Học kỳ 3 giữa đại ngàn
Các Website khác - 23/07/2008
 

Lớp học của cô giáo Cẩm Phi

Vào những ngày hè này, xen lẫn trong tiếng suối róc rách, tiếng gió vi vút của đại ngàn Trường Sơn là tiếng ê a đọc bài của học sinh miền tây Quảng Nam...

Nhánh cây rừng làm chổi

Mới nhác thấy Bnớơch Tình (thôn Kanooh, xã Axan, Tây Giang, Quảng Nam) mình trần, chân đất, chạy chơi với lũ trẻ trong thôn ngoài bìa rừng khi sương vẫn còn giăng mờ các sườn núi, vậy mà đúng 7 giờ kém 10 phút, cu cậu đã có mặt tại lớp học. Trước Bnớơch Tình đã có mấy đứa trẻ đang chờ sẵn, tay đứa nào cũng cầm một nhánh cây còn tươi xanh vừa bẻ ngoài rừng, nhựa hãy còn dính rít trên những bàn tay nhỏ xíu. Như chợt nhớ điều gì, Bnớơch Tình chạy thục mạng ra sườn núi phía sau trường học, lúc quay lại thì tay cũng cầm một nhánh cây sung rừng. Đúng lúc đó cô giáo Đỗ Cẩm Phi cũng vừa đến lớp. Những cánh cửa gỗ ọp ẹp của  lớp học duy nhất vừa hé mở, lũ học trò ùa vào, thi nhau dọn vệ sinh lớp. Và, những nhánh cây các cô cậu chuẩn bị sẵn đều trở thành những cây chổi quét lớp!


Nhánh cây rừng làm chổi - Ảnh: P.Thảo

Lớp học "đa hệ"

Học kỳ 3 của Bnớơch Tình bao gồm các học sinh có kết quả thấp trong năm học. Để đảm bảo kiến thức cho các em, tránh hiện tượng ngồi nhầm lớp, điểm trường thôn Kanooh cũng tổ chức dạy phụ đạo hè. Chỉ khác so với đồng bằng là lớp học khá "đa hệ", bao gồm các học sinh yếu của các lớp từ 1 đến 4, nhưng giáo viên dạy thì chỉ một mình cô Đỗ Cẩm Phi. Nhà ở tận Hội An, đây là mùa hè thứ 6 cô Phi gắn bó với các học sinh C'Tu. Đường sá quá xa xôi cách trở, nên mùa hè là dịp các thầy cô giáo miền xuôi trở về đoàn tụ với gia đình. Nhưng "mình về hết rồi thì ai dạy học sinh yếu", vậy là 2 tháng hè năm nay, cô Phi tiếp tục ở lại với miền sơn cước, với những học sinh mặt mày đen đúa nhem nhuốc nhưng rất mực khát chữ...

Quan sát lớp học từ xa, thấy cô giáo cứ quay đi quay lại như chong chóng: lúc thì học trò lớp 4 hỏi bài; lúc thì học trò lớp 2 viết sai, phải chỉnh lại; chưa kịp xong thì đứa lớp 3 hỏi phép tính cộng... Mà học trò hỏi bài thì còn đỡ vất vả, nhiều em nhút nhát, ngồi im lìm không nói không năng, vậy là cô giáo phải dỗ dành, hỏi han, chỉ bảo ân cần. Đó là chưa kể, cô còn phải tranh thủ "chạy sô" Tiếng Việt cho lớp chuẩn bị vào lớp 1 sát bên. 2 lớp, một mình cô giáo "solo", có chứng kiến mới thấy được tấm lòng của những giáo viên miền núi. "6 năm gắn bó với bà con, giờ mình cũng đã nói tiếng C'Tu khá thành thạo. Bởi, đó là cách duy nhất để gắn bó, hiểu được học sinh để dạy tốt hơn", Cẩm Phi tâm sự.

Khát khao con chữ

Hè đến, thay vì giữ con cái ở nhà phụ lên rẫy, giã gạo hay trông em, nhiều phụ huynh ở thôn Kanooh cứ nằng nặc xin cô giáo cho con mình được theo học kỳ 3, cho dù kết quả học tập của nhiều em cũng thuộc loại khá giỏi. Lý do được đưa ra là vì lớp học "đa hệ", phụ huynh muốn con mình học bài trước cùng với các anh chị lớp trên. Hay có người đơn giản chỉ vì muốn con mình sớm được đến trường, tiếp xúc với con chữ hằng ngày để ấp ủ ước mơ mai sau con cái có cuộc sống khá hơn mình. Điều này đã lý giải vì sao danh sách các em tham gia học kỳ 3 ban đầu chỉ có 9, vậy mà con số thực tế đã lên đến gần 20 em.

Thôn Kanooh đã có nhiều người tốt nghiệp cấp 3, cao đẳng và đại học. Như nhà ông Zơrâm Bường, có đến 3 đứa con học xong cao đẳng. Ở Kanooh, giáo viên được người dân mời về ở chung nhà, vì vậy mà cô Cẩm Phi cũng như các giáo viên khác từ lâu đã gắn bó như những thành viên trong thôn. "Ra trường, nghe lên khu 7 (4 xã biên giới Việt-Lào, huyện miền núi Tây Giang - PV) đứa nào cũng ớn" - Phi bộc bạch - "nhưng bây giờ, nếu nghĩ đến một ngày rời xa khu 7, thấy buồn...".

Trưởng thôn Kanooh, bố của Bnớơch tiếp khách lạ trong niềm tự hào là thôn văn hóa bậc nhất của các xã biên giới huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam). Tự hào là phải khi đây là nơi duy nhất còn giữ lại 2 chiếc trống đồng cổ cùng rất nhiều đồ gốm cổ có từ hàng thế kỷ trước. Đó là những báu vật của quá khứ đang được tiếp nối và lưu giữ lại. Còn hiện tại, với người thôn Kanooh, văn hóa được tiếp tục bằng những con số và nét chữ nắn nót của lũ trẻ, và bằng tấm lòng yêu thương "đồng bào mình" của những thầy cô giáo ở các lớp học giữa đại ngàn.

Vũ Phương Thảo