Ông Nguyễn Văn Ngữ |
Đó là quan điểm của ông Nguyễn Văn Ngữ - Vụ trưởng vụ Kế hoạch Tài chính (bộ GD-ĐT) trước tình hình tăng HP ở các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL). Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngữ cho rằng:
Đối với các trường NCL (hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, tự cân đối thu chi), HP càng là một nguồn lực đóng vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là một nguồn chính, để các trường hoạt động và tiếp tục đầu tư phát triển.
Trong bối cảnh giá cả biến động, các chi phí đều tăng như hiện nay, xu hướng tăng HP của các trường NCL vào đầu năm học mới này là điều có thể hiểu được. Nhưng thu ở mức nào, tăng bao nhiêu, các trường ĐH, CĐ NCL đều phải cân nhắc kỹ lưỡng. Khi xác định mức HP các trường nên xem xét trong bối cảnh rất nhiều thứ đã tăng giá, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đồng thời, mức HP phải tương xứng với kinh phí đầu tư cho hoạt động và chất lượng đào tạo của trường để người học có thể chấp nhận được...
Nguồn thu phí không chỉ ở học phí
* Theo ông, mức HP nên ở mức bao nhiêu thì có thể thoả mãn được các yêu cầu kể trên và người học có thể chấp nhận được?
- Các trường có mức chi phí cho hoạt động đào tạo, cho đầu tư cơ sở vật chất... khác nhau nên mức thu cũng sẽ khác nhau. Khi bàn đến mức HP của các trường NCL có thể tham khảo thông tin này: ước tính với kinh phí cho cho giáo dục ĐH năm 2008, tính bình quân một SV công lập được nhà nước chi 6,7 triệu đồng/năm, tăng so với 5,2 triệu đồng vào thời điểm năm 2006.
Tất nhiên, các trường NCL không thể đơn giản xác định mức thu HP bằng cách tính toán rồi dồn toàn bộ gánh nặng chi phí đầu tư, hoạt động cho người học đóng góp. Bản thân các trường ĐH phải có giải pháp tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, cung cấp dịch vụ, chuyển giao công nghệ cho khu vực tư nhân...
Còn để “được người học chấp nhận”, rõ ràng mức HP phải tương xứng với chất lượng đào tạo, với những dịch vụ mà người học được hưởng. Người học có quyền lựa chọn chứ. Nếu một trường xác định mức HP cao, không tương xứng với chất lượng đào tạo sẽ không thể thu hút được người học.
* Nhưng thưa ông, dường như các trường ĐH, CĐ NCL đang “đơn phương” đưa ra các mức HP trong khi người học lại có ít cơ hội để lựa chọn, nhất là khi người học đang thiếu những thông tin để có thể biết mức HP đó có tương xứng với chất lượng đào tạo mà họ sẽ được hưởng hay không?
Phụ huynh và thí sinh đến nộp học phí tại Trường đại học dân lập Hùng Vương, TP.HCM (sáng 3-9-2008) - Ảnh: N.HÙNG |
Các trường NCL không được sự hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước nên phải thu HP cao hơn công lập. Thu HP bao nhiêu phụ thuộc nhiều vào mức chi. Khi xác định chi phí đào tạo phải trong các điều kiện cụ thể của từng trường.
Ví dụ như các trường NCL tự trả lương cho đội ngũ giảng viên. Muốn thu hút được giảng viên, nhất là các giảng viên giỏi, có trình độ, uy tín thì phải trả lương cao, dẫn đến chi phí cao. Nhưng các trường phải tính toán sát, không thể khai nâng, báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật về các khoản chi, về mức đầu tư cho cở sở vật chất, đội ngũ giảng viên... để xác định mức HP cao, không hợp lý. Bộ GD-ĐT hàng năm đều tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động của các trường và có báo cáo chi tiết về tình hình hoạt động mọi mặt của các trường NCL.
Các trường cùng với việc thu HP phải thực hiện công khai việc sử dụng tiền HP nói riêng và nguồn tài chính của trường nói chung. Theo Luật và các quy định liên quan khác, các trường dân lập, trường tư thục bắt buộc phải thực hiện chế độ công khai tài chính. Không thể để người học đóng tiền trường thu mà không biết sử dụng như thế nào.
Chi sai sẽ bị xử lý!
* Nhưng những thông tin về các cơ sở đào tạo đã vi phạm các quy định về đào tạo, đầu tư cho đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất không tương xứng với qui mô làm ảnh hưởng chất lượng đào tạo mới chỉ được công bố giới hạn trong phạm vi các hội nghị, làm sao những thông tin này đến được người học để biết và lựa chọn?
- Đây là vấn đề đang được Bộ GD-ĐT tập trung giải quyết. Trong năm học này, bộ sẽ đẩy mạnh việc công khai tài chính trong ngành, đặc biệt là ở đối với các cơ sở đào tạo.
* Vậy trong trường hợp các trường quy định mức HP không tương xứng, quá cao, so với chất lượng đào tạo, bộ GD-ĐT có can thiệp được không?
- Ngay từ năm học mới này, Bộ GD-ĐT sẽ kiên quyết thực hiện việc công khai tài chính, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc các cơ sở đào tao thực hiện “ba công khai”, trong đó nhất thiết phải có sự công khai với người học về việc sử dụng nguồn HP.
Để thực hiện được giải pháp trên, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng qui trình thực hiện “ba công khai” về tài chính để các trường thực hiện. Qui trình này sẽ được ban hành ngay trong tháng 9-2008. Như vậy các trường sẽ bắt buộc phải công khai các điều kiện để thực hiện đào tạo, đội ngũ GV, cơ sở vật chất để đảm bảo đào tạo công khai sử dụng nguồn thu, chất lượng đào tạo. Bộ trưởng cũng đã chỉ đạo sẽ xây dựng một trang web đưa công khai toàn bộ thông tin của các trường lên để cung cấp thông tin cho người dân, người học có thể tham khảo, chọn trường.
Việc các trường không đảm bảo các điều kiện đào tạo trước hết liên quan đến qui mô đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, nếu kiểm tra thấy điều kiện thực tế (về giảng viên, cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ giảng dạy, chương trình đào tạo...) của các trường không đúng như đã thông báo, bộ sẽ sẽ căn cứ theo các tiêu chí được quy định làm căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm để xử lý. Vi phạm sẽ xử phạt bằng cách cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh, qui mô đào tạo, không cho phép tiếp tục tuyển sinh đối với những ngành chưa đạt yêu cầu...
* Xin cảm ơn ông.
THANH HÀ thực hiện
▪ Có nên vừa học vừa làm? (04/09/2008)
▪ Tăng mức cho vay đối với HSSV là cần thiết! (04/09/2008)
▪ Học bổng lên tới 50% tại TMIS, Singapore (04/09/2008)
▪ Giáo dục vùng cao đang "chạy đua" (03/09/2008)
▪ Học nghề để đi làm ngay (03/09/2008)
▪ Thực hiện quy trình ngược: Làm sao không sai! (03/09/2008)
▪ ĐH ngoài công lập: Chóng mặt với học phí (03/09/2008)
▪ Thời gian học đại học có thể còn 3 năm (30/08/2008)
▪ Thiếu giáo viên trầm trọng (29/08/2008)
▪ Hơn 50% học sinh TP HCM trượt tốt nghiệp lần 2 (29/08/2008)