Làm sao để khách sạn vẫn đông khách? |
Những năm cuối thập kỷ 90, khi tác động của “dịch” khủng hoảng tài chính châu Á khởi phát từ Thái Lan, “lây” sang nhiều nước châu Á, ảnh hưởng đến các siêu cường kinh tế Âu – Mỹ – Nhật, lượng du khách vào Việt Nam giảm rõ rệt
Tại các trung tâm du lịch lớn ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp du lịch đang làm ăn tấn tới, ấp ủ phát triển thêm cơ sở lưu trú mới, thấy lượng khách cũng như doanh thu giảm mạnh, đành gác lại chờ thời, “đứt ruột” nhìn các khu đất vàng, đáng lẽ về mình, bị trao tay kẻ khác.
Cuộc suy thoái kinh tế hiện nay lại bắt đầu từ Hoa Kỳ, đầu tàu kinh tế của thế giới. Dù các nước đang tìm cách vực dậy đà tăng trưởng, tác động tiêu cực đến du lịch sẽ nặng nề hơn. Nhiều tháng gần đây, du lịch Việt Nam bắt đầu “thấm đòn”. Lượng khách giảm, chỉ còn trên dưới phân nửa cùng kỳ, rất nhiều tour bị huỷ.
“Chiến dịch” của ngành du lịch
Tổng cục Du lịch (TCDL) đang kêu gọi các doanh nghiệp tham gia “chiến dịch” Impressive Vietnam (Ấn tượng Việt Nam, từ tháng 1 – 9.2009) bằng việc đăng ký giảm giá tour 30 – 50%, để kéo khách.
Tuy nhiên, trong khi một số doanh nghiệp du lịch cỡ vừa và nhỏ tự tìm cách cứu mình bằng nhiều thủ pháp, tỏ ý sẵn sàng tham gia “chiến dịch”, phần lớn các doanh nghiệp du lịch “đại gia” lại tỏ ra chẳng mấy mặn mà. Một số lãnh đạo doanh nghiệp lên tiếng trách cứ TCDL hướng dẫn không rõ ràng: giảm giá 30 – 50% trên giá đã ký với đối tác hay trên cơ sở giá công bố? (trước khi TCDL vận động giảm giá, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đối tác, với mức giá giảm 30% so với giá công bố). Theo họ, nếu giảm so với giá đã ký, làm sao thu bù nổi chi? Khách sạn, hàng không, tàu xe chưa giảm giá, làm sao doanh nghiệp tour dám giảm giá?
Về phần mình, các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp vận chuyển thì thanh minh: chưa nhận được lời đề nghị hợp tác nào từ các doanh nghiệp lữ hành. TCDL chỉ biết than trách không mấy ai mặn mà trước “sáng kiến” của mình.
Thử tìm nguyên nhân
Thứ nhất, TCDL vẫn thực hiện vai trò quản lý nhà nước theo tư duy chưa đúng với kinh tế thị trường. TCDL không nên thô bạo ra lệnh, áp đặt mức giảm giá (ở những thời kỳ cao điểm hàng năm, một số địa phương từng làm chuyện này, bị doanh nghiệp và công luận phản ứng dữ dội, trên thực tế không có hiệu lực). Hãy sử dụng vũ khí thị trường một cách linh hoạt. Thay vì chỉ kêu gọi đăng ký, nên ký cam kết với các doanh nghiệp hưởng ứng. Nghĩa vụ của doanh nghiệp ký cam kết là thực hiện việc giảm giá theo cam kết. Quyền lợi của họ là được đưa vào danh sách quảng bá ra nước ngoài bằng chi phí của nhà nước (trong chủ trương kích cầu) và một phần tự đóng góp. Cam kết phải có điều khoản: doanh nghiệp nào “xé” cam kết, sẽ bị nêu danh cụ thể. Trong nội dung quảng bá, cần có việc đề nghị đối tác nước ngoài báo cho TCDL biết, khi bị đối tác Việt Nam “chơi xấu”.
Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn vẫn nặng kiểu làm cũ kỹ: phản ứng rất chậm chạp với thời thế, thụ động chờ cơ quan quản lý hướng dẫn, chưa chủ động đề xuất mức giảm giá thích hợp, vẫn ung dung: “đằng nào cá chẳng vào lưới”... Không ít các nhân sự chủ chốt của các doanh nghiệp du lịch hiện nay đều dạng “tay ngang”, thiếu kiến thức chuyên môn và kinh tế thị trường, do xuất thân từ các đơn vị du lịch thời “quốc doanh”. Thấy đà khách giảm mạnh, họ chỉ than thời trách vận. Ít ai quan niệm tình hình bất ổn an ninh trật tự ở Thái Lan hay Philippines, Malaysia… là thời cơ hút khách về Việt Nam. Không mấy người nhớ, thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á, để có thể sống sót, nhiều khách sạn hạng 5 sao ở Bangkok chấp nhận giá xấp xỉ 20 USD/phòng (so với Việt Nam, thủ tục nhập cảnh Thái Lan đơn giản và rẻ hơn, nhân lực chuyên nghiệp hơn, dịch vụ vệ tinh phong phú và hấp dẫn hơn).
Một số doanh nghiệp du lịch mang “nhãn hiệu” 5 sao ở Việt Nam, nhờ khai thác nguồn du khách không coi chuyện đắt rẻ làm trọng (những “nhà giàu mới nổi”) hay du lịch bằng tiền “chùa” (du khách dự hội nghị, hội thảo của các cơ quan quản lý nhà nước hay các hãng đại gia muốn giữ thể diện đối ngoại…), hoàn toàn dửng dưng với “chiến dịch” này. Mặc dù xét toàn diện, độ hấp dẫn đối với du khách chỉ tương đương “trình độ” 4 sao ở Thái Lan, nhưng giá vẫn ngất ngưởng trên dưới 100 USD/phòng. Có thể đó là một chiến thuật khả dĩ, nhưng liệu sẽ duy trì được bao lâu, khi chính nhiều hãng sản xuất kinh doanh tầm đại gia trên thế giới cũng lâm đà sa sút?
Theo SGTT
▪ Dầu, vàng thế giới mất giá, USD lấy lại ưu thế (20/01/2009)
▪ Kiểng thanh long và dưa hấu vàng “hút” khách (20/01/2009)
▪ Tết này vắng cam Canh, bưởi Diễn (20/01/2009)
▪ Mệt vì chúc Tết đối tác (20/01/2009)
▪ Thuê vệ sĩ dịp Tết giá 2 triệu mỗi ngày (20/01/2009)
▪ 70% bì thịt lợn bị nhiễm khuẩn (20/01/2009)
▪ Xuân về ở vựa hoa lớn nhất Nam bộ (20/01/2009)
▪ Ngân hàng thiếu tiền thưởng Tết (20/01/2009)
▪ Hoa lạ ở chợ Tết (20/01/2009)
▪ Ngân hàng âm thầm thu phí ATM! (20/01/2009)