(VietNamNet) - "Ngày X, đồng chí Giang còi sẽ chính thức chấm dứt cuộc sống tự do. Thân mời bà con đến chia buồn tại khách sạn Y. Khi đi nhớ mang theo không dưới 200K" - những kiểu mời cưới giản tiện và ngộ nghĩnh như thế này chắc chỉ xuất hiện trên những forum của các Hội cựu học sinh, sinh viên. Đây là một thế giới của những điều trẻ trung kiểu như thế trong thời đại @.
![]() |
Nhờ forum, lớp mới có cơ hội tụ tập sau gần 2 năm ra trường (ảnh:H.L) |
Thời buổi mà internet chỉ hoàn toàn miễn dịch may chăng với trẻ em đang cai sữa hoặc ông già ở miệt vườn... thì chuyện forum là "xưa như Diễm". Giới trẻ chẳng mấy khi thiếu nhu cầu giao lưu và giải trí. Giới trẻ cũng rất tốc độ và sáng tạo trong việc tận dụng những công nghệ hiện đại để thoả mãn các nhu cầu của mình. Hệ quả của hai điều này là có thể thấy muôn hình vạn trạng các loại diễn đàn bung ra như bướm lượn.
Trong hằng hà sa số các hình thức diễn đàn mọc lên như nấm sau mưa, đã hình thành một dòng forum chuyên biệt: forum của các học sinh, sinh viên cùng lớp, cùng trường. Càng ngày, xu hướng này càng phát triển.
Một cõi đi về...
Tốt nghiệp đại học. Lớp 100 mạng. Vài tên may mắn sớm ổn định công việc, mấy đứa lận đận nhảy vào Nam tìm cơ hội, 5 thanh niên trai tráng thì bị "bốc" đi nghĩa vụ quân sự ở tận đâu đâu... Thi thoảng vô tình chạm trán nhau ở những cuộc thi tuyển, dù chẳng quá thân nhưng lúc này cũng rôm chuyện vì đầy nhu cầu biết tin bạn cũ: "Nhóm mày bây giờ thế nào?", "Thằng Cường tàu làm ở đâu rồi?"...
Vừa rời thời vô tư để chen chân vào những nỗi trăn trở lớn hơn nên cảm giác lưu luyến thủa sinh viên còn đong đầy. Cái mailbox chung chật hẹp trở thành nơi xả xúc cảm. Một đứa về quê Quảng Bình mail ra "Nhớ lớp thế, từ ngày ra trường chưa gặp được ai cả". Hải ghẻ, tên con trai vốn tiếng là phổi bò cũng thốt lên mấy câu... sên sến: "Thèm nhìn thấy mọi người quá, thèm trở lại ngày xưa để cãi nhau thôi cũng được".
Vậy là, mấy đứa đầu têu hò nhau lập một ngôi nhà chung để làm "một cõi đi về". Từ ngày có diễn đàn cũng thêm cơ hội gần gũi và hiểu nhau hơn. Ai đó đưa lên thông tin bố Minh nằm viện, thi thoảng một vài lời hỏi thăm đủ ấm lòng. Khi công ty nơi Mai Lan làm việc gặp chuyện lao đao, chỉ cần những câu post ngắn ngủi động viên cũng đỡ hoang mang...
Hội ở xa cũng có nơi "trải lòng" để giảm bớt nỗi khắc khoải. Sơn cận, bộ đội Tây Bắc đều đặn cuối tuần hành quân độ "vài con dao quăng" để xuống thị trấn vào mạng tâm sự chuyện đi lính. Vác mấy bao tải OK đi phát tuyên truyền kế hoạch hoá bị mấy em dân tộc chê... hàng: "Ở đây, bọn em mà không muốn có cái thằng người thì chỉ cần lên rừng hái cái lá về nhai thôi, chứ cái cán bộ cho dùng nó cứ nuồn nuột thế nào ấy"... thành ra còn thừa đủ mang về cho lớp mình dùng cả năm, nếu có nhu cầu (!).
Không có forum, chắc cũng chẳng biết thêm nhiều về cuộc sống của nhau như thế...
Cho bạn, cho tôi
"Thời khoá biểu năm học 2005-2006 đây", "Lịch thi lại học kỳ 2", "Bảng thông báo của Khoa"... là những topic thường thấy trong các forum của ĐH Giao thông Vận tải (
www.gtvt.org) hay ĐH Khoa học Tự nhiên (www.svtunhien.net). Ngoài những thông tin tán gẫu linh tinh hay bàn luận nghiêm chỉnh về những vấn đề xã hội to tát như có thể gặp tại bất kỳ mạng online nào, forum của các hội học sinh, sinh viên này luôn có những phần tin tức rất gần gũi, thiết thực.Tận dụng tốt những lợi ích của thế giới ảo cũng phần nào phản ánh sự hoạt động chuyên nghiệp và hữu dụng trong thế giới thực. Những box chia sẻ kinh nghiệm học tập, làm việc hay muôn mặt đời sống.. có lẽ là "món" truyền thống trên các forum kiểu này.
Đôi khi ở ngoài mò mẫm nhiều ngày vẫn không ra được những thông tin cần thiết. Vậy mà, chỉ một câu hỏi trên mạng là vài giờ sau đã "vỡ" ra được nhiều điều. Này là quy trình apply và kinh nghiệm chiến đấu với học bổng VEF, hay những cách thức ăn điểm cho đồ án tốt nghiệp, đến cả mánh khoé tác nghiệp đối với phóng viên trên một forum lớp báo...
Nếu cách đây vài năm, các phương tiện đại chúng luôn giữ thế mạnh độc tôn trong việc cung cấp thông tin, tri thức... thì ngày nay, việc nở rộ của các forum trở thành một sự đối trọng đáng gờm. Khác với cách thông tin một chiều trên báo chí, ở các forum, với sự tương tác nhanh, mạnh, dễ dàng, những tri thức cụ thể, đa chiều và thực tế... luôn được chia sẻ thậm chí mang lại hiệu quả thiết thực hơn nhiều lần.
Bức thư tình đầu tiên
Vào www.chuvanan.org hay www.lehongphong.net, bạn sẽ phải mặc nhiên công nhận đây là hai ngôi trường cấp 3 giàu truyền thống nhất Việt Nam. Website chính là một cơ hội để "show off" điều ấy: Với biên niên sử trường từ thời mang tên Bưởi hay Petrus Ký, hệ thống ảnh đồ sộ của hàng chục thế hệ học sinh, bảng danh sách dài thành tích... Không ngoa nếu nói, website nhân thêm niềm tự hào của học sinh với mái trường của mình.
Không thể không đề cập đến website của hội cựu học sinh trường Ams (www.hn-ams.org) - cực chuyên nghiệp về mặt tổ chức. Các học sinh trường này đã tận dụng triệt để thế mạnh thời internet để phục vụ việc học tập và hoạt động của mình. Từ xây dựng hệ thống network về du học, thiết lập thư viện online đến phát triển trang tin tức phong phú. Chưa hết, các cựu Amser còn hỗ trợ cơ sở vật chất cho trường và câu nhiều học bổng du học ngon lành về cho lớp đàn em. Đặc biệt, HAO (Hà Nội - Amsterdam Organization) còn tổ chức thành công rất nhiều event hoành tráng, lôi kéo sự tham gia của đông đảo Amsers và cả những người ngoại đạo.
Sở hữu nhiều cao thủ trong các kỳ thi Tin quốc gia, quốc tế, nên Khối chuyên Toán - Tin ĐH Khoa học Tự nhiên HN (còn có một tên gọi độc đáo: A0) có website bố cục khá khoa học www.a0-th.org. Về phần tiếng tăm, A0 có vẻ kém đình đám so với nhiều trường cấp 3 khác. Nhưng các A0-er luôn có ý thức tự tôn về chất riêng của mình và ngôi trường mình đã từng ngồi học. Website là nơi để nuôi dưỡng "niềm khoái cảm" này và cũng là 1 phương tiện xây dựng thương hiệu cho trường.
Những forum này đã thành trang thông tin chính thức của trường và là bước đầu tiên tiếp thị hình ảnh rất thiết thực. Có thể thấy ở cấp 3, những trường có forum riêng chủ yếu là trường chuyên, như www.quochochue.net, www.ptlamson.net, www.kimlien.net... và do công các cựu học sinh. Đây cũng là một điểm nữa để khẳng định phần nào đẳng cấp hay style của trường.
Nối vòng tay lớn
Cuối năm 2004, mục thông tin báo hỷ của forum lớp Báo chí K44, ĐHQG HN... hot triền miên với các topic chúc mừng đám cưới. Các thiếp mời và cả ảnh cưới được scan và post lên, thân chủ có vài lời - vậy là tin vui được phổ biến trên diện rộng nhất có thể. "Bạn bè tản mát nhiều phương. Nếu không có forum chắc chẳng kịp cập nhật đầy đủ tình hình của bọn nó" - lời nhận định cũng đủ làm admin phổng mũi.
"Anh định sang châu Âu chơi mùa hè này, có cô chú nào ở Đức hay Hà Lan thì chuẩn bị đón tiếp", "Em sắp du học Pháp, muốn ở nhờ ai đó tại Paris vài hôm". Chỉ đơn giản một lời nhắn như thế hay 1 lời hiệu triệu như "Hội bắc Mỹ tụ tập nhé" post lên, thế là những cái nick có cơ hội "tương phùng". Forum trở thành phương tiện đắc địa để nối vòng tay lớn.
Những buổi offline, những chuyến du lịch tập thể... bất tận niềm vui và mở mang quan hệ là những giá trị gia tăng tuyệt vời của forum. May mắn như T.M.T, một nhân khá nổi tiếng trên forum Ams đã tìm được "nàng" của mình qua đại hội "HAO - Ngày về". Ai bảo forum chỉ là trò vô bổ?! Thậm chí, forum còn là đòn bảy hữu hiệu để các A0 member xúc tiến thành lập AAA (A0 Alumni Association: Hội cựu học sinh Khối) và kêu gọi nhiều hoạt động thiết thực như quyên góp tiền để lập học bổng thường niên cho các học sinh khoá sau...
Thế giới mạng, cũng như cuộc sống, có những giây phút lắng đọng. Là khi được tin thày giáo cũ qua đời, để nhiều người ngậm ngùi những dòng hồi tưởng. Là khi ai đó post lên ảnh lớp của cái thủa ngây ngô "Mười năm về trước ta 17" để chợt xao lòng khi thấy thời gian trôi qua. Là khi một cậu bạn du học 6,7 năm bất chợt bắt gặp trên forum tin lên xe hoa của cô bạn gái từng gây thương nhớ năm nào... để bồi hồi "tưởng rằng đã quên". Là khi một U40 nhiều năm lăn lộn thương trường nơi xứ người được trở về với những cảm xúc thời "khát khao làm những điều vĩ đại". Là khi những lời bóng gió hài hước của các member giúp ai đó nhận ra sự vô lý của mình để soi lại bản thân...
Ai bảo forum chỉ là nơi tào lao?!
▪ Trường AIT đã dùng hết học phí của sinh viên! (15/09/2005)
▪ Du học sinh VN tại Cu ba: Khổ vì sinh hoạt phí! (15/09/2005)
▪ Học phí dân lập bao nhiêu? (15/09/2005)
▪ Mời tham gia diễn đàn: Du học bằng ngân sách Nhà nước (15/09/2005)
▪ Lớp năng khiếu hay lớp học "nhà giàu"? (15/09/2005)
▪ ĐH Huế tuyển 300 chỉ tiêu NV3 (15/09/2005)
▪ Điểm chuẩn NV2 Mỏ Địa chất, Bách khoa, Nhân văn (15/09/2005)
▪ Hơn 100 trường công bố điểm chuẩn NV2 (16/09/2005)
▪ "Gia hạn nghiên cứu là chuyện bình thường" (16/09/2005)
▪ ĐH Macquarie, Úc cấp 25 học bổng (14/09/2005)