Trường “hot” hạ nhiệt
Trong số các trường có đào tạo nhóm ngành kĩ thuật, công nghiệp, ĐH Bách khoa được liệt vào hàng đầu. Câu cửa miệng của thí sinh (TS): “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa”, chứng tỏ trường này luôn có vị trí cao trong định hướng lựa chọn ngành nghề. Các ngành được nhiều TS lựa chọn như: điện - điện tử, cơ khí, vật lý kỹ thuật, cơ điện tử, điện công nghiệp... đều là những ngành thiếu nhân lực, dễ tìm việc làm nên rất hút thí sinh.
Trong mỗi ngành học này, tiếp tục được chia ra nhiều ngành nhỏ như: Ngành cơ khí, được đào tạo theo nhiều hướng như cơ khí chế tạo (Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM); cơ khí chế tạo máy, cơ khí động lực; cơ khí nông lâm, cơ khí bảo quản chế biến thực phẩm; cơ khí tàu thuyền, cơ khí điện tử; cơ khí chuyên dùng... nên TS có thêm nhiều lựa chọn trong định hướng nghề nghiệp.
Vài năm trở lại đây, do TS đã biết chọn ngành vừa sức học để đăng kí dự thi nên điểm chuẩn khối ngành kĩ thuật đang có xu hướng hạ. Năm 2008, điểm chuẩn của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với các ngành dự thi khối A là 21, giảm 2 điểm so với năm 2007. Tương tự, điểm chuẩn năm 2008 của ĐH Bách khoa TPHCM giảm rõ rệt. Năm 2007, ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường là Công nghệ thông tin và Cơ điện tử với 23,5 điểm. Nhưng năm 2008, ngành này chỉ có điểm chuẩn 21. Nếu năm 2007 điểm chuẩn một số ngành thấp nhất là 18 thì năm 2008, nhiều ngành của trường chỉ cần đạt 16 điểm là thí sinh có thể có tên trong danh sách trúng tuyển như: Công nghệ dệt may; Kỹ thuật nhiệt; Kỹ thuật quản lý môi trường; Kỹ thuật hàng không; Cơ kỹ thuật và Vật lý kỹ thuật...
Với khối ngành kĩ thuật tại các trường khác, điểm chuẩn năm 2008 cũng “dễ thở” hơn. Năm 2008, điểm chuẩn hầu hết các ngành thuộc Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đều thấp hơn so với năm 2007. Một số ngành, mức chênh lệch từ 5 điểm đến 6 điểm. Cụ thể, ngành Kỹ thuật điện- Điện tử chênh lệch 4 điểm; ngành Cơ khí chế tạo máy 4,5 điểm; ngành Công nghệ thông tin 5 điểm... Điểm chuẩn của Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh năm 2008 thấp nhất là 15 điểm trong khi điểm chuẩn thấp nhất của năm 2007 là 17.

|
Với nhu cầu hiện nay, điện - điện tử là ngành học rất dễ xin việc. (Ảnh: Chí Cường) |
Nhu cầu nhân lực cao, điểm chuẩn thấp
Các trường tốp đầu luôn là nỗi sợ hãi của nhiều TS có học lực trung bình, hàng nghìn chỉ tiêu của nhóm ngành công nghiệp như: Dệt may, công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, cơ khí... đang bị lãng quên do tâm lý TS ngại công việc nặng nhọc.
Toàn thế giới hiện đang thiếu khoảng 1,5 triệu kỹ sư công nghệ thông tin và đến năm 2010, con số này sẽ là 3 triệu. Tại VN, nhu cầu nhân lực ngành phần mềm ngày càng tăng cao, ước tính giai đoạn 2008-2010 cần 12.000 - 15.000 người/năm; giai đoạn 2011 - 2015 cần 20.000 - 25.000 người/năm. Trong khi đó, quy mô đào tạo nhân lực công nghệ thông tin của VN hiện chỉ đạt 9.000 - 10.000 người/năm. |
Trong khi đó, tại các trường, điểm chuẩn của nhóm ngành này gần như thấp nhất. Năm 2007, ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), ngành dễ đỗ nhất là Cơ học kĩ thuật với 18 điểm, Vật lý kĩ thuật chỉ 18,5 điểm. Năm 2008, hai ngành này cũng có điểm chuẩn thấp nhất (19 điểm) trong tất cả các nhóm ngành của trường. Tại ĐH Công nghiệp Hà Nội, năm 2008, điểm chuẩn của một số ngành như: Công nghệ kỹ thuật nhiệt lạnh, công nghệ hoá học, công nghệ điện, chỉ có chuẩn 15 - 16, trong khi những ngành khác của trường có điểm chuẩn từ 17- 18,5 điểm. Tương tự, với ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, điểm chuẩn năm 2008 của các ngành trên đây cũng có điểm chuẩn trong phạm vi 15- 16 điểm.
Tại ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, năm 2008, điểm chuẩn một số ngành chỉ từ 16- 17 điểm như: Công nghệ dệt may; Kỹ thuật nhiệt; Kỹ thuật quản lý môi trường; Kỹ thuật hệ thống công nghiệp; Vật liệu và cấu kiện xây dựng; Kỹ thuật hàng không, ô tô tàu thuỷ; Cơ kỹ thuật và vật lý kỹ thuật; Trắc địa; Kỹ thuật nhiệt lạnh...
Theo thống kê của một số trang thông tin việc làm trực tuyến trong thời gian gần đây, cơ hội tìm kiếm việc làm của khối ngành công nghiệp tại các nhà máy, tập đoàn trực thuộc bộ nói riêng và các ngành khác hiện còn rất lớn. Riêng một số ngành công nghệ hoá học như: hoá dầu, hoá thực phẩm, công nghệ điện... hiện có nhu cầu nhân lực cao do nhiều nhà máy, doanh nghiệp đang cần một lượng lớn đội ngũ nhân lực có tay nghề đáp ứng cho thị trường xuất khẩu.
Theo Giadinh.net