Rầm rập đi "nhét" chữ
Các Website khác - 06/12/2008

6h chiều, Hoàng Khang (HS lớp 9, Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP.HCM) đến lớp học thêm với 2 chiếc cặp và 1 ổ bánh mì. Một cặp cho lớp học ban ngày và một cặp cho lớp học thêm. Sách vở để học ở trường rất nhiều nên Khang không thể dồn vở học thêm vào được.                                       

Hai chiếc cặp quá cỡ của Hoàng Khang. Ảnh: Đ.T

Tấp nập “giờ cao điểm”

Từ chú bảo vệ đến các cô nhân viên văn phòng Trường Tiểu học Trần Quang Diệu - điểm học thêm của học sinh Trung tâm Văn hóa Tri Thức - đều quen thuộc với hình ảnh này.   

Nhà ở tận quận Gò Vấp nên khi kết thúc giờ học buổi chiều ở trường, Khang đi bộ qua điểm học thêm và thường xuyên phải ăn bánh mì trước khi vào lớp.

 Khang nói: “Lớp con có mấy bạn đi học thêm ở những trung tâm lớn ở quận 1, con cũng muốn ra đó học. Nhưng mẹ con không chở đi được nên phải học ở gần trường”.

Còn Công Tùng, đã thành thông lệ, đến phòng ghi danh nhận một hộp cơm và một chai nước trước giờ vào lớp.

Cũng như nhiều học sinh khác, Tùng vội vã đi từ trường qua chỗ học thêm để nhận khẩu phần nói trên do mẹ em gửi ở văn phòng trung tâm.

Một nhân viên của trung tâm cho biết: “Ngày nào cũng thế! Hai mẹ con không có thời gian gặp nhau nên phải nhờ chúng tôi chuyển cơm giúp.

Tùng là học sinh "đặc biệt" vì có cơm ăn, còn các học sinh khác đều ăn tạm bánh mì hoặc bánh tráng trộn.

Những quang cảnh tương tự diễn ra hàng đêm ở nhiều điểm học thêm khác, như Trường THCS Lê Lợi (quận 3), Nguyễn Thượng Hiền (Tân Bình), Bùi Thị Xuân (quận 1)…

6 giờ chiều, HS lũ lượt kéo đến các trung tâm bồi dưỡng văn hóa - cũng là điểm học thêm - tạo nên một quang cảnh thật nhộn nhịp. Vài học sinh khệ nệ ôm 2 chiếc cặp vào trường, nhiều học sinh vừa tranh thủ ăn vội ổ bánh mì, và không ít em lộ rõ vẻ mệt mỏi trên khuôn mặt. 

Hầu hết các em đều mặc nguyên đồng phục của các trường học gần đó.  

Học thêm để yên tâm hơn

Ăn vội bánh mì để kịp giờ học thêm. Ảnh: Đ.T
Nhiều phụ huynh cho biết họ cho con đi học thêm vì sợ con mình không theo kịp bạn bè trong lớp, không tiếp thu tốt bài vở và không đạt kết quả cao trong các kỳ thi.   

Chị N.T.B.V, có con đang học lớp 9, cho biết: “Năm cuối cấp, tôi quyết định cho cháu đi học các môn chính như Toán, Văn, Anh. Ngoài ra, do giáo viên dạy Lý ở trong trường không tốt nên tôi cho cháu học thêm môn này nữa. Riêng môn Văn thì cháu mới học năm nay và vào tối Chủ nhật”.

Tại Trung tâm Tri Thức, chúng tôi hỏi chuyện chị Nguyễn Thùy Nga có con đang học tại Trường THCS Lê Quý Đôn.

Chị cho biết: “Tôi không yên tâm lắm nếu để cháu chỉ học ở trong trường mà không học thêm. Thời gian ở trường chắc chắn không đủ để giáo viên dạy nâng cao hay quan tâm kỹ đến từng học sinh. Dù gì, ở trung tâm học thêm, một lớp chỉ 20-30 học sinh thì thầy cô giáo có thể dạy kỹ hơn”.

Cũng có trường hợp phụ huynh cho con đi học thêm sau khi nghe con nói rằng trong lớp có thầy môn này hay cô môn kia dạy khó hiểu.

Chẳng hạn như anh Hà Quang Thái (Trần Văn Đang, quận 3) đã quyết định cho con đi học thêm dù thấy con học nhiều cũng xót. Anh kể: “Cháu đi học về và nói là giáo viên dạy Toán ở trường dạy khó hiểu bài. Nếu không cho cháu đi học thêm ở ngoài, tôi sợ không đạt kết quả cao ở các kỳ thi sắp tới”.

Một phụ huynh có con đang học tại THCS Đoàn Thị Điểm cũng cho biết: “Ngay bài kiểm tra đầu tiên của môn Văn con tôi đã bị điểm dưới trung bình. Và theo như cháu nói, cô giáo dọa nếu không đến học thêm thì khó lòng có điểm cao. Tôi đành cho con đi học thêm để không bị điểm kém nữa”.

Không chỉ phụ huynh, bản thân nhiều học sinh cũng lo lắng nếu không học thêm. Em Hoàng Khang là một ví dụ. Đang là học sinh lớp 9, nên Khang phải tăng tốc học thêm kín các buổi trong tuần. Một ngày học của Khang bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc lúc 21g.

Hoàng Khang nói: "Lớp con có nhiều bạn đi học thêm nên con cũng phải theo không là thua kém bạn bè. Năm cuối cấp nên phải học cật lực để thi vào lớp 10".

Trò học thêm, thầy cô có lợi?

Hiện nay, một số trung tâm bồi dưỡng văn hóa đã liên kết với một số trường học để quảng cáo các chương trình dạy thêm đến từng lớp học.

Qua hình thức liên kết này, giáo viên sẽ giới thiệu học sinh cho các trung tâm và bù lại, các trung tâm sẽ chia cho giáo viên 10-15% số tiền học phí thu được từ những học sinh học thêm được các giáo viên giới thiệu.

Chúng tôi cũng được nhiều phụ huynh phản ánh về việc một số trường có chủ trương cho học sinh học thêm vào buổi tối.  

Chị Đồng Thị Kiểu, có con đang học lớp 6 một trường THCS ở Gò Vấp, kể: “Đầu năm học, hiệu trưởng của trường phổ biến trước toàn trường rằng do chương trình nhiều, thời gian không đủ nên buổi học chính khóa các em sẽ học lý thuyết, buổi chiều các em đi học thêm để làm bài tập”.

Trong buổi họp phụ huynh của lớp, cô giáo chủ nhiệm còn nhắc nhở tất cả phụ huynh: “Việc học thêm vào buổi chiều đã được sự đồng ý của Sở GD-ĐT. Nếu phụ huynh nào không cho con đi học thêm phải chịu trách nhiệm về kết quả học tập của các em”.

Nghe cô giáo phổ biến như thế, phụ huynh nào cũng ký tên đồng ý cho con mình đi học thêm 3 buổi chiều/tuần tại cơ sở bồi dưỡng văn hóa của trường.

  • Đoan Trúc