Khát vọng đắm đuối ngoài phòng thi
Các Website khác - 05/07/2008

Đến hẹn lại lên, khi kỳ thi ĐH bắt đầu, Hà Nội là tràn ngập người ngoại tỉnh đổ về. Bên ngoài các phòng thi, thấp thoáng những bóng dáng cha mẹ cả một đời đắm đuối chuẩn bị hành trang tri thức con cái mình. 

Cha tâm thần và ước mơ 3 con vào ĐH 

Trong những ngày lân la các điểm thi ĐH trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi gặp người đàn ông có làn da ngăm đen và mái đầu trọc lóc ngồi lầm lỳ trong một quán trà đá gần trường ĐH Lao động Xã hội. Anh là Đoàn Quang Thu (47 tuổi), bố của cháu Đoàn Thị Ngân thi vào trường Học viện Ngân hàng và Đoàn Thị Ngần thi vào trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. 

Người cha bị tâm thần phân liệt lúc nào cũng lo cho sự học của con cái - Ảnh: Vũ Điệp
Xuất thân từ một vùng quê nghèo ở Hưng Yên, cuộc sống vất vả quần quật quanh năm với gần mẫu ruộng và hai con lợn nái. Hàng năm, vợ chồng anh Thu chắt chiu lắm cũng chỉ đủ chu cấp nuôi người con trai đầu Đoàn Quang Vương đang là SV năm thứ 4 ĐH Xây dựng Hà Nội.  

Nhưng giờ đây, khi hai người con gái vừa bước vào kỳ thi ĐH, anh Thu lại không giấu khỏi nỗi lo: “Không đậu thì buồn cho các cháu lắm. Nhưng đậu rồi không biết vợ chồng tôi phải xoay sở thế nào để nuôi các con ăn học. Ngoài này cái gì cũng đắt đỏ, trong khi lúa gạo trồng được làm ra bán cho thu nhập chẳng được bao nhiêu”. 

Khó khăn càng nhiều hơn khi căn bệnh tâm thần phân liệt khiến anh Thu mỗi năm phải vào viện điều trị từ một tới hai tháng ròng. Trước những lần vào viện, anh đều biết trước mình sẽ lên cơn nên đã chuẩn bị mọi chuyện chu đáo. 

Những lúc lên cơn, anh vật lộn, đau đớn về thể xác, nhưng khi tỉnh táo, anh lại đau đáu nghĩ về việc học của các con với niềm tin và sự hy sinh mãnh liệt: “Tôi dù nghèo khó đến mấy, dù phải bán nhà bán đất để nuôi con ăn học thành người cũng cam lòng. Vợ chồng tôi, suốt gần một đời người bán lưng cho đất bán mặt cho trời khổ lắm rồi. Nên tôi quyết không để các con phải thất học” - anh Thu tâm sự. 

Chị Hoàng Thị Lệ, quê ngay cạnh chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Tây) đưa con ra HN đã hơn 3 tháng. Truớc ngày đi, chị mang theo hơn 1 triệu đồng, đóng tiền cho con học ôn thi cấp tốc được 1 tháng thì số tiền trong tay chỉ còn độ hơn 100 ngàn.  

Quán trà đá là của chị Lệ đang "nâng bước" cho con gái vào đại học - Ảnh: Thông Chí
Với sức vóc nhỏ bé, chị chỉ đủ sức mở quán trà đá sau cổng phụ trường ĐH KH XH&NV. Hai ca trà và nhân trần, dăm gói kẹo lạc, vài phong cao su, những chiếc ghế nhựa. Nhưng để có được gia tài này, chị phải về quê chạy vạy thêm tiền mới đầu tư được. Và quán cóc bé nhỏ đó cũng không phụ công người, tiền cũng sinh sôi, mỗi ngày trừ đi tiền vốn chị cũng kiếm được hơn 100 ngàn.

Đến ngày con gái Phan Thị Thu thi vào ĐH, chị thức cả đêm làm chõ xôi đỗ mong con "đỗ đậu thành tài". Sau khi thắp hương xin trời phật phù hộ, chị lại chuẩn bị di chuyển cả "gia tài của mình" ra góc nhỏ khuất vỉa hè. Gần 3 tháng bán trà đá cũng cho chị kinh nghiệm: “Góc này khuất, có thể vừa bán vừa nhìn từ xa được lực lượng trật tự. Tuy không đắt hàng như các quán trà bày bán gần cổng trường, nhưng cũng tránh nhiều rủi ro…”

Khách của quán trà trong những ngày thi là những vị khách nhà quê ra phố như chị. Mỗi người một cốc nước, điếu thuốc bàn nhau chuyện thi cử của con em mình. Tất cả là chuyện "thời sự" trong ngày thi cử như trường nào điểm cao, điểm thấp, khoa nào năm nay dễ đậu, đầu ra trường nào dễ xin việc sau này.

Người quê lo nỗi lo thành thị 

Các bậc phụ huynh làm cha, thường tụ tập tại các quán trà đá vỉa hè bàn chuyện đầu ra khi sĩ tử còn đang trong phòng thi. Còn câu chuyện của các bà mẹ là hạt lúa, củ khoai, là những chi phí trong những ngày ở thành phố…

Còn câu chuyện của các bà mẹ là hạt lúa, củ khoai, là những chi phí trong những ngày ở thành phố… - Ảnh: Vũ Điệp
Chị Hương (quê Hải Hậu, Nam Định) luôn miệng nhắc về giá cơm đắt quá, chị không chịu nổi đành mượn nồi niêu của chủ nhà rồi góp gạo với mấy người cùng trọ thổi cơm chung. Trong lưng vốn 2 triệu mang con đi thi, mới chỉ có 2 ngày đã tiêu tốn gần 500 nghìn đồng, chị bảo: “Với tôi, số tiền đó bằng làm lụng ruộng vườn cả tháng”

Ở một góc khác bên kia đường, dưới bóng cây râm mát của trường ĐH Thuỷ Lợi, những người đàn ông với khuôn mặt cục mịch đang chia nhau từng điếu thuốc và bàn chuyện... lạm phát, tăng giá xăng dầu, rồi cả sáng nay đi tắc đường, đành đi lòng vòng và bị xe ôm chặt chém “tới bến”! 

Trong chủ đề của các đấng mày râu thường là những chuyện “đại sự”, liên quan tới kinh tế, chính trị lớn lao. Những chủ đề được thay đổi thường xuyên, nhưng khi một người bắt chuyện về "đầu ra" các trường ĐH, thì tất cả đều ngao ngán, thở dài…

Những ví dụ sinh động về sinh viên ra trường vài năm đã có trong tay bạc tỉ, xây nhà; cũng có những câu chuyện sinh viên ra trường hơn 3 năm vẫn làm xe ôm vạ vật tại HN. Rồi chuyện sinh viên lập nghiệp chẳng chịu về quê, cứ bám lấy thủ đô làm "vùng kinh tế mới"… 

Ông Hiệp, phụ huynh có con thi ĐH Thuỷ Lợi HN nói: “Chả đứa nào chịu về quê, mặc dù thấy bọn nó ở lại HN chả sung sướng gì. Ở nhà thì lụp xụp, giá cả đắt đỏ. Chỉ bằng nửa số tiền mà chúng nó chi trả trong tháng thì có thể về các thành phố tỉnh lẻ sống ngon lành”. Đa số người này nói, người kia cũng đồng tình và câu chuyện cứ thế thêm ra bớt vào rôm rả và huyên náo.

Những câu chuyện không đầu, không cuối cũng xôm tụ vui vẻ được một hồi dài. Chỉ còn hơn 30 phút nữa là hết giờ thi, đã có vài thí sinh lác đác ra ngoài. Mọi ánh mắt đều hướng nhìn những cô cậu tú tài bước ra. Mỗi lần như vậy, câu chuyện bị đứt đoạn trong dăm phút rồi lại hào hứng sôi nổi như mới bắt đầu. 

"Cá chuối đắm đuối..."

Trước cổng trường ĐH KHXH&NV (TP.HCM), một phụ huynh đang mở cặp lồng cơm tranh thủ ăn. Nhưng mới đưa được miếng cơm lên thì bảo vệ ra nhắc nhở "cô đi chỗ khác ăn, không được ngồi ở đó!". Người mẹ chờ con lại vội đậy cặp lồng cơm lại, lật đật đi tìm chỗ khác ngồi.

Khi còn vào phòng thi, chị Thanh mới mở cặp lồng cơm ra ăn cho đỡ đói - Ảnh: Hà Dịu
Chị là Vũ Thị Thanh, từ Tiền Giang lên đưa con đi thi vào trường ĐH KHTN TP.HCM. Chị cho biết, hai mẹ con lên TP.HCM từ 30/6, ở nhờ nhà một người quen. Cả đêm 3/7, chị hầu như không ngủ vì lo lắng. 2h sáng chị dậy loay hoay nấu cơm bỏ vào cặp lồng rồi chuẩn bị các thứ cho con đi thi. 5h sáng 4/7, 2 mẹ con đã ra khỏi nhà và có mặt ở cổng trường từ lúc 5h30 sáng.

Giải thích về việc vừa chờ con thi vừa ăn cơm, chị cười: "Dậy từ sáng sớm nhưng hết lo cho con ăn sáng rồi kiểm tra xem có thiếu cái gì không nên không kịp ăn. Giờ đói quá mới lấy cơm ra tranh thủ ăn trong khi chờ đợi".

Không nề hà vất vả, miễn con thi đậu là tâm tư chung của tất cả những phụ huynh khi theo con đi thi. Chị Phạm Thị Lài, quê ở Tây Ninh tâm sự: 12 năm mới có một ngày con đi thi nên ráng chịu cực một chút cũng chả sao. Con đậu đại học gia đình sẽ thêm gánh nặng, nhưng dù khó khăn mấy thì vẫn mong con thi đậu và học hành đến nơi đến chốn.

Ở Tây Ninh, gia đình chị Lài vốn là 1 nông dân chỉ chuyên chăn nuôi nên kinh tế cũng khó khăn. Để có tiền đưa con lên Sài Gòn thi, chị phải bán đi lứa heo rồi hai mẹ con khăn gói quả mướp lên đường.

Chấp nhận đường xa để thêm cơ hội cho con

Tại TP.HCM, ngoài những thí sinh từ miền Tây, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên thì còn có rất nhiều thí sinh từ ngoài Bắc vào thi. Một số thí sinh do có người thân ở TP.HCM nên vào theo nhưng cũng có nhiều thí sinh suy nghĩ do các trường phía Nam lấy điểm thấp hơn nên cơ hội đặt chân được vào giảng đường ĐH sẽ cao hơn. Và để con dễ bước vào cổng trường ĐH hơn, nhiều phụ huynh phải khăn gói từ Bắc vào Nam đưa con đi thi.

Ngồi đợi con dưới một gốc cây với tâm trạng bồn chồn lo lắng, ông Nguyễn Văn Định (quê Nam Định) có cảm giác như thời gian trôi thật chậm. Nhà làm nông nên để có tiền đưa con đi thi đợt này, gia đình đã phải dành dụm cả năm. Đi đợt này, ông mang theo gần 8 triệu để lo chi phí cho hai bố con. Ông bảo: "Tính toán thì chắc sau 3 đợt thi của con, phải tiết kiệm thì số tiền đó may ra mới đủ".

Chờ con - Ảnh: Hà Dịu
Con gái ông Định thi 3 trường, ĐH KHTN TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM và một trường CĐ ở ngoài HN. Thi xong đợt 2 là hai bố con lại tức tốc lên đường ra HN để chuẩn bị cho kỳ thi CĐ tiếp theo. Ông tâm sự: "Nếu nó đỗ mà học trong này thì tốn kém hơn ở ngoài Hà Nội rất nhiều, lại xa nhà. Biết vậy, nhưng vì nghe nó bảo trong này lấy điểm thấp hơn nên thôi đành cố vậy. Đã xác định cho con đi học rồi thì vất vả mấy cũng chịu".

Ông Trần Việt Bá quê ở Thái Bình cũng đưa con vào TP.HCM thi. Nhà làm nông nên để có tiền đưa con đi thi, cả gia đình phải chắt bóp và vay mượn thêm người quen. Ông cười: "Con gái tôi sợ tốn kém bảo để nó đi 1 mình rồi nhờ chú nó ra đón, nhưng tôi không yên tâm. Nó là con út, lại chưa đi xa bao giờ nên tôi lo lắm, nhỡ đi đường gặp chuyện gì thì lại ân hận, nên mặc dù 2 bố con đi sẽ tốn kém hơn nhưng tôi vẫn cố gắng, chỉ mong con đỗ là mừng rồi". 

Cũng tâm trạng chờ con trước cổng trường, thỉnh thoảng ông Bá và nhiều phụ huynh khác lại nhìn vào trong trường thi, nơi đó, "những niềm hy vọng" của họ vẫn đang miệt mài làm bài, với ước mơ sẽ "đặt chân" vào giảng đường ĐH, thoát khỏi mảnh đất quê nghèo khó, lam lũ.

  • Thông Chí - Vũ Điệp - Hà Dịu