(VietNamNet) - Vừa làm vừa sửa đổi và hoạt động sao cho phù hợp với thực tế. Đến nay, bưu cục thực hành dành cho SV trường CĐ dân lập Công nghệ thông tin TP.HCM dần đi vào hoàn thiện. Với đầy đủ các trang thiết bị của một bưu điện thực thụ: cabin điện thoại, bưu phẩm, máy fax, bảng tính cước...
Hiện nay, các trường đang đẩy mạnh đầu tư để có sự cân đối giữa xưởng-trường, giữa lý thuyết và thực hành. Một vài trường đã manh nha đưa các trung tâm thực tập vào tận trường cho sinh viên.
Bưu cục trong nhà trường
Một nhóm với 10 SV bao gồm Giao dịch viên bưu phẩm - bưu kiện, nhân viên chuyển tiền, nhân viên phát hành báo chí và 7 khách hàng với những tình huống được đặt ra: "Em ở quê lên, không biết BC01, VT01 là gì, chị có thể giải thích giùm được không?", "Hình như chị tính cước nhầm rồi! Tại sao tiền chưa được chuyển đến tay người nhận?", "Tôi gởi thư bảo đảm, nhưng cả tuần nay thư vẫn chưa tới nơi, chị kiểm ta lại giùm..."Những tình huống, những quy định của bưu điện đã được giảng viên cung cấp, nhưng chỉ tưởng tượng trên giảng đường thì không hiệu quả. Đến với bưu cục thực hành, SV được đóng vai thật, giải quyết những thắc mắc thật do chính bạn mình đưa ra. Có những tình huống, khách hàng nắm rõ hơn nhân viên bưu điện.
Giảng viên Phùng Thị Cẩm Tú, hướng dẫn SV thực tập của trường cho biết: "Có những tình huống, SV tự nghĩ ra hay những thắc mắc của SV làm mình bất ngờ. Chỉ khi tiếp xúc với thực tế, SV mới đụng chạm đến những vấn đề khó xử như thế. Một bưu điện không dựa vào kiến thức lý thuyết để tuyển một nhân viên, mà đánh giá năng lực SV qua việc giải quyết các tình huống. Nếu lúc còn là SV, đã được va chạm rồi thì khi đi xin việc sẽ không còn ngỡ ngàng". Mục đích của bưu điện thực hành là giúp SV đi sâu vào nghiệp vụ, xử lý tốt những sai phạm thường gặp trong công việc.
Vì thế, bưu cục thực tập luôn cập nhật thông tin giá cước mới, các quy định hiện hành của bưu điện. Thỉnh thoảng cô Cẩm Tú lại liên lạc với các bưu điện để bổ sung các kiến thức thực tế, nhằm giúp SV tiếp cận thiết thực với bưu điện.
Hiện nay, trường CĐ dân lập Công nghệ thông tin TP.HCM đang chuẩn bị cho ra đời mô hình Kế toán ảo. Và trên những thành công, hiệu quả nhất định, các ngành nghề khác của trường cũng đang lên phương án để đưa thực hành vào nội dung đào tạo nhiều hơn.
Phòng kế toán ảo
TS Nguyễn Cửu Đỉnh, Phó trưởng khoa Tài chính - Kế toán hướng dẫn chúng tôi tham quan phòng Mô phỏng Kế toán của trường ĐH Văn Lang.
Một nhóm gồm 8 người, như mô hình hoạt động của một công ty, trong đó SV đóng vai là các nhân viên kế toán: kế toán tổng hợp và kế toán chi tiết. Tự làm các bộ chứng từ và sổ sách thực tế, giảng viên đóng vai trò cố vấn. Mỗi bạn SV sẽ thay nhau thử sức trong vai trò là một kế toán tiền mặt, ngân hàng hay kế toán công nợ...dưới sự hướng dẫn của các kế toán trưởng, giám đốc ở các công ty, xí nghiệp...
Khởi đầu từ năm 2003, những ngày chập chững hình thành, dự án cũng gặp nhiều khó khăn. Thầy Đỉnh cho biết: "Khó khăn ban đầu là xin được các chứng từ kế toán của các doanh nghiệp. Ngày đầu mới hoạt động, SV chỉ được thực hành trên vài chục chứng từ".
Giờ thì, SV của trường đã có đến vài trăm chứng từ kế toán để làm quen, được cầm trên tay tờ hoá đơn đỏ, được ghi sổ kế toán trên mẫu biểu thực và được rèn luyện kỹ năng làm việc theo nhóm. Và hầu như tiếp cận được với sự đa dạng của bộ máy kế toán có thể xảy ra trong thực tế. Đến với phòng mô phỏng kế toán, luôn được nhắc nhở: các bạn đang đi làm, chứ không phải đi học!
Hiện nay, 2 Bộ môn Tài chính doanh nghiệp và Tín dụng - Ngân hàng cũng đã bắt đầu xúc tiến việc chỉnh lý tài liệu giảng dạy của mình. Các bộ môn đã đưa ra phương án phải thiết kế chương trình mô phỏng của Khoa Tài chính - Kế toán thành một hệ thống khép kín hoàn hảo giữa các chuyên ngành.
Chẳng hạn như kết quả xử lý của bộ phận kế toán (mô phỏng kế toán) sẽ chuyển dữ liệu sang bộ phận tài chính (mô phỏng tài chính) xử lý để ra quyết định đầu tư hoặc đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.... Cao cấp hơn nữa, phải vận dụng kiến thức kế toán quản trị để thiết lập hệ thống báo cáo nội bộ trên cơ sở kế toán tài chính phục vụ cho việc ra quyết định.
Với phương pháp đưa mô hình thực hành vào trường, TS Nguyễn Cửu Đỉnh khẳng định: "Mô hình đào tạo này đã cho thấy khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế đang được rút ngắn. Và mong ước là mô hình này sẽ hoàn chỉnh, nghĩa là công việc ở một công ty, xí nghiệp như thế nào thì SV được tiếp cận như thế".
Thật hoàn toàn
Cái thật ở đây là SV không còn ngỡ ngàng với thực tế, tự tin hơn trong công việc cũng như hình dung trước những tình huống phát sinh khi đi vào thực tế.
Hoàng Nguyên Thuỵ, SV khoá 2 của trường CĐ dân lập Công nghệ thông tin TP.HCM không còn bỡ ngỡ khi bước vào thực tập chính thức ở bưu điện Gia Định thì hầu hết các khâu làm việc của một bưu điện thực tế bạn đã được làm quen khi còn trong trường. Thuỵ cho biết: "Tụi em là những khoá đầu tiên, khi bưu cục thực hành mới được xây dựng nên các thiết bị, vật tư còn thiếu thốn nhưng phần nào cũng mô phỏng được một bưu điện trong thực tế".
Vì Thuỵ thạo việc, nên khi đi thực tập cũng được các nhân viên bưu điện tạo điều kiện để tiếp xúc với các khâu: bưu phẩm bưu kiện, chuyển tiền, chuyển fax...Và vốn quen với các thao tác, nên bạn làm nhanh tay hơn, có thời gian để hoàn thành đề tài tốt nghiệp của mình và làm quen với nhiều công việc ở bưu điện.
Khi hỏi về phòng Mô phỏng kế toán của trường mình, bạn Vũ Thanh Huyền, SV trường Văn Lang hào hứng: "Hữu ích và rất thực tế, nhiều SV học kinh tế ở các trường khác không được như tụi em".
Với mô hình giống một công ty thu nhỏ, Huyền được làm 1 kế toán viên thực thụ. Với Huyền, đi thực tập ở các công ty cũng không được hướng dẫn tận tình và tiếp xúc nhiều với các chứng từ như thế.
Tại phòng mô phỏng, Huyền cùng các bạn của mình được hỏi và được các thầy cô hướng dẫn giải đáp thắc mắc. Huyền khẳng định: "Mô phỏng kế toán đã giúp mình biết được những vấn đề gì cần phải tiếp cận sâu, hỏi kỹ khi đi thực tập ở các công ty, xí nghiệp. Và lường trước được công việc của mình sẽ như thế nào".
Hiện nay, nhiều trường ĐH, CĐ cũng đang lập dự án cho mô hình đưa phòng thực hành vào trường. Được biết, một vài trường có đào tạo ngành Kế toán đang xây dựng phòng kế toán ảo để SV làm quen dần với công việc.
▪ Học bổng cho bậc đại học, cao học Mỹ (22/12/2005)
▪ Phân ban: Cần đặt lại toàn bộ vấn đề (22/12/2005)
▪ Từ điển Longman trở lại Việt Nam (22/12/2005)
▪ Sinh viên xin được thi trượt (21/12/2005)
▪ Quá tải tiểu học không chỉ tại chương trình (21/12/2005)
▪ Cán bộ là tiến sĩ ở Hậu Giang được thưởng 40 triệu đồng (22/12/2005)
▪ "2 hay 3 ban cũng chỉ là hình thức" (21/12/2005)
▪ Học bổng 4 trường công lập tại Mỹ (21/12/2005)
▪ Không có lý do gì để chần chừ (21/12/2005)
▪ Giáo viên trường công bị các bệnh tâm thần tăng mạnh (22/12/2005)