Mốt học đắt giá hay "quăng" tiền Nhà nước?
Các Website khác - 28/10/2005

Năm ngoái, tôi đến một công ty dịch vụ du lịch tại Hà Nội chuyên hoạt động về "business tour" hỏi về chương trình đào tạo chính phủ điện tử. Mặc dù nhân viên nơi đây chưa quen với thuật ngữ này, nhưng vẫn lạc quan thông báo sẽ có chương trình ngay ngày hôm sau với điều kiện tôi đưa cho mượn giáo trình về chính phủ điện tử.

Ngày hôm sau, đã có cả một chương trình 10 ngày qua 3 nước, mỗi nước có nửa buổi học một chuyên đề về chính phủ điện tử. Thời gian còn lại là tham quan khảo sát danh lam, thắng cảnh. Tất nhiên, mức học phí cho cả đợt cao gấp 2 lần các tour du lịch thường.

Qua tiếp xúc với một số đơn vị du lịch thương mại thì mấy năm nay, họ rất thành công vì khai thác được khá nhiều doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đi học tập chuyên đề theo kiểu trên, có nhiều đơn vị đặt hàng các chương trình đào tạo, thời gian đào tạo, giá cả, cắt xén hoặc bổ sung cho thêm tính thuyết phục, hấp dẫn và cuối cùng là nội dung chứng chỉ cần đề cập.

Một số doanh nghiệp Nhà nước đến đặt các chương trình mà ngành mình đang hoạt động hoặc giải quyết chính sách tham quan nước ngoài cho lớp người đến tuổi về hưu qua hình thức một "course" học nghiệp vụ khoảng chục ngày ở nước ngoài.

Các đơn vị du lịch thương mại luôn thỏa mãn với yêu cầu của đối tác, thu nội, chi ngoại, hóa đơn đối tác nước ngoài có hết, miễn là thành lập được đoàn đủ cơ số. Còn về chất lượng sau mỗi chuyến "đi học", có mấy ai được ưu tiên cử đi lại kêu kết quả tồi đâu.

Đừng lãng phí tiền Nhà nước

Một số đơn vị đào tạo kỹ thuật nước bạn gần đây đã mở thêm những khóa học dành cho người nước ngoài nghe thật mỹ miều, trong đó có hàng chục những mảng kỹ thuật cần phát triển kỹ năng, mỗi mảng vài chục tiết đào tạo, nhưng thời gian học kéo dài đến cả thảng và dĩ nhiên, học phí cũng cao ngất.

Có "course" đào tạo tới 2 tháng mà nếu học ban ngày (mỗi tuần 2 buổi) và 3 tháng học buổi tối (mỗi tuần 3 tối) vơi shọc phí từ 1.400 USD đến 1.600 USD, có lẽ họ nắm được cái mốt: Học để mà chơi, chơi để mà học của ta để liên kết đào tạo.

Ấy vậy mà một cơ quan chủ quản đã bỏ tiền ra để đưa cán bộ đi học chương trình trên. Những chương trình đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn về mô hình quản lý hoặc kinh nghiệm tổ chức thì giáo trình đào tạo, chương trình đào tạo, đối tượng đào tạo...đều có thể được chấp thuận một cách mau lẹ, đáp ứng tức thì, miễn là thỏa thuận được về dịch vụ.

Trước đây, đi công tác để tham quan, dự triển lãm nền công nghiệp của nước bạn, để nâng cao tầm nhìn cho các vị lãnh đạo chủ chốt của cơ quan, đơn vị, nhất là các mô hình, chương trình có thể định hướng cho tương lai gần khi về nước và thực tế đã có nhiều thành công tại một số địa phương, nhưng khi đó coq quan chủ quản hoặc đơn vị tổ chức các chương trình nhận rõ tầm quan trọng của một chuyến công du, thực sự là cơ hội, bài học thu hoạch có chất lượng.

Tuy không thể đem so sánh với thời kỳ đổi mới, giai đoạn kinh tế mở với tốc độ đầu tư, phát triển, dự án được coi là chóng mặt, đòi hỏi phải đáp ứng gấp các yêu cầu về yếu tố con người. Thế nhưng, đã đến lúc chúng ta phải đánh giá cao thực chất của công tác đào tạo theo kiểu "tìm hiểu", "tập huấn", "khảo sát"...các chuyên đề ngắn hạn bằng tiền công, tiền dự án thông qua các tổ chức dịch vụ thương mại hiện nay.

Nên chăng, Nhà nước sớm ban chiểu những quy chế hợp thời với kiểu đào tạo ngắn hạn nước ngoài bằng tiền công hiện nay qua các tổ chức dịch vụ du lịch.

(Theo Lao Động)