủ một công ty trách nhiệm hữu hạn ở Hà Nội ngay từ đầu khi đưa con gái hơn 2 tuổi đến học trường mầm non, câu đầu tiên chị hỏi bà Hiệu trưởng là chương trình dạy học của các cháu thế nào. Khi xem xét thấy một bản thời khoá biểu chi tiết nào là học văn học, tạo hình, âm nhạc, bài tập tư duy, trò chơi, kỹ năng, tiếng Anh… chị mới đồng ý gửi con vào học.

Chị Thu cho biết: “Dù có tiền hay không có tiền thì tôi vẫn luôn phải cố cho con mình được thụ hưởng một nền giáo dục tích cực nhất. Theo tôi biết, tại nhiều nước phương Tây, trẻ con đều bắt đầu học thực sự từ khi chúng 2 tuổi”.

Học hay không học?

Nhiều khi cha mẹ chỉ để cho con thích chơi gì thì chơi, hoặc là chẳng làm gì cả cứ để thời gian trôi qua vô bổ. Vậy là bỏ qua các thời kì tối ưu cho sự phát triển các năng lực trí tuệ ở thời kì này và sẽ phải trả giá đắt khi trẻ lớn lên.

 

Đây cũng là lí do tại sao, đại đa số tài năng của trẻ nhỏ đáng ra được phát triển tột độ, lại bị lụi tàn, vì sự không biết cách hoặc thiếu sự đầu tư, quan tâm đúng mức. Năng lực trí nhớ và năng lực phân tích, tổng hợp khái quát, đặc biệt là năng lực sáng tạo cũng vì thế mà yếu ớt. (PGS.TS Nguyễn Công Khanh)

Nhận xét về hai luồng tư tưởng trái ngược nhau này, PGS.TS Nguyễn Công Khanh, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: “Nhiều phụ huynh cứ lo ngại việc dạy chữ, dạy số, dạy tiếng Anh cho trẻ như vậy làm khổ đứa trẻ, phải để cho trẻ tự chơi mới phát triển được. Đây là quan điểm sai lầm.

Tốc độ phát triển của não nhanh hơn mức độ người ta tưởng tượng gấp nhiều lần. Đến 3 tuổi thì não đã hoàn chỉnh đến 60%, đến 6 tuổi thì 80%. Nếu bắt đầu học tập từ 6 tuổi, thì lúc đó não đã cơ bản hoàn thành, tính chất cố định, việc làm thay đổi đường hằn trên não bộ, hay nâng cao chất lượng của não đều khó khăn hơn”.

Ông Khanh phân tích: Như vậy, lúc trẻ 2-3 tuổi là thời kì thích hợp cho việc làm quen với các kĩ năng vận động tinh, ghi nhớ, vẽ tranh, ngôn ngữ.... Nếu cho trẻ học tập những kĩ năng này trong độ tuổi 2-4 tuổi, não bộ trẻ có phản ứng tốt với việc học, khắc sâu vào não, nâng cao chất lượng của tế bào thần kinh.

Theo đó, chỉ cần một kĩ năng vận động tinh rất nhỏ như sử dụng sự phối hợp của ngón cái và ngón trỏ trong việc cầm, nhặt những vật nhỏ… cũng làm nâng cao đáng kể chất lượng não bộ thời kì này.

Học tập của trẻ 2-6 tuổi không đơn thuần cho trẻ thu nạp kiến thức, mà là kích hoạt để tăng cường sự phát triển của tế bào thần kinh não (trở thành tế bào thần kinh giàu ribonucleic acid - RNA, cái được coi là mầm sống của kí ức). Mạng lưới thần kinh trong não đã hoàn thành 80% tức là không dễ thay đổi đối với 80% đã hoàn thành ấy nữa, tư chất thiên tài sẽ mất đi và có thể không bao giờ trở lại nữa.

Theo các chuyên gia, trước khi trẻ 1 tuổi đã có thể học qua quan sát, lắng nghe, bắt trước. Thời kì từ 1-3 tuổi là thời kì “tối ưu” nếu được giáo dục đúng đắn, não có thể phát triển với tố chất “thiên tài”. Thời kì từ 3-6 tuổi là thời kì tiếp nối, có thể nâng cao đáng kể chất lượng não bộ, nếu trẻ được giáo dục thích hợp. Ví dụ, vào thời kì này nếu dạy trẻ chơi cờ tướng… thì trẻ sớm sẽ có lực cờ mà người lớn khó lòng sánh được.

PGS Nguyễn Công Khanh cũng đưa ra lời khuyên: “Mỗi đứa trẻ, dù mới 2-3 tuổi được xem là một chủ thể tích cực, đang thay đổi từng ngày, nếu một đứa trẻ ngay từ tuổi mầm non được dạy cách suy nghĩ (biết đặt các câu hỏi…) các chiến lược tư duy hiệu quả..., thì cơ hội thành công học đường và thành công trong cuộc sống sau này là rất lớn

Nhưng việc học đầu tiên để giáo dục con trẻ là việc tạo ra môi trường kích thích trẻ tích cực khám phá, liên tục củng cố, trải nghiệm và làm giàu tương tác sẽ giúp trẻ có thể phát triển nhanh và toàn diện vô số khả năng như năng lực ngôn ngữ, trí nhớ, tự duy, vận động tinh, vẽ tranh, sáng tạo… một cách tự nhiên nhất”.

M.M