Tuyển sinh ĐH, CĐ 2009:Chọn ngành, chọn trường hay chọn nghề?
Các Website khác - 17/02/2009

Trong số hàng ngàn ngành học ở cấp ĐH, CĐ, làm thế nào để thí sinh biết nên chọn học gì và học ở đâu?

TS Lê Thị Thanh Mai (bìa trái) tư vấn cho thí sinh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cách chọn trường, chọn ngành trong kỳ tuyển sinh 2008- Ảnh: Như Hùng

Một số thí sinh quan tâm đến yếu tố trường công hay trường tư, ở trong hay ngoài trung tâm TP, trường có hoạt động ngoại khóa hay không… Với không ít thí sinh, việc tìm trường dựa vào ngành học nào dễ đậu, vào điểm chuẩn các năm trước. Một số khác quan tâm đến học phí, học bổng, ký túc xá... Vậy chọn ngành học dựa trên những cơ sở nào là tốt nhất?

Xác định bản thân và tìm kiếm

10 nhóm ngành đang thu hút lao động trình độ ĐH, CĐ

10 nhóm ngành đang thu hút lao động (qua điều tra thông tin tuyển dụng) là kinh tế - QTKD 34,6%, tài chính - kế toán - ngân hàng 19,3%, cơ khí 4,9%, CNTT 4,1%, ngoại thương 3,6%, điện - điện tử 3,5%, y dược 3,2%, xây dựng 3%, tiếng Anh 3%, điện tử - viễn thông - CNTT 3%.

Hiện nay rất nhiều thí sinh quan tâm đến điểm chuẩn của năm trước để làm cơ sở cho việc chọn ngành, trường. Thực chất các bạn đã xác định năng lực của mình rất chủ quan do điểm chuẩn của các năm trước được xác định bởi nhiều yếu tố khác nhau.

Hơn nữa, với cách chọn như vậy, các bạn đã làm mất đi một yếu tố quan trọng khi chọn ngành học đó là sở thích nghề nghiệp, bởi có yêu thích việc gì thì người ta mới có nỗ lực phấn đấu để đạt được điều mình mong muốn. Trước hết, bạn nên làm một bản tóm tắt hoặc đánh giá về cá nhân hoặc sở thích nghề nghiệp của mình. Những chương trình như vậy bạn có thể tìm kiếm ở nhiều nơi khác nhau, điển hình như qua chương trình hướng nghiệp trên website của ĐHQG TP.HCM (http://aad.vnuhcm.edu.vn/huongnghiep/). Thông qua đó, bạn giới hạn lại những ngành học ưng ý và phù hợp với sở thích nghề nghiệp, năng lực học tập của mình.

Sau khi đã xác định năng lực học tập, bạn có thể theo dõi thông tin về điểm trung bình của thí sinh trúng tuyển vào các ngành học để chọn trường vừa sức học của mình. Đối với thông tin về trường, ngành, các bạn có thể tìm những thông tin tổng quan từ quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ hay từ Cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Để tìm hiểu thông tin về ngành gì, học ở đâu, học những gì, trường có hoạt động ngoại khóa hay không và ra trường làm được việc gì, bạn có thể truy cập website của các trường ĐH, CĐ vì hiện nay phần lớn thông tin được các trường công bố sớm trên website của trường mình.

Ngoài ra, bạn còn có thể tìm hiểu thông tin về dự báo nhu cầu nhân lực, về lĩnh vực trọng điểm của địa phương bằng cách vào website của địa phương mình để biết định hướng phát triển trong 4-5 năm tới. Sau đó bạn có thể trao đổi với thầy cô, gia đình để ghi lại các ngành học mà bạn ưng ý nhất, đọc kỹ các thông tin có liên quan đến chúng, chuẩn bị cho bước tiếp cận gần hơn.

Tiếp cận và lựa chọn

Khi đã xác định được mình nên thi vào nhóm ngành nào không có nghĩa là bạn đã hoàn thành công việc. Hiện nay các nhóm ngành như tiếng Anh, công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính, ngân hàng… được đào tạo ở rất nhiều trường ĐH, CĐ khác nhau. Mức điểm chuẩn, nguồn lực giảng viên, cơ sở vật chất, học phí... ở từng trường cũng có nhiều khác biệt. Vì vậy, tùy theo hoàn cảnh của mình (tài chính, đi lại, năng lực học tập, cơ hội việc làm) các bạn nên cân nhắc để chọn trường phù hợp nhất với mình.

Một yếu tố rất quan trọng là các bạn nên quan tâm đến các trường ngay tại địa phương mình vì cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn. Ví dụ: học sinh tỉnh Tiền Giang năm 2008 với mức điểm trung bình 11,5 đã trúng tuyển vào Trường ĐH Tiền Giang; 16,2 trúng tuyển vào Trường ĐH Cần Thơ. Nhưng thí sinh phải đạt đến 19,1 điểm mới trúng tuyển vào Khoa kinh tế (ĐHQG TP.HCM), 20,4 điểm vào Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM...

Chọn nghề hay chọn ngành học?

Điều mà đa số thí sinh ít đặt câu hỏi trước mỗi kỳ thi tuyển sinh là các bạn chọn nghề hay chọn ngành học? Trả lời được câu hỏi này, các bạn sẽ xác định mình nên đi theo hướng nào. Đào tạo trình độ CĐ giúp sinh viên có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành cơ bản để giải quyết những vấn đề thông thường thuộc chuyên ngành được đào tạo. Đào tạo trình độ ĐH giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và có kỹ năng thực hành thành thạo, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo.

Như vậy, có thể nói giáo dục ĐH giúp bạn chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai nhưng không giới hạn ở một nghề nghiệp cụ thể nào. Bất cứ ngành học nào cũng có thể giúp bạn chuẩn bị cho một số nghề nghiệp khác nhau.

Ví dụ: tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học có thể làm trợ lý phòng thí nghiệm, nghiên cứu viên, nhà khoa học, nhân viên xét nghiệm, chuyên viên quản lý dự án liên quan, nhân viên sản xuất, tiếp thị, bán hàng, nhân viên quản lý chất lượng hoặc mở công ty tư nhân…; tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin có thể làm chuyên viên kinh doanh, chuyên viên lập trình ứng dụng, chuyên viên công nghệ thông tin, giám đốc thông tin (CIO), giáo viên, trưởng/phó phòng đào tạo, kỹ sư lập trình ứng dụng web, lập trình viên, nhân viên marketing sản phẩm công nghệ thông tin, nhân viên quản lý mạng - máy chủ, nhân viên quản trị website…; tốt nghiệp ngành tài nguyên - môi trường có thể làm việc ở các chức danh như: nhân viên trắc địa bản đồ, địa chính viên, điều tra viên, dự báo viên, kiểm soát viên khí tượng thủy văn, quan trắc viên tài nguyên - môi trường.

Vì vậy, bạn không nên quá bị bó buộc vào một nghề nào đó để tìm ra một ngành phù hợp và cần nhìn xa trông rộng khi chọn ngành học.

Tóm lại, để tìm được ngành học ưng ý nhất bạn cần phải “hiểu mình, hiểu trường, hiểu ngành”, đam mê và quyết tâm.

Theo Tuoi Tre Online