Ba nghịch lý của giáo dục
Các Website khác - 06/12/2008

Hàng trăm bạn đọc VietNamNet tiếp tục gửi bài tranh luận, góp ý chấn hưng giáo dục Việt Nam. Bạn đọc Trần Quang Đại, giáo viên THPT Trần Phú (Đức Thọ, Hà Tĩnh) phân tích 3 nghịch lý dẫn đến sự yếu kém trong chất lượng giáo dục.

 

(Bài tham gia diễn đàn Cùng VietNamNet chấn hưng giáo dục VN)

 

Giáo viên: Lương không đủ sống, vẫn… sống

 

Điệp khúc “Lương thấp, không đủ sống” đã trở thành một bài ca buồn của giáo viên, thành chuyện “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Là người “trong cuộc” từ hàng chục năm nay, chúng tôi nhận thấy giá trị đồng lương giáo viên hầu như không gia tăng về giá trị.

 

Chúng tôi là giáo viên THPT, vào ngành từ năm 2000, lương khởi điểm khoảng 420 nghìn đồng. Đến năm 2008, lương tăng lên đến gần 2 triệu đồng, gấp gần 5 lần về số lượng, nhưng giá trị của đồng lương năm 2000 và năm 2008 cũng chỉ tương đương mà thôi. Nghĩa là đã gần 10 năm, đồng lương của GV vẫn “dẫm chân tại chỗ”.

 

Các đồng nghiệp mới vào trường lương lại còn thấp hơn nữa, trong khi các em có rất nhiều nhu cầu cần trang trải. Các GV lớn tuổi lương cao hơn, có người từ 3-4 triệu đồng, nhưng đó là mức lương của các GV cận kề tuổi hưu, với rất nhiều gánh nặng về nhà cửa, nuôi con cái ăn học, rồi dự phòng cho tuổi già, đau ốm…



GV mầm non chưa được đãi ngộ xứng đáng. (Ảnh VNN)

 

Đối với các GV mầm non, mức lương còn “thảm hại” hơn, có trường chỉ trả cho vài ba trăm nghìn một tháng, nếu các cô đi xe máy đến trường thì may vừa đủ tiền xăng. Với các giảng viên ĐH, mức thu nhập “chính thống” (lương) cũng rất thấp, và đây là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” trong đội ngũ này.

 

Cách đây 2 năm, một lãnh đạo của Bộ GD-ĐT phát biểu: “Cố gắng đến năm 2010, nhà giáo sẽ sống được bằng lương”, nghĩa là trước đó, nhà giáo sống bằng gì thì… không biết.  

 

Không sống được bằng lương nhưng… vẫn phải sống, đó là một nghịch lý của đội ngũ GV, của ngành giáo dục. Đây là nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng nhức nhối như “chạy sô” dạy thêm, chạy điểm, xin điểm, “văn hóa phong bì”, tình trạng GV “chân trong chân ngoài”, “lạm thu”, “loạn thu”…

 

Với mức thu nhập bèo bọt, ngành sư phạm không còn sức hút đối với những học sinh giỏi để tạo nên tiềm năng sức mạnh trí tuệ của đội ngũ. Hiện nay, các học sinh giỏi khối A, B rất ít thi vào trường sư phạm, và các trường đành phải “vơ bèo, vạt tép” những thí sinh xấp xỉ điểm sàn. Năm 2008, điểm trúng tuyển vào khoa Sư phạm Lý của ĐH Vinh, một trường ĐH danh tiếng ở miền Trung là 14 điểm, (khoa Sư phạm Tin là 13,5 điểm), một mức điểm quá thấp và không có gì đảm bảo rằng một học sinh dưới mức trung bình sau 4 năm đào tạo sẽ trở thành một GV giỏi.

 

Dĩ nhiên, không phải cứ tăng lương cao cho GV là sẽ có ngay một đội ngũ chất lượng cao; nhưng nếu cứ để cho nhà giáo, những người làm nghề “cao quý” ở mãi trong cảnh “sống dở, chết dở” như thế thì cũng rất khó cho việc xây dựng đội ngũ GV chuyên nghiệp và công cuộc chấn hưng giáo dục.

 

Học sinh: Không học được vẫn cứ học! 

 

Dư luận một dạo đã phản ánh nhiều về tình trạng quá tải của chương trình giáo dục phổ thông. Sau đó, Bộ GD-ĐT đã tổ chức rà soát, đánh giá chương trình - SGK và có kết luận là SGK không quá tải. Hình như chưa yên tâm, và để góp phần “giảm tải” cho GV và HS, Bộ GD-ĐT chủ trương năm học 2008-2009 đưa chương trình học từ 35 tuần lên 37 tuần, kết quả là làm cho các trường khốn đốn vì phải liên tục thay đổi thời khóa biểu.

 

Hiện nay, có một bất cập chưa thể khắc phục được là chỉ có một chương trình - SGK chung cho tất cả các đối tượng HS, của tất cả các vùng miền. Cho nên, khi nói chương trình, SGK quá tải thì cần phải nói rõ là quá tải với đối tượng nào, ở mức độ nào.

 

Từ thực tế dạy học, chúng tôi cho rằng chương trình hiện nay không quá tải đối với những học sinh… xuất sắc, giỏi toàn diện. Còn với đại đa số HS trung bình trở xuống thì quá tải rất trầm trọng (theo quan niệm của chúng tôi thực ra chỉ có hai loại HS là khá giỏi và yếu kém, còn trung bình thực chất cũng là yếu kém). Hãy xem HS THPT phải học đến 15 môn, ngoài ra còn phải học thêm, lao động, hoạt động tập thể…

 

Chúng tôi hỏi một GV Anh văn, một HS trung bình mỗi ngày cần dành bao nhiêu thời gian cho môn tiếng Anh để có thể học tốt thì được trả lời là 3 tiếng. Cứ theo “định mức” ấy thì mỗi ngày cần kéo dài ra đến 45 tiếng (hoặc nếu cứ tính 2 tiếng/môn/ngày thì mỗi ngày cũng cần có 30 tiếng) để cho một HS có thể hoàn thành bài vở.

 

Không thể học được nhưng vẫn phải học, thậm chí phải đạt “kết quả cao” “năm sau cao hơn năm trước” nên mới sinh ra “bệnh thành tích”, rồi “ngồi nhầm lớp”, rồi học đối phó, phân biệt “môn chính”, “môn phụ”, học thêm, phụ đạo, gian lận trong học tập, thi cử… Còn những HS liệu bề không “trụ” nổi thì “ba mươi sáu chước… bỏ học là hơn”.


                                            Chương trình học quá tải với các em HS. (Ảnh VNN)

 

Năm trước, dư luận nóng lên vì hiện tượng HS bỏ học. Năm nay, theo thông tin tại hội nghị giao ban lần I các Sở GD-ĐT khu vực ĐBSCL (vùng 6) năm học 2008-2009 do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Tiền Giang ngày 24/11, trong số HS đồng bằng sông Cửu Long bỏ học thì có 40%  bỏ học vì không theo kịp chương trình.

 

Các báo mới đây đưa tin “ở tỉnh Đồng Tháp liên tiếp xảy ra hiện tượng học sinh lớp 12 ngất xỉu tại trường, 100% là nữ. Nguyên nhân chính là áp lực học tập quá nặng nề, mỗi ngày học sinh chỉ ngủ được 2 – 3 tiếng”.

 

Ông Châu Quốc Tuấn, Phó hiệu trưởng THPT Cao Lãnh 1 thừa nhận: “Chương trình học quá nặng. Nhà trường đã phải lập Ban tư vấn học đường, Đội ứng cứu ở các lớp để kịp thời sơ cứu ban đầu khi có học sinh ngất xỉu. Đang có kiến nghị trang bị thêm phương tiện cấp cứu học sinh ngất xỉu, bên cạnh đồ dùng giảng dạy và học tập” (!?).

 

Không biết khi nào Bộ GD-ĐT mới thừa nhận thực trạng này, và quyết tâm thay đổi? Có lẽ phải chờ đến khi có hậu quả nghiêm trọng hơn xảy ra chăng?

 

Cách “chữa cháy” của Bộ GD-ĐT không những không cải thiện được tình hình, mà còn làm cho sự quá tải thêm trầm trọng. Ví dụ như giảm số tiết học của các môn (bài “Tác gia Tố Hữu”-Ngữ văn 12 những năm trước dạy 2 tiết, năm nay rút xuống còn 1 tiết); giảm số trang của SGK. Theo chúng tôi, đáng ra phải làm ngược lại mới đúng: tăng số tiết, tăng số trang của SGK, và giảm số môn (học theo lối cuốn chiếu, hoặc bỏ hẳn một số môn không thật cần thiết). Một nghịch lý và cũng là một hệ quả tất yếu là: SGK càng mỏng, thì những cuốn sách tham khảo “ăn theo” sẽ càng dày dặn.

 

Thương mại hóa nửa vời - “sát thủ” của giáo dục

 

Mặc dù dư luận vẫn còn tranh cãi chưa biết khi nào thì ngã ngũ, nhưng xu hướng thương mại hóa đã len lỏi vào tận “hang cùng ngõ hẻm” của môi trường giáo dục. Và nguy hại thay, đó là một xu hướng thương mại hóa nửa vời, hay nói chính xác là gian lận. Nghĩa là “nhà đầu tư” chỉ quan tâm đến lợi nhuận, còn chất lượng sản phẩm (chất lượng giáo dục) thì bị thả nổi, “sống chết mặc bay”. Đơn cử như việc mở/nâng cấp hàng loạt trường ĐH, CĐ trong thời gian vừa qua khi chưa đạt yêu cầu về giảng viên, cơ sở vật chất, rồi tuyển những thí sinh có số điểm cỡ 6.5 vào giảng đường đại học, rồi “bế tắc đào tạo, vẫn mở ngành ào ạt”…

 

Chất lượng đào tạo không đạt yêu cầu, sinh viên ra trường không tìm kiếm được việc làm, nghĩa là tạo ra sản phẩm chất lượng kém, “hàng giả”, “hàng nhái” gây hại cho xã hội nhưng các trường vẫn vô can, ung dung mở rộng quy mô, tăng chỉ tiêu tuyển sinh, với mục đích “càng đông SV, càng thu được nhiều tiền”, khiến cho môi trường giáo dục bị “ô nhiễm” nặng nề.

 

Cứ cho là giáo dục phát triển theo xu hướng thương mại hóa đi, nhưng phải là một xu hướng lành mạnh, sòng phẳng. Chất lượng giáo dục phải xứng đáng với “đồng tiền bát gạo” của Nhà nước và người dân. Nhà trường, các cơ sở đào tạo phải chịu trách nhiệm về sản phẩm giáo dục của mình, nếu tạo ra những sản phẩm chất lượng không đáp ứng yêu cầu xã hội thì buộc phải “rã đám”.

 

Trong cơ chế thị trường, lợi nhuận, đồng tiền là mục tiêu chi phối hành động, với một sức hút vô cùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, chúng ta không thể để cho thói gian lận lộng hành, để cho đồng tiền lấn át những mục tiêu tốt đẹp của một nền giáo dục nhân đạo, vì con người và vì đất nước. Nếu Nhà nước không nhanh tay, mạnh tay, e rằng hậu quả sẽ khôn lường. 

  • Trần Quang Đại