![]() |
Ngọc đang sửa chữa đầu VCD bị hỏng |
Cậu bé Dương Văn Ngọc (xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đang làm nhiều người ngạc nhiên vì khả năng sửa chữa đồ điện gia dụng của cậu.
Trổ tài Sau vài ngày mày mò với cái bình ắc-quy hỏng do người bố bỏ ra và chiếc mô-tơ quạt lò, cậu bé Ngọc quyết định biểu diễn thử nghiệm cho bạn bè xem sáng chế của mình. Đó là chiếc "thuyền máy" do cậu tự chế bằng một tấm ván và phía trên gắn một tấm xốp. "Thuyền máy" cõng chiếc bình ắc-quy nổi lềnh bềnh trên mặt nước ao làng. Cậu nối mô-tơ vào bình ắc-quy, "chân vịt" quay tít mù và "thuyền máy" lao vun vút trên mặt nước. Đám trẻ đứng trên bờ khoái chí vỗ tay reo hò ầm ĩ. Một số người lớn tò mò đứng xem cũng trố mắt ngạc nhiên vì trò chơi bất ngờ của cậu bé đang học lớp 3 này. Anh Báo, bố cậu bé, sau khi thấy "sáng chế" của con mình cũng ngạc nhiên không kém. "Con nghĩ thuyền máy tự chạy được là do cánh quạt đẩy nước và nó đẩy thuyền đi", cậu giải thích với bố. Không dám tin con mình lại tự nghĩ ra được trò chơi này, anh Báo tìm cách để kiểm chứng. Vài tháng sau, một người bạn cùng xóm có cái vợt giết muỗi bị hỏng, anh mang về cho con xem nó xử lý ra sao. Cậu bé mở ốc vít ra ngó nghiêng một lúc rồi nói vợt hư là do mạch điện bị hở và chỉ cần hàn lại là được. Anh Báo chạy xe máy xuống thị trấn mua cho cậu chiếc mỏ hàn và sau khi hàn lại mạch điện, vợt hoạt động như thường. Ít hôm sau, cái quạt lò trong bếp bị hỏng, anh bảo con mở ra sửa xem, lọ mọ lúc lâu rồi cậu cũng sửa được. Anh Báo tin vào khả năng của con và bắt đầu quan tâm đến cậu. Nhà khó khăn, không có điều kiện mua sắm thiết bị cho cậu mày mò, anh Báo chở con xuống các điểm mua bán phế liệu dọc hai bên quốc lộ lA để hai bố con cùng tìm mua những gì còn có thể tái tạo được. Từ quạt máy hư, bếp lò hay radio hỏng, anh đều mang về cho cậu. Và những thứ tưởng như đã thành phế liệu, cậu đã làm cho "sống lại". Tin tưởng vào khả năng của con, anh Báo (lúc này còn làm văn thư xã) khi đi phát công văn của xã thì đèo cậu đi theo. Nhà ai có đồ điện bị hư hỏng thì xin cho cậu được "khám bệnh" và sửa chữa ngay tại chỗ hoặc mang về nhà. Ban đầu nhiều người không tin nhưng rồi khi thấy cậu bé trổ tài và sửa được thì thán phục. Cậu nổi tiếng từ đó, người trong xóm rồi trong xã khi có thiết bị điện gia dụng hư hỏng đều mang đến nhờ cậu. Chiếc quạt do Ngọc tự chế dùng khi mất điện 2 năm sau ngày "thần đồng" phát lộ bên ao làng, giờ đây bên góc sân trước nhà Ngọc là một cái tiệm do người bố dựng cho cậu con trai. Từ quạt bàn, quạt lò, máy bơm nước, radio, nồi cơm điện thậm chí cả máy điện thoại bàn, đầu đĩa, đồ chơi bằng điện tử của trẻ em..., tất cả đều là những thiết bị hư hỏng được người dân mang đến nhờ cậu sửa giúp. Hằng ngày, sau giờ học bài, cậu bé lại say mê đánh vật với những thiết bị này. Mở cái quạt để bàn mà người hàng xóm mới mang đến, cậu cắm điện thử qua vài lần rồi nói với tôi: "Chú biết không, cái ni bị cháy cuộn dây đồng rồi". "Cháu có biết vì sao cái quạt khi cắm điện vào nó lại quay được không?". Cậu bé trả lời: "Cháu không rõ lắm về lý thuyết vì chưa được học, nhưng cháu nghĩ là khi dòng điện vào, nhờ cuộn dây đồng này nên nó làm cho trục cánh quạt quay". "Thế những thứ khác làm sao cháu biết nó hư ở đâu mà sửa ?", cậu bé trả lời rất lanh lợi: "Mở ra nhìn là cháu biết. Nhìn cấu tạo rối rắm rứa nhưng nó cũng đơn giản". "Thế cháu có học ai không?". "Cháu tự làm cả, chỉ khi mô gặp cái gì khó quá không thể làm được, cháu chạy lên nhà bác Thành (người bác họ cùng xóm làm nghề sửa chữa điện dân dụng) để hỏi bác ấy". Dụng cụ sửa chữa của cậu là cái mỏ hàn thiếc và chiếc đồng hồ đo mạch điện cùng mấy cái tuốc-nơ-vít, nhưng các thiết bị điện dân dụng bị hư hỏng qua tay cậu đều được "sống lại". Cậu bé còn dự định sửa chữa cả ti-vi và những thiết bị điện tử khác. Nhưng cấu tạo của những vi mạch điện tử quá phức tạp nên bố cậu bảo chưa dám cho cậu đụng vào. Cậu bé vẫn rất tự tin nói với tôi: "Nếu cho cháu thời gian, cháu sẽ tự làm được". Sản phẩm từ ý tưởng mới của cậu là chiếc quạt chạy bằng bình ắc-quy. Chiếc quạt được cậu cải tiến từ chiếc mô-tơ quạt lò và sử dụng bình ắc-quy xe máy đã qua sử dụng để làm nguồn điện, trên thân quạt có gắn chiếc bóng đèn 2,5 vôn để chiếu sáng. Ở vùng quê, điện đóm thường chập chờn, có nhiều lúc mất điện bất thường, trẻ không thể ngồi học bài trong điều kiện nóng bức, cậu liền nghĩ ra và làm nên chiếc quạt này. Quạt được bán 20 ngàn đồng mỗi chiếc. Đã có hơn chục người đặt mua sản phẩm của cậu. Ở lớp, 5 năm liền cậu là học sinh tiên tiến. Riêng môn toán thì cậu học rất nhanh. "Cháu ước mơ sau này sẽ làm gì?", cậu bé cười hiền lành, đáp: "Dạ, cháu ước mơ sẽ trở thành nhà nghiên cứu và chế tạo máy móc". Khánh Hoan
Thợ sửa đồ điện tuổi 11
▪ Cầu nối bước vào khoa học đỉnh cao thế giới (19/07/2008)
▪ Cậu bé không tay nuôi ếch (19/07/2008)
▪ Trí thức cần nhận biết đúng mình (18/07/2008)
▪ Gặp 5 chàng trai “vàng” dự thi Olympic Vật lý quốc tế (18/07/2008)
▪ “Cái bang” học sinh (17/07/2008)
▪ Hội thảo VietAbroader 2008 (17/07/2008)
▪ Chàng trai phá kỷ lục tranh dừa (15/07/2008)
▪ “Duyên xong rồi thích” (15/07/2008)
▪ Hành trình vào đại học của “cậu bé hành khất” (14/07/2008)
▪ “Cậu bé gà” đứng lên từ thất bại (14/07/2008)