Tăng mức cho vay đối với HSSV là cần thiết!
Các Website khác - 04/09/2008

 

 
Ảnh minh họa.

Hanoinet - Đối tượng HSSV vay vốn bao gồm HSSV có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường ĐH, CĐ, TCCN và tại các cơ sở đào tạo nghề không có sự phân biệt công lập hay ngoài công lập, không phân biệt thời gian đào tạo trên hay dưới 1 năm.

Khẳng định nhu cầu tăng mức cho vay đối với HSSV trong điều kiện hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, mức điều chỉnh cho vay sẽ "chờ" sau khi có chính sách thu học phí mới. Dự kiến HSSV sẽ được vay ở mức mới bắt đầu vào học kỳ 2.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội đã cho biết như vậy.

Đối tượng HSSV vay vốn bao gồm HSSV có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường ĐH, CĐ, TCCN và tại các cơ sở đào tạo nghề không có sự phân biệt công lập hay ngoài công lập, không phân biệt thời gian đào tạo trên hay dưới 1 năm. HSSV là thành viên hộ gia đình thuộc hộ nghèo, hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo (còn gọi là cận nghèo)... đều được vay vốn.

Trong hội nghị về Tín dụng đối với HSSV diễn ra vào trung tuần tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tới đây đối tượng cho vay sẽ xem xét thêm đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, mất hết nhà cửa...

Thời hạn cho vay, thu hồi nợ lãi đã được kéo dài hơn trước đây, cụ thể là sau khi ra trường 12 tháng (trước đây là 6 tháng), HSSV mới phải bắt đầu trả nợ. Đối với các trường hợp HS học nghề ngắn hạn thì thời gian trả nợ tối đa bằng 2 lần thời gian đi học. 

Thêm vào đó, chủ trương cho HSSV vay vốn đã được chuyển về địa chỉ vay tại nhà, gần đây Bộ GD-ĐT lại có thêm bản cam kết yêu cầu HSSV ký, ra trường đi làm trả nợ cùng gia đình.

Trước đây, theo bà Hà Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, khi tiếp nhận Quỹ tín dụng HSSV từ Ngân hàng công thương năm 2002, số nợ quá hạn chiếm đến hơn 70 tỷ đồng (khoảng 16% số cho vay). Số nợ này không liên hệ được với SV vì không biết họ đi đâu, về đâu, liên hệ với gia đình cũng không thấy hồi âm, bà Hạnh bộc bạch.

Năm 2007, dư nợ là 290 tỷ đồng với tổng số được vay vốn là 100 nghìn HSSV. Bà Hạnh cho biết, lúc đó nợ quá hạn trước chưa thu được, cộng thêm phát sinh là 17 tỷ đồng. Từ khi cho vay qua hộ gia đình thu nợ được hơn 5 tỷ đồng.

Hiện nay, dư nợ cho vay đã lên đến mức hơn 5.000 tỷ đồng với gần 750 nghìn HSSV được vay, mức vay cũng cao hơn. Bà Hạnh cho biết, nhiều gia đình dù chưa đến kỳ đáo hạn nhưng đã muốn trả nợ dần.

Theo Bảo Anh/VNN