Món bì thịt heo (thịt lợn) ăn với bánh mì, cơm tấm…mà nhiều người ưa thích đang bày bán nhiều tại TP HCM. Một nghiên cứu cho thấy có đến 70% mẫu nhiễm ít nhất hai loại vi khuẩn
Đây là nghiên cứu về chất lượng bì thịt heo do tiến sĩ Cao Minh Nga, Đại học Y dược TP HCM thực hiện và công bố vào trung tuần tháng 1. Theo cảnh báo của các bác sĩ, càng gần Tết, trên thị trường càng xuất hiện nhiều sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dễ xảy ra ngộ độc. Đây cũng là “cơ hội” để giun sán “lang thang” vào cơ thể.
Nhiều bệnh chờ “xông đất”
Các loại vi khuẩn chủ yếu trong bì thịt heo là Coliforms, E.coli, B.cereus, C.perfringens, S.aureus… Bác sĩ Nga cho rằng, vi khuẩn C.perfringens hiện diện trong khoảng 50% mẫu chứng tỏ da lợn đã để quá lâu mới được chế biến, hoặc nhiễm phân trong khi giết thịt, chế biến. E.coli là vi khuẩn chính gây nhiễm khuẩn đường ruột, tiêu chảy và làm kém hấp thu các chất dinh dưỡng ở trẻ em.
Ngoài ra, chúng còn gây nhiễm khuẩn đường tiểu, dẫn đến tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu ra máu, tiểu có mủ, thậm chí gây nhiễm khuẩn bàng quang, thận, cơ quan sinh dục… Còn vi khuẩn B.cereus thường sản sinh độc tố trên thịt, rau quả, gia vị, gây tiêu chảy.
Theo Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM, gần Tết Nguyên đán xuất hiện tình trạng nhiều thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh hoặc sử dụng hàn the, phẩm màu trong quá trình chế biến. Năm ngoái, Viện phát hiện 44% trong tổng số 126 mẫu được giám sát bị nhiễm vi khuẩn, hàn the hoặc phẩm màu ngoài danh mục. Các loại thịt tươi vi phạm đến 80%, bánh mứt kẹo gần 23%, các loại rau củ quả ngâm chua (củ kiệu, hành, kim chi, rau muống) là 20%.
Việc sử dụng hàn the có thể gây ra ngộ độc cấp tính khi người tiêu dùng ăn vào với liều lượng trên 5 gram. Ngay cả khi ăn vào với hàm lượng thấp, hàn the vẫn gây ngộ độc mạn tính. Các bác sĩ lo ngại, dù hàn the bị cấm sử dụng nhưng hiện nhiều cơ sở sản xuất vẫn dùng để thực phẩm dai, giòn và dễ bán hơn.
Tiến sĩ Trần Thị Hồng, Bộ môn Ký sinh - Vi nấm học, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM, cảnh báo, để kịp thu hoạch rau sống trước Tết, sẽ có những hộ bón phân tươi, sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy định. Chính nguồn rau sống không sạch này là nơi hội tụ của trứng, ấu trùng giun sán và ngộ độc thực phẩm. Do vậy, nếu người tiêu dùng không rửa rau sống sạch, nhất là trong những ngày Tết, thì có thể mắc các bệnh đường tiêu hóa. Hậu quả là trẻ em dễ bị thiếu máu, còi cọc, giảm hấp thu dinh dưỡng, suy nhược cơ thể. Còn người lớn có thể bị tắc ruột, áp xe gan, nguy hiểm đến tính mạng.
Cẩn trọng với rau sống, rượu ngâm
Để tránh mua phải thực phẩm chứa hàn the, vi khuẩn, phẩm màu… không đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên chọn những cửa hàng có thương hiệu. Viện Vệ sinh Y tế công cộng lưu ý, các cơ sở sản xuất muốn sử dụng phẩm màu chế biến thì bao bì phải ghi nhãn mác, địa chỉ nơi sản xuất. Phẩm màu nhập khẩu phải có xuất xứ rõ ràng và phải công bố chất lượng tại cơ quan có thẩm quyền.
“Rau sống cung cấp một lượng vitamin A, E, C, chất khoáng, chất xơ và một số yếu tố vi lượng rất cần thiết cho quá trình tiêu hóa”, bác sĩ Hồng nói. Tuy nhiên, nó gây hại khi chưa sạch. Vì vậy, khi cần rửa sạch rau sống dưới vòi nước đang chảy mạnh để trôi đi một lượng vi trùng đáng kể…
Các bác sĩ còn khuyến cáo, trong ngày Tết, cần thận trọng khi sử dụng rượu không rõ nguồn gốc vì có thể gây tử vong. Ngoài ra, cũng nên dè chừng với các loại rượu ngâm vì chúng có thể chứa các thành phần gây hại như methanol, furfurol, aldehyt… Những chất này được sinh ra do sử dụng rượu cồn không tinh khiết hoặc được sinh ra trong quá trình sản xuất rượu. Chúng ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tuần hoàn, thần kinh.
Người tiêu dùng cũng nên tiêu thụ nước đá viên hơn đá cây.