Cả nước hiện chỉ có 5/42 ĐH dân lập, tư thục (25 trường phía Nam,17 trường phía Bắc) chọn phương án tổ chức thi, còn lại đều xét tuyển thí sinh đã dự thi vào các trường ĐH khác trong cả nước. Tuy nhiên, việc tuyển sinh của 5 trường này không mấy thuận lợi.
Dù có tổ chức thi tuyển, nhưng đầu vào chủ yếu từ số thí sinh xét tuyển NV2, NV3.
Từ kỳ thi tuyển sinh năm 2010, ĐH Kỹ thuật công nghệ TP HCM chính thức không tổ chức thi mà xét tuyển như các trường ĐH dân lập, tư thục khác. Vì sao các ĐH ngoài công lập lại chọn phương án này?
Xét tuyển để tránh thí sinh “ảo”
Tiến sĩ Ngô Cao Cường, Trưởng phòng Tổ chức hành chính ĐH Kỹ thuật công nghệ TP HCM, lý giải: do áp lực kỳ thi quá nặng nề, trường phải huy động lượng giảng viên và kinh phí rất lớn nhưng số thí sinh đến dự thi thực tế ít, chất lượng không cao. “Số liệu ảo lớn, thêm vào đó, thí sinh trúng tuyển nguyện vọng NV1 không nhiều, phần lớn là trúng tuyển theo NV2. Vì vậy, sau gần 10 tổ chức thi, năm nay trường quyết định xét tuyển từ nguồn thí sinh đã dự thi các trường khác”.
![]() |
Thí sinh làm bài thi tuyển sinh ĐH năm 2009. Ảnh: Anh Dũng |
Năm 2009, trường có 8.226 thí sinh đăng ký dự thi vào 16 ngành. Tuy nhiên, số thí sinh dự thi thực tế chỉ có 6.342, trường phải bỏ trống hơn 30 phòng thi và hơn 60 giám thị (một phòng thi 45-60 thí sinh). Chưa kể, số thí sinh đạt điểm thi từ 13 trở lên (điểm sàn thấp nhất theo quy định của Bộ GD - ĐT) chỉ có 632, trong đó số điểm từ 15 trở lên 255 bài! Ông Ngô Cao Cường cho biết: “Từ những số liệu trên, trường quyết định chọn phương án xét tuyển là hợp lý, vừa không bị áp lực cao, vừa chủ động nguồn tuyển”.
Tương tự, ĐH Hoa Sen có đến 11.375 thí sinh đăng ký dự thi, nhưng con số thi thực tế chỉ có 7.881, vắng đến 3.494. ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội chỉ có 14.318 thí sinh tới dự thi trong số 18.293 thí sinh đăng ký, “ảo” đến 3.975 thí sinh. ĐH Lạc Hồng có 6.214 thí sinh dự thi trong số 8.545 thí sinh đăng ký…
Theo tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai, Phó trưởng ban ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP HCM), để nâng chất lượng đầu vào, các ĐH thường dành tỉ lệ nhất định để gọi trúng tuyển NV2. Thí sinh nên chọn trường có ngành học phù hợp với sở thích, không nên quá chú trọng vào trường công hay trường tư. |
ĐH dân lập Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cũng có điểm thi cao nhất đạt 23,5, trong đó điểm từ 15 trở lên có 590 thí sinh. Trong khi đó, ĐH Lạc Hồng cũng có điểm thi cao nhất là 23,5, nhưng số thí sinh có điểm thi từ 18 trở lên khá nhất khi có 139 thí sinh đạt và từ 15 điểm trở lên có 843 thí sinh…
Chấp nhận tuyển thiếu chỉ tiêu để nâng tầm
Phạm Quốc Bảo, sinh viên ĐH Văn Lang, nói: “Học ĐH tư mắc cỡ lắm. Em trượt NV1 nên phải chọn NV2 vào trường này, năm nay em quyết thi lại vào ĐH Bách khoa”. Giống như Bảo, rất nhiều thí sinh vào trường ngoài công lập chủ yếu chỉ để “ém quân chờ thời” thi lại vào năm sau. Còn lại, những thí sinh trúng tuyển vào các trường ngoài công lập hầu hết đều có học lực trung bình, vì điểm chuẩn rất ít khi hơn điểm sàn!
Nhìn nhận vấn đề này, thạc sĩ Hoàng Thọ Phú, Phó chủ nhiệm Khoa Kinh tế, ĐH Hồng Bàng, cho biết: “Trong các lứa sinhv iên đã tốt nghiệp của trường đến nay, chỉ có một em đạt loại khá, nên tôi có thể nhớ tên tuổi vì là trường hợp “cá biệt”. Còn lại chỉ là trung bình khá trở xuống. Nguyên nhân có lẽ do đầu vào quá thấp!”, ông Phú than thở.
Để nâng cao chất lượng sinh viên, tiến sĩ Ngô Cao Cường cho rằng “phải đột phá!”. Ông Cường cho biết, năm nay trường không chạy theo chỉ tiêu, mà xác định ngay từ đầu là tăng điểm chuẩn cao hơn điểm sàn để tìm thí sinh có chất lượng. “Có thể sẽ không tuyển đủ theo chỉ tiêu, nhưng phải như thế mới nâng tầm của trường”, ông Cường nói.
Còn giáo sư - tiến sĩ Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH dân lập Hải Phòng, cho biết: “Thí sinh dự thi vào trường đạt điểm thi tuyển sinh từ 21 - 24 trở lên sẽ được hưởng học bổng tương đương 80% hoặc 100% học phí của trường trong suốt bốn năm. Còn sinh viên khá, giỏi được thưởng học bổng hằng năm. Ngoài ra, để SV ra trường đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, trường chuẩn hóa chương trình và chuẩn đánh giá quốc tế như tin học - chứng chỉ ICDL (chứng chỉ quốc tế về kỹ năng sử dụng máy vi tính), ngoại ngữ - chuẩn TOEIC và dạy các kỹ năng mềm”.
Thạc sĩ Lê Văn Toàn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng cho biết: “Trường miễn học phí năm thứ nhất cho thí sinh trúng tuyển đạt từ 21 điểm trở lên, các năm tiếp theo được nhận học bổng theo quy định của trường. Đồng thời trường xét cấp học bổng khuyến khích học tập, học bổng khuyến học, khuyến tài”…
Anh Dũng
▪ Thành phố Hà Nội : Giáo dục theo hướng đào tạo trình độ, chất lượng cao (10/10/2009)
▪ Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: "Không duy trì những trường đại học kém chất lượng" (28/09/2009)
▪ Điểm chuẩn dự kiến của các trường ĐH năm 2009 (24/07/2009)
▪ 54 trường ở Hà Nội hạ điểm chuẩn vào lớp 10 (24/07/2009)
▪ Trẻ nhiễm HIV: Gian nan đường đến trường (25/05/2009)
▪ Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh - "Vấn đề mới" ? (23/05/2009)
▪ Vượt đại dương học thư pháp Việt (04/05/2009)
▪ Nữ sinh 9X muốn 'tái lập' kỳ tích Olympic (28/04/2009)
▪ Chạy trường: Vẫn chưa có thuốc chữa (27/04/2009)
▪ Chân dung một nữ sinh xinh xắn học “siêu” Toán (22/04/2009)