TP - Hơn một nghìn trẻ nhiễm HIV ở TPHCM khát khao được đến trường nhưng con đường đến trường của các em còn quá chông chênh khi mà sự kỳ thị từ cộng đồng vẫn còn rất lớn.
Trẻ bị nhiễm HIV cũng như những em bé bình thường này, rất muốn đến trường và không bị cộng đồng kỳ thị. Ảnh: Lê Nguyễn |
Tại cuộc họp báo triển khai chương trình chăm sóc trẻ em nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại TPHCM được đến trường hôm 22/5, đại diện nhiều trung tâm nuôi dạy trẻ nhiễm căn bệnh thế kỷ và trường học cho biết, sự kỳ thị của cộng đồng đối với những trẻ em này còn quá lớn.
Gian nan
Năm học 2008- 2009 là năm đầu tiên Trường Tiểu học Xuân Hiệp, quận Thủ Đức, TPHCM công khai thực hiện việc tiếp nhận trẻ em nhiễm HIV ở Trung tâm Tam Bình. Trước khi năm học bắt đầu, chủ trương trên được TPHCM thông qua.
Hàng trăm phụ huynh có con em học ở trường gọi điện hoặc trực tiếp đến trường, thậm chí đến lãnh đạo cấp cao ở quận, phản ứng gay gắt quyết định trên.
Theo ông Dương Hoàng Tuấn- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Hiệp, lúc đầu, không ít phụ huynh xin cho con họ chuyển trường vì lý do không thể để con họ sống chung với trẻ nhiễm HIV được. Nhiều phụ huynh cho rằng con họ sẽ lây căn bệnh thế kỷ từ số trẻ nhiễm này...
Nơi có hơn 90 phần trăm phụ huynh là những người nhập cư. Để giúp phụ huynh hiểu vấn đề, trước khi năm học 2008- 2009 bắt đầu, nhà trường phối hợp với ngành y tế địa phương tổ chức tuyên truyền cơ chế lây lan và biện pháp phòng tránh HIV đến tất cả chi hội phụ huynh.
“Ngoài tập trung giảng dạy, 42 phòng học đều được trang bị tủ thuốc sơ cứu và tập huấn sơ cấp cứu cho toàn bộ giáo viên khi phát hiện bất kể học sinh nào bị chảy máu vết thương. Đến gần hết năm học phụ huynh đã yên tâm phần nào” – Ông Tuấn nói.
Xơ (nữ tu đạo Thiên Chúa) Lê Thị Tríu- Trung tâm Mai Hòa, rất xúc động khi trong năm học 2009- 2010, UBND huyện Củ Chi cho phép những trẻ nhiễm HIV mà xơ đang nuôi dưỡng tại trung tâm đến trường.
Tuy nhiên, xơ Tríu vẫn đau đáu nỗi lo vì sự kỳ thị của phụ huynh và cả các học sinh cùng trang lứa vẫn là rào cản lớn trên con đường các em đến trường. Chị Nguyễn Thị Nguyệt- Trưởng nhóm Nắng Mai ở quận Thủ Đức- nơi tập hợp các bạn tuyên truyền và giúp đỡ người nhiễm HIV, cho biết, có trẻ nhiễm HIV phải trải qua ba lần đi xin học mới được tiếp nhận.
“Nhiều trường tiếp nhận em nhưng, khi biết được cha qua đời vì bệnh AIDS, họ đã trả về cho mẹ. Đến khi thấy con bị kỳ thị, mẹ xin con đến trường khác và nói, cha qua đời vì bệnh lao, trường mới tiếp nhận cháu”- Chị Nguyệt kể.
Các em có quyền đến trường
“Có lẽ các em nhiễm bệnh sẽ vui hơn nếu như được cắp sách đến trường mà cộng đồng không còn kỳ thị”- xơ Tríu nói. Theo xơ Tríu, các em cũng giống như những trẻ em bình thường khác, mong được cắp sách đến trường, được vui đùa và hòa nhập với xã hội. “Hãy mở lòng với các em, yêu thương các em” – xơ Tríu nói.
Chị Trần Thị Thu Trâm- Trung tâm dạy trẻ nhiễm HIV Tam Bình, nói: “Hiện có 22 em ở trung tâm theo học chương trình tiểu học ở các trường phổ thông. Hầu hết các em đều học lực và hạnh kiểm khá giỏi. Chỉ có điều còn không ít ánh mắt của phụ huynh vẫn kỳ thị với các em”.
“Các em có quyền đến trường. Rất tiếc là không ít phụ huynh không chấp nhận cho con em mình học chung với trẻ nhiễm HIV. Vì vậy, được đến trường đã quá vất vả, các em nhiễm HIV còn phải giấu nhân thân, phải học ở trường xa địa phương, trường tư và trong các lớp tình thương...” - Tiến sĩ Lê Trường Giang- Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban phòng chống AIDS TPHCM nói.
Theo bác sĩ Giang, chiến dịch truyền thông “Vì trẻ em nhiễm HIV” và chương trình hội trại “Trường của em, bạn của em” diễn ra từ 1/6 hy vọng phần nào giảm được sự kỳ thị của cộng đồng đối với trẻ nhiễm HIV.
Đến đầu năm 2009, tại TPHCM có 1.066 trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV/AIDS. Theo bác sĩ Lê Trường Giang, sau khi triển khai chương trình phòng lây HIV từ mẹ sang con từ năm 2005, mỗi năm TPHCM cứu được khoảng 150 trẻ không lây nhiễm từ mẹ bị HIV. Trong khi đó, số trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV tại TPHCM có 60.000. |
Lê Nguyễn
▪ Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh - "Vấn đề mới" ? (23/05/2009)
▪ Vượt đại dương học thư pháp Việt (04/05/2009)
▪ Nữ sinh 9X muốn 'tái lập' kỳ tích Olympic (28/04/2009)
▪ Chạy trường: Vẫn chưa có thuốc chữa (27/04/2009)
▪ Chân dung một nữ sinh xinh xắn học “siêu” Toán (22/04/2009)
▪ Chắp cánh ước mơ vượt hồ tìm chữ (18/04/2009)
▪ “Thật đáng buồn cho cách dạy của chúng ta...” (18/04/2009)
▪ Ước mơ đứt đoạn (13/04/2009)
▪ Cả trường dựng lều trọ học (13/04/2009)
▪ Muôn nẻo chuyện học “chui” (24/02/2009)