![]() |
Còng lưng làm bài tập. Ảnh: A.T. |
Buông cây bút, bé Ngọc Anh thút thít khóc bên bàn học. Đã hơn một giờ đồng hồ mà cô học sinh lớp 1 này vẫn chưa chép xong phần bài tập cô giáo giao về nhà, dù các ngón tay đã mỏi rã rời. Nhưng khi mẹ bảo nghỉ sớm, Ngọc Anh vẫn không chịu vì sợ ngày mai đi học sẽ bị điểm kém.
Chị Mai Anh, mẹ của bé Ngọc Anh, cho biết, bắt đầu năm học, lớp của Ngọc Anh vẫn thực hiện đúng quy định không giao bài làm thêm ở nhà đối với học sinh học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, sau một tháng, cô giáo bắt đầu giao bài tập về nhà cho các cháu vì sợ học sinh học ở lớp không đủ. "Tuy không phải đóng thêm học phí, nhưng cũng phải nộp tiền mua thêm 1 số sách, vở ngoài quy định. Nhưng, khổ nhất là cháu phải ngồi viết khoảng 1,5-2 giờ mỗi tối. Nhìn nó cứ miệt mài bên bàn học mà thương vì cả ngày đã ở trường rồi, làm gì có thời gian để chơi và xem tivi nữa đâu".
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, bắt đầu từ niên học 2005-2006, các trường tiểu học phải lên kế hoạch giảng dạy phù hợp để học sinh hoàn thành bài tập tại lớp, tuyệt đối không giao bài làm thêm ở nhà đối với học sinh học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường vẫn không thực hiện nghiêm túc quy định này.
Một phụ huynh lớp 1 trường tiểu học Dịch Vọng A cho biết, trong buổi họp phụ huynh đầu năm, cô giáo có gợi ý và phân tích về lợi và hại của việc làm bài tập về nhà. Sau đó một số phụ huynh đồng tình đề nghị cô giao bài cho các cháu. Và để "an tòan" cô yêu cầu phụ huynh giữ bí mật. Theo một số giáo viên, đây là lớp học đầu tiên, cần phải luyện tập nhiều. Nếu chỉ học ở trên lớp thì chưa đủ nên cần phải làm thêm bài tập, đặc biệt là tập viết và tập đọc.
Tuy nhiên, không chỉ lớp 1 mà ngay cả những lớp 2, 3 cũng được cô giáo giao bài về nhà. Một học sinh lớp 2D trường Dịch Vọng A cho biết, mỗi ngày cô giao 2 bài toán, và bài chính tả về luyện tập. Còn học sinh lớp 4I trường tiểu học Trưng Vương thì hôm nào cũng được giao bài tập, nhiều nhất là bài môn Toán. "Có hôm em làm bài Toán hết cả buổi tối chẳng được xem phim nữa", một học sinh than thở.
Theo ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Hà Nội, không thể nói giờ học trên lớp là không đủ để làm bài. Bởi mỗi một môn học trong một buổi ở bậc tiểu học chỉ có khoảng 4-5 bài tập, một tiết học là quá đủ thời gian để giáo viên hướng dẫn học sinh. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi những trường hợp do phụ huynh quá sốt ruột khi thấy con mình không ôn tập ở nhà nên yêu cầu cô giáo giao thêm bài tập. Thực tế có những bà mẹ yêu cầu con phải tập viết 2-3 trang rồi mới cho ăn cơm. Hoặc có những giáo viên vì muốn lớp mình tiến bộ nhanh mà yêu cầu học sinh về nhà luyện tập.
Ông Tiến cho rằng, từ khi thí điểm, Hà Nội đã thực hiện rất tốt quy định này. Phòng giáo dục của các quận, huyện thường xuyên kiểm tra các trường, Sở GD&ĐT cũng có những đợt kiểm tra đột xuất. Ông Thái nói: "Chúng tôi có nhiều biện pháp để kiểm tra việc thực hiện quy định này nhưng hiệu quả nhất là phỏng vấn học sinh và phụ huynh ngoài cổng trường. Với biện pháp này thì dù giáo viên có yêu cầu phụ huynh giữ bí mật thì cũng sẽ bị bật mí. Nếu phát hiện có vi phạm thì chúng tôi sẽ xử lý cụ thể".
Trịnh Vũ
▪ Phát hành thẻ học tiếng Anh online (19/10/2005)
▪ Phút nói thật (19/10/2005)
▪ Học sinh được tham gia xây dựng chương trình giảng dạy (19/10/2005)
▪ SV sư phạm Huế thấy áo dài bất tiện (19/10/2005)
▪ "Nhiều ý tưởng có thể trùng nhau" (19/10/2005)
▪ Giáo dục về quyền sở hữu trí tuệ gặp khó khăn (18/10/2005)
▪ Sẽ có thêm trường ĐH dân lập Đại Nam (18/10/2005)
▪ Học bổng SV: Cao nhất 600.000đ/tháng (18/10/2005)
▪ Sách giáo khoa có lỗi của hơn 400 lĩnh vực (18/10/2005)
▪ Giải nhất sáng tạo thanh thiếu niên là sản phẩm copy? (17/10/2005)