Những hội thảo bị bỏ quên
Các Website khác - 19/02/2006

(VietNamNet) - Hội thảo là một trong những nguồn cung cấp thông tin, tư liệu bổ ích với sinh viên. Nhưng thực tế, kênh thông tin này nhiều khi bị bỏ quên.

Soạn: AM 708289 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Tới hội thảo, nếu không tìm được thông tin mình cần thì cũng là cơ hội thực hành giao tiếp tiếng Anh (Ảnh: Nguyên Vũ)

“Em được biết tới cuộc hội thảo này là do cô giáo. Cô nói ở đây vừa có thể tìm được tài liệu về nhiều vấn đề, vừa có thể thực hành vốn tiếng Anh thông qua nghe nói trực tiếp. Cho nên em tới đây. Vừa là cơ hội, lại vừa...free, sao lại không tận dụng?”. Hoàng Nhật Hương, SV năm đầu khoa Ngoại ngữ (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho hay.

Với một cuốn sổ tay và một cây bút, Hương vừa nghe vừa cắm cúi ghi chép hăng say. Hưng là một trong số những SV ở lại cho đến cuối của cuộc hội thảo về “ Giáo dục ĐH tại Mỹ” tổ chức tại trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) chiều 16/2. Tiếc rằng, số SV này lại không nhiều.

Cuộc hội thảo trên gây cho tôi ấn tượng về một sự kiện được chuẩn bị khá chu đáo. Được tổ chức bởi Trung tâm Thông tin-Thư viện (ĐHQG HN) phối hợp với phòng Thông tin văn hoá (Đại sứ quán Hoa Kỳ), nội dung của hội thảo là tăng cường nhận thức về giáo dục ĐH Mỹ và một số vấn đề liên quan đến du học. Bên cạnh đó, một nội dung rất đáng chú ý là việc giới thiệu phương pháp học tiếng Anh áp dụng cho SV VN do chuyên gia Alex Hadden phụ trách. Có thể thấy, hội thảo hướng tới đối tượng chính là giảng viên và SV.

Thực ra, sự thờ ơ của nhiều SV với các cuộc hội thảo khoa học không phải là vấn đề mới mẻ. Viễn cảnh phải nghe những bài báo cáo hay diễn văn lê thê không mấy khi làm mọi người hứng thú. Và công tác thông tin về hội thảo nhiều khi thực hiện không tốt cũng là một trong những nguyên nhân. Một SV nói rằng, cậu ta có mặt tại hội thảo là do tình cờ thấy băng rôn nên vào. Còn trên lớp thì không thấy bất cứ một thông tin nào về cuộc hội thảo này. Có lẽ, do cán bộ lớp cho rằng, dù thông báo cũng chẳng mấy ai đi nên mặc nhiên bỏ qua.

Rõ ràng, việc thu hút SV - đối tượng quan trọng cho các cuộc hội thảo tại giảng đường ĐH đã không mấy được chú trọng. Và nhiều cơ hội thông tin quan trọng đã bị bỏ lỡ. Nếu đánh giá dựa trên mức độ nắm bắt thông tin của SV thì nhiều cuộc hội thảo mặc dù rất thành công trong khâu tổ chức song vẫn chưa thể nói là hiệu quả được.

Học qua... hội thảo

Có lẽ, với một “chuyên gia” của các cuộc hội thảo như Hoàng Vân - cựu SV ĐH Ngoại thương, việc bỏ lỡ chúng là vô cùng đáng tiếc. “Nói chung mình luôn cố gắng thu xếp để tham dự. Nhiều khi đến hội thảo chưa hẳn vì quan tâm đến chủ đề của nó mà để tiếp xúc với nhiều người và để thu thập tài liệu”- Vân nói.

Theo kinh nghiệm của Vân, thông thường, các cuộc hội thảo đều có tài liệu đi kèm dành cho người tham dự. Nhiều khi, các tài liệu này thuộc về một tổ chức nào đó nên không bày bán trên thị trường và số lượng không nhiều, có thể xếp vào loại “hàng độc”. Hiện tại riêng về chủ đề văn hoá và du học, Vân đã có một bộ sưu tập từ Anh, Mỹ, Úc, Nhật...cho đến Hàn Quốc, Trung Quốc. Do đó, cô chẳng hề ngần ngại những môn học hay những buổi thuyết trình liên quan đến văn hoá hay các chủ đề tương tự.

Lời khuyên của Vân là: “Tuyệt đối không nên bỏ qua những cuộc hội thảo về chuyên môn. Còn nếu không có thời gian hay không muốn phải nghe những bài diễn văn lê thê thì hãy cố gắng tìm hiểu chương trình của nó trước. Và chỉ xuất hiên vào lúc mà hội thảo đang diễn ra vấn đề mà bạn quan tâm. Dự hội thảo một cách chủ động là vậy đó!”

Hiện nay, việc tổ chức hội thảo đó trở thành hoạt động thường xuyên của nhiều tổ chức, trung tâm hay cãc trường ĐH. Chỉ tính riêng tại các trường ĐH, con số các cuộc hội thảo của lớp, của khoa, của trường là không thể tính hết được. Song, nhiều SV năm ba, năm tư thừa nhận là nếu không bị bắt buộc, sẽ bỏ qua các loại hội thảo. Lý do đưa ra là "ba không": không có thời gian, hội thảo không hấp dẫn và không biết thông tin.

  • Trịnh Khánh